Bức tranh 2016 nhiều màu sắc
Chiều 16/1 tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế Vĩ mô Việt Nam quý IV/2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức.
Theo VEPR, quý cuối cùng trong năm 2016 ghi nhận những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, sau nửa đầu năm suy giảm. Tốc độ tăng trưởng trong quý IV/2016 đạt 6,68%, cao hơn mức 6,56% cùng kỳ 2015. Tuy nhiên tính cho cả năm chỉ đạt 6,21%, thấp hơn mức 6,68% của năm 2015 và mục tiêu 6,3-6,5% mà Chính phủ đặt ra trong phiên họp thường kỳ tháng Chín. Đặc biệt suy giảm thấy rõ trong ngành nông nghiệp và khai khoáng.
Lạm phát toàn phần tính tới cuối năm ở mức 4,74%, thấp hơn mục tiêu 5% của Quốc hội. Kim ngạch xuất khẩu tăng 8,6% so với cùng kỳ, lên 175,9 tỷ USD, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 4,6%, đạt 173,7 tỷ USD, giúp ghi nhận thặng dư thương mại 2,2 tỷ USD.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, Chuyên gia kinh tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận định các chỉ số vĩ mô đạt được trong năm vừa qua tương đối tốt:
“Năm 2016 trôi qua với rất nhiều biến động địa chính trị trên thế giới, tác động không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam. Từ Brexit ở Anh hay tỷ phú D. Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Mặc dù không đạt mục tiêu đề ra, song tôi cho rằng ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ, những kết quả mà nền kinh tế đạt được phản ánh nỗ lực rất lớn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng tân nội các của ông”.
Đồng quan điểm, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh cũng khẳng định 2016 là một năm hết sức khó khăn đối với nền kinh tế:
“Biến đổi khí hậu gây ra hạn chế nguồn nước và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất ở Đồng bằng Sông Cửu Long trong 100 năm qua, cùng sự cố Formosa khiến nền kinh tế thiệt hại khoảng 1% GDP. Ngoài ra, hệ lụy trong những năm phát triển nóng như nợ xấu tiếp tục là gánh nặng của nền kinh tế. Khối lượng nợ xấu còn rất lớn khiến các ngân hàng phải tăng chi phí dự phòng, trích lập, qua đó giảm dư địa để hạ mặt bằng lãi suất, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như áp lực lên lạm phát. Ngoài ra có những vấn đề mang tính căn cơ từ nhiều năm nay vẫn không giải quyết được. Giả dụ như chi phí logistic của Việt Nam là quá cao , lên tới 20,1% GDP, trong khi ở các nước trong khu vực chỉ là 12%”.
Trong khi đó, Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh không nên đổ lỗi tăng trưởng dưới mục tiêu cho nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng.
“Ngoài những thành công đáng ghi nhận, tôi cho rằng nền kinh tế trong năm 2016 bộc lộ không ít những vấn đề nội tại. Không nên nhìn nhận rằng tăng trưởng kinh tế thấp là do nông nghiệp và khoảng sản. Bởi 2 ngành này đều đã tới điểm nghẽn, không thể phát triển hơn được nữa nếu vẫn giữ cách làm như hiện nay. Chúng ta luôn hô hào phát triển nông nghiệp, song thực tế là nguồn lực cho nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, bao gồm cả vốn đầu tư nhà nước", bà Phạm Chi Lan phân tích, nhấn mạnh:
"Tương tự đối với công nghiệp khai khoáng, khai thác theo kiểu tận thu, chỉ đào lên khỏi mặt đất đem bán, không tạo ra giá trị gia tăng thì việc tốc độ tăng trưởng của ngành này giảm là điều đã được dự báo từ lâu. Viễn cảnh của công nghiệp khai khoáng trong những năm tới không có nhiều hứa hẹn, khi mà tài nguyên khoáng sản của đất nước đang dần cạn kiệt”.
Áp lực lạm phát trong năm 2017
Các chuyên gia đều nhận định 2017 sẽ là năm đầy thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, trong đó câu chuyện kiểm soát lạm phát được nhắc tới nhiều lần, khi mà có nhiều dấu hiệu cho thấy chỉ số này sẽ tăng cao hơn trong năm tới.
Theo ông Trương Đình Tuyển, môi trường kinh doanh ở Việt Nam ngày càng được cải thiện, phản ánh qua việc số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm qua tăng mạnh. Bên cạnh đó, dân số tầng lớp trung lưu dự báo đạt 33 triệu vào năm 2020 cũng sẽ là một lực đẩy lớn cho tiêu dùng.
Ngoài ra, các ngành công nghiệp chế tạo cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian qua và bắt đầu có hiện tượng chuyển dịch sang các ngành có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ. Về mặt chủ quan, nợ xấu và thâm hụt ngân sách đe dọa tác động tới kinh tế vĩ mô, khiến dư địa dành cho các chính sách kích thích không còn nhiều, đầu tư công bị hạn chế do tỷ lệ nợ công quá lớn.
Về mặt khách quan, việc tân tổng thống Mỹ D. Trump vừa đắc cử không ít lần tuyên bố sẽ xem xét lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam trong năm 2017. Trong năm vừa qua, số vốn giải ngân FDI đạt kỷ lục (15,8 tỷ USD) một phần không nhỏ do các nhà đầu tư nước ngoài đón đầu việc Việt Nam gia nhập TPP.
Trong khi đó, PGS – TS Vũ Sỹ Cường nhận định tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 có thể khả quan hơn: “Năm 2016 đánh dấu thời điểm chuyển giao hệ thống điều hành Chính phủ. Sau một năm vận hành, bộ máy này hứa hẹn sẽ hoạt động tốt hơn trong năm tới 2017. Tuy nhiên tăng trưởng cao sẽ đi kèm với sức ép lạm phát. Một yếu tố khiến lạm phát tăng trong năm 2016 là đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại một số tỉnh thành trong tháng Mười".
"Tính tới cuối năm 2016, chỉ số giá nhóm hàng dịch vụ y tế đã tăng 77,57% so với cuối năm 2015, đóng góp tới 2,7 điểm phần trăm trong mức tăng chỉ số giá CPI. Như vậy, việc Bộ Y tế sẽ tiến hành tăng giá dịch vụ y tế tại các tỉnh thành còn lại chắc chắn sẽ tác động đến CPI trong năm tới. Bên cạnh đó, giá năng lượng liên tục tăng lên trong thời gian qua cũng là một điểm đáng lưu ý, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia sản xuất dầu lửa hàng đầu vừa qua đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng”.
Nhận xét về viễn cảnh nền kinh tế 2017, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành lo ngại xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang quay trở lại, và mục tiêu lạm phát 4% trong năm 2017 là không hề dễ dàng.
“Nếu lạm phát vượt ngưỡng 5%, lãi suất danh nghĩa sẽ phải điều chỉnh tăng, có thể gây ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và thị trường tài chính, tác động bất lợi tới nền kinh tế nói chung. Trong khi đó, điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm tới được kỳ vọng là hoạt động của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp chế biến chế tạo. Doanh nghiệp nói chung đang có điều kiện phát triển thuận lợi khi Chính phủ mới đã và đang cho thấy rõ quyết tâm trong cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh. Các Nghị quyết 19 và 35 liên tiếp được ban hành trong năm 2016 được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết cũng như hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân”.
Về thị trường bất động sản, Tiến sĩ Thành nhận định các công ty hoạt động trong lĩnh vực này sẽ chịu áp lực không nhỏ trong năm tới: “Lạm phát tăng sẽ khiến lãi suất cho vay đối với cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà tăng theo, tác động tiêu cực tới nguồn cầu, vốn phần nào hồi phục trong nửa cuối năm 2016. Bên cạnh đó, việc phần lớn các công ty bất động sản hiện nay đều phát triển dự án chủ yếu dựa vào vốn vay nợ, nguồn lực nội tại chưa lớn cũng sẽ là điểm trừ khiến triển vọng của thị trường vẫn còn mong manh trong năm 2017”.
Nghi Điền