Điều tra phải có quá trình". Anh cũng cho biết: "Thời điểm trinh sát Dũng "tổng", công an gặp vô vàn khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc bởi những "sóng nhiễu" từ nhiều phía. Xung quanh Dũng "tổng" ở thời điểm đó, có rất nhiều người sẵn sàng giúp Dũng, gọi điện đến "mắng mỏ" trinh sát, bảo rằng: Người ta (tức Dũng "tổng") - đang yên ổn làm ăn tốt, sao cứ quấy nhiễu thế. Rồi còn có kẻ mang danh là người quen của người này người nọ "dọa nạt", yêu cầu phải dừng chuyên án, không được trinh sát, điều tra…Tuy nhiên thực tế chẳng có ai can thiệp, chỉ là những trò "rung" của các đối tượng bị điều tra.
Cho mượn xe nhiều quá không nhớ nổi!
Chiếc xe ô tô mà Dũng "tổng" vẫn thường xuyên sử dụng cho các cuộc công cán, riêng tư là con "mẹc" E240, biển xanh 31C - 6868. Người ta nói rằng, Dũng "tổng" cũng là người mê tín nên bất kể cái gì liên quan đến đất đai, xe cộ, động thổ... đều được "xem" ngày, giờ hẳn hoi. Dũng "tổng" cũng tìm "thầy" tư vấn chán chê trước khi "rước" con "mẹc" với cái biển số "lộc phát" về. Khi Dũng bị bắt, có "thầy" nói rằng, vận của Dũng đã hết, năm nay có cung tù tội. Trước khi bị bắt vài ngày, "thầy" này vẫn gặp Dũng, vẫn cầm một nắm tiền của Dũng. Thế mới biết, phán cái sự đã rồi đơn giản lắm thay.
Chiếc xe biển "lộc phát" của Dũng "tổng"
Theo số liệu của cơ quan điều tra, tổng số xe ô tô các loại do Dũng quản lý ở PMU18 là 158 chiếc. Tất nhiên, xe của các dự án khác nhau nên chủng loại cũng khác nhau, gồm xe 4 chỗ, 6 chỗ, 16 chỗ, xe tải, xe cẩu, xe lu... Có những cái xe của những dự án lâu lắm rồi, đã cũ, hỏng... mà thực chất Dũng "tổng" không thể nhớ nổi. Vì thế mới có chuyện, Bùi Tiến Dũng cho nhiều đơn vị, tổ chức mượn đến 70 xe. Khi được hỏi, cho mượn vào thời gian nào, đơn vị nào mượn, xe loại gì, biển kiểm soát bao nhiêu... Dũng đều phải nhờ cán bộ văn phòng tìm các thông số cho. Có 2 chiếc xe mà Dũng thường xuyên sử dụng là chiếc "mẹc" E 240 và camry 3.0. Bùi Tiến Dũng thường luân phiên sử dụng hai con xế hộp này. Và tất nhiên, so với tiêu chuẩn sử dụng xe do Chính phủ ban hành thì Dũng là "xài" sai quy định, "xài" xe quá sang so với chức vụ của mình.
Cựu trung tá T kể, ngày làm chuyên án Dũng "tổng", nhiều lần bí xe đi xác minh, anh em chiến sỹ nói vui rằng: "Mượn Dũng "tổng" cái xe dài hạn mà đi, bảo văn phòng đừng ghi sổ sách gì, chắc chẳng ai phát hiện ra đâu". Nói xong, tất cả cười sảng khoái như thể vừa xả stress xong. Cựu trung tá T nói tiếp: "Quả thật, Bùi Tiến Dũng được quản lý quá nhiều xe, nếu tính đầu người thì gần 2 xe /1 người. Ngày ấy, ở PMU 18 chỉ có chưa đến 100 cán bộ, nhân viên, kể cả tạp vụ, văn phòng. Có thể, vì được giao quản lý quá nhiều tài sản như thế mà không bị kiểm tra, lại luôn được ưu ái nên Dũng tổng học thói thích quên chăng"?
Tài liệu trinh sát và thực tế vụ án
Cựu trung tá T cho biết: "Trinh sát và tố tụng ở những chuyên án lớn không hề đơn giản. Tài liệu trinh sát là sự bí mật tuyệt đối về vụ việc trước khi chuyển sang điều tra. Thực tế chứng minh, không phải dữ kiện nào trong tài liệu của trinh sát cũng chuyển hóa được thành chứng cứ mà đôi lúc, nó chỉ là thông tin tham khảo. Tuy nhiên, với chuyên án này thì không có sự khác biệt lớn. Bởi ở tội danh đánh bạc, chứng cứ đã rõ ràng; ở tội danh tham ô, cố ý làm trái thì các văn bản lưu lại của dự án cũng đã đủ chứng cứ tự tố cáo Dũng "tổng". Song bất ngờ của những người công an thực hiện chuyên án đó ngày ấy là sự bình thản đến bất cần của Dũng "tổng", Vũ Mạnh Tiên khi bị bắt. Chỉ có Dũng "con" (Phạm Tiến Dũng - nguyên Trưởng phòng Kinh tế -Kế hoạch của PMU18, bị chết trong trại tạm giam vì bệnh lý) là có rất nhiều tâm sự”.
Dũng "tổng" tại phiên tòa bắt đầu diễn ra từ ngày 27/6/2011
Có thể, khi bị vướng vào vòng lao lý, biết không thể thoát tội nên Dũng "con" đã chuẩn bị trước tinh thần là thành khẩn khai báo những vi phạm liên quan đến mình, rằng chỉ có mình tự cứu mình chứ không ai cứu được mình. Chính Dũng "con" là đầu mối để trinh sát đột phá các mũi điều tra khác. Hình như, Dũng "tổng" và Vũ Mạnh Tiên có suy nghĩ là vẫn có những cách để thoát khỏi sự truy xét của pháp luật nên mới thể hiện được sự bình tĩnh đến vậy. Cựu trung tá trầm ngâm, khi nghe các phương tiện thông tin đưa tin Dũng "con" chết, anh thực sự bất ngờ nhưng cho rằng, âu đó cũng là một sự giải thoát. Dũng "con" đã được đình chỉ điều tra. Song, những ai theo dõi các phiên tòa của vụ PMU18 này chắc đều nhận thấy, những nội dung liên quan đến Dũng "con", những gì chưa rõ ràng, các bị cáo đều đổ lỗi cho người đã chết. Mà đã chết thì không thể đối chất được.
Thực chất, Dũng "tổng", Tiên và đồng bọn đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, toàn là nhắn tin, gọi điện báo chứ không phải trực tiếp ngồi đánh bạc nên Bùi Tiến Dũng vẫn có nhiều thời gian ở văn phòng để điều hành công việc, đi công tác. Chính vì thế, có những nhân viên đã rất ngỡ ngàng và chẳng biết gì về ông sếp mê cá độ bóng đá này. Họ chứng kiến những lúc Dũng "tổng" có thái độ, cách hành xử thất thường thì cứ nghĩ rằng, chắc sếp nhiều việc, đầu óc căng thẳng nên vậy chứ không ai nghĩ, sếp "đức cao vọng trọng" thế lại đi cá độ bóng đá - cái trò của bọn vô công rồi nghề, giang hồ. Cựu trung tá T khẳng định: "Khi bị điều tra viên hỏi: Nguồn tiền để cá độ bóng đá ở đâu ra? Dũng "tổng" mới biết mình đã vướng vào ma trận của vòng lao lý, mới biết rằng, bắt vì tội đánh bạc chỉ là một trong rất nhiều cách để công an điều tra về các dự án mà PMU18 đang thực hiện, bị thất thoát, bớt xén, tham ô... như thế nào??? Khi đó Dũng "tổng" mới bừng tỉnh song mọi thứ đã quá muộn. Khi đó nguyên Tổng giám đốc đã ở trong trại giam và không thể xoay chuyển tình thế, nhất là thân phận tù tội của mình.
Kỷ lục vì hầu tòa!
Năm 2007, Dũng "tổng" hầu tòa lần đầu tiên với tội danh "đánh bạc", "tổ chức đánh bạc"… cùng với 7 bị cáo khác và nhận mức án tương xứng với hành vi phạm tội của mình là 13 năm tù giam. Sau đó Dũng lại hầu tòa vì kháng cáo.
Năm 2009, Dũng hầu tòa cùng 5 bị cáo khác với bản cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát về tội "Tham ô tài sản, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng"… Trong lần hầu tòa này, vẫn có Vũ Mạnh Tiên là bạn đồng hành. Còn bị can là Phạm Tiến Dũng - tức Dũng "con" đã chết trong trại tạm giam vì bị bệnh hen, đã được đình chỉ điều tra. Ngoài ra, còn Bùi Thu Hạnh - nguyên Chánh văn phòng Tư vấn là em gái của Bùi Tiến Dũng cũng phải hầu tòa. Lần ra hầu tòa này, Dũng "tổng" bị cộng thêm 3 năm tù vào 13 năm tù của phiên tòa lần trước, thành 16 năm tù.
Trong phiên xét xử được bắt đầu từ ngày 27/6/2011 này, Dũng "tổng" và 7 bị cáo khác với tội danh "Tham ô tài sản" và "Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong dự án xây dựng cầu Bãi Cháy (ở Quảng Ninh) bằng nguồn vốn ODA do Nhật Bản giúp đỡ. Theo kết luận điều tra và cáo trạng thì Dũng tổng bị cáo buộc đã tham ô hơn 3 tỷ đồng. Các bị can như Nguyễn Vũ Nam, Nguyễn Công Dũng, Nghiêm Phúc Sơn, Lê Minh Giang, Nguyễn Hữu Minh, Nguyễn Hữu Long, Trần Đức Hùng cùng bị truy tố giống Dũng “tổng”. Riêng bị can Đỗ Kim Quý - nguyên Phó Tổng giám đốc PMU18 đã nghỉ hưu, bị truy tố về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". Nếu bị tuyên có tội như theo cáo trạng, Dũng "tổng" sẽ phải chịu thêm từ 16 - 20 năm tù nữa.
Ngoài 3 lần chính thức hầu tòa ở 3 phiên tòa với các tội danh khác nhau, Dũng tổng còn là người giữ kỷ lục về những lần có mặt ở tòa. Sau mỗi lần bị tuyên án, Dũng đều kháng cáo.
Vũ Hoàng