Tính đến 6h sáng 15/9, bão Bebinca - cơn bão thứ 13 trong năm nay ở Nhật Bản - nằm cách thành phố Amami khoảng 230km và đang di chuyển về phía tây bắc với tốc độ khoảng 25km/giờ, theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản.
Hãng tin Kyodo News dẫn thông báo của cơ quan này cho biết cơn bão có sức gió lên tới 180km/giờ. Dự kiến cơn bão sẽ suy yếu thành bão nhiệt đới (tropical storm) từ ngày 16/9.
Khi di chuyển gần Nhật Bản trong đêm 14/9, bão gây ra gió mạnh và sóng lớn được cảnh báo có thể cao tới 8m ở Amami, 7m quanh phía nam đảo Kyushu và 6m ở Okinawa. Các quan chức địa phương đã kêu gọi người dân ở khu vực Amami cảnh giác với sóng, lở đất, lũ lụt ở các vùng trũng thấp và nước sông dâng cao.
Trong vòng 24 giờ tính đến trưa 15/9, lượng mưa dự kiến sẽ lên tới 150mm ở Amami và phía nam Kyushu và 100mm ở Okinawa, theo Đài NHK
Trước đó, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) cho biết tính đến 14h ngày 14/9, bão Bebinca nằm cách tỉnh Chiết Giang khoảng 840km về phía đông nam.
Dự báo bão di chuyển về phía tây bắc với tốc độ khoảng 30km/giờ và sẽ đổ bộ dọc theo bờ biển từ Chiết Giang đến Giang Tô từ đêm 15/9 đến sáng 16/9, sau đó suy yếu dần.
CMA đồng thời lưu ý vẫn còn một số điều không chắc chắn về cường độ và thời gian đổ bộ của bão.
Theo cơ quan này, bão có khả năng đổ bộ nhiều nhất vào thành phố Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang) và Thượng Hải (nằm giữa Chiết Giang và Giang Tô), với cường độ đổ bộ ở cấp độ bão hoặc bão mạnh.
Tân Hoa Xã đưa tin, để ứng phó với bão Bebinca, Bộ Thủy lợi Trung Quốc ngày 14/9 đã ban hành phản ứng khẩn cấp cấp độ 4 (cấp độ nhẹ nhất trong thang 4 cấp) về lũ lụt ở Thượng Hải và các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và An Huy.
Bộ Thủy lợi cho biết mưa lớn do bão Bebinca sẽ tấn công các khu vực đông nam của Trung Quốc khiến mực nước của một số con sông vừa và nhỏ trong khu vực dự kiến sẽ vượt ngưỡng cảnh báo.
Bộ Thủy lợi nhấn mạnh việc phòng ngừa lũ lụt ở các con sông vừa và nhỏ cũng như lũ quét trên núi ở các khu vực bị ảnh hưởng để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân.
Các cơn bão có cường độ từ cấp độ bão mạnh trở lên hoặc cấp độ bão siêu mạnh sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng.
Bão Yagi, cơn bão thứ 11 trong năm nay ở Trung Quốc, đã gây ra những tác động nghiêm trọng. Yagi hình thành ở Tây Bắc Thái Bình Dương vào ngày 1/9 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào ngày 8/9.
Từ ngày 2/9, Yagi đổ bộ vào đảo Luzon ở Philippines, thành phố Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, huyện Từ Văn ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng ở Việt Nam.
Bão Yagi đổ bộ vào bờ biển phía đông của Đảo Luzon ở Philippines với sức gió 72km/h; đổ bộ vào bờ biển thành phố Văn Xương tỉnh Hải Nam ở cấp siêu bão với sức gió 223km/h; vào xã Giao Vĩ, huyện Từ Văn, tỉnh Quảng Đông với sức gió 208km/h, sau đó đi vào Vịnh Bắc Bộ.
Bão số Yagi đổ bộ vào bờ biển phía nam tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam vào khoảng 15h30 ngày 7/9 với sức gió 208km/h, cấp 17, sau đó suy yếu dần.
Dựa trên dữ liệu khí tượng từ năm 1949 đến năm 2023, các cơn bão đổ bộ vào Trung Quốc trong dịp Tết Trung thu không phải là hiếm, với tỉ lệ bão nhiệt đới mạnh và cấp độ bão mạnh tổng cộng gần 80%.
Bão Bebinca sẽ đổ bộ về phía bắc nhiều hơn so với các cơn bão mùa thu trước đó đã đổ bộ vào Trung Quốc.
Thượng Hải sẽ phải đương đầu với gió mạnh và mưa lớn đúng kỳ nghỉ Tết Trung thu, bắt đầu từ 15-17/9. Tổng lượng mưa dự kiến 60-90mm, tại một số nơi lên tới 120-180mm.
Do ảnh hưởng của bão, tất cả các dịch vụ tàu chở khách ở Thượng Hải bị đình chỉ từ trưa 15/9. Một số hãng hàng không đã hủy một số chuyến bay đến và đi từ Thượng Hải.
Nhà cung cấp điện của thành phố, Công ty Lưới điện Nhà nước Thượng Hải, cấp tập chuẩn bị cho công tác cung cấp và bảo trì.
Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ, Lao Động)