Sáng 14/11, loa phát thanh tại các thôn, xã ở các huyện xung yếu của tỉnh Hà Tĩnh phát liên tục thông tin về cơn bão số 13; yêu cầu người dân chủ động gia cố nhà cửa, tài sản và phương án di dời người đến nơi tránh trú an toàn.
Là địa phương vừa chịu ảnh hưởng nặng nề từ 2 trận lũ lịch sử, ảnh hưởng nền địa chất, cơ quan chuyên môn nhận định bão số 13 khả năng cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi, đặc biệt tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh. Từ 17h chiều hôm qua (13/11), Hà Tĩnh đã phát lệnh cấm biển, kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh trú; chủ động sơ tán dân ở những vùng xung yếu đến nơi tránh, trú an toàn.
Tại Cẩm Xuyên - hạ du hồ chứa nước Kẻ Gỗ, bắt đầu từ sáng nay, chính quyền đã tổ chức di dời người dân tại một số điểm nguy cơ sạt lở và ngập lụt. Để chống sạt lở kè biển, ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) cho biết, vào lúc 5h30 phút sáng nay, ban chỉ đạo xã đã huy động 200 người và 50m3 đá hộc, 15 rọ sắt để gia cố lại đoạn bờ kè biển đoạn qua thôn Hải Nam.
Người dân sinh sống gần khu vực chân núi Chai (thôn 6) và núi Bục (thôn 3), xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên bị sạt lở sau 2 trận lũ vừa qua cũng đang được chính quyền địa phương lên phương án di dời để đảm bảo an toàn.
“Hiện nay, lực lượng 4 tại chỗ đang hỗ trợ nhân dân chằng néo nhà cửa, tài sản, túc trực tại các vị trí xung yếu 24/24h, các xã chủ động lên phương án đảm bảo nhu yếu phẩm cung cấp cho các điểm sơ tán tập trung…”, ông Phạm Hoàng Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên nói.
Tại Cảng cá Thạch Kim (huyện Lộc Hà), tính đến trưa nay đã có 205 tàu thuyền nội và ngoại tỉnh vào neo đậu trong cảng.
Tại huyện Kỳ Anh, các địa phương huy động lực lượng vũ trang, cơ quan đoàn thể giúp người dân chằng chống nhà cửa, chủ động phương án sẵn sàng sơ tán khi cần thiết đối với 250 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, ngập úng. 800 tàu thuyền của người dân Kỳ Khang, Kỳ Phú, Kỳ Xuân, Kỳ Hải, Kỳ Thọ đánh bắt vùng lộng đã nhận được thông tin cảnh báo về bão số 13 và đã về trú ẩn an toàn.
Tại thị xã Kỳ Anh, ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vũng Áng - Sơn Dương, Đồn Biên phòng Đèo Ngang, Đồn Biên phòng Kỳ Khang phối hợp với các xã, phường rà soát, kêu gọi, hướng dẫn 1.400 tàu thuyền của ngư dân xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Nam, Kỳ Lợi hoạt động trên về nơi tránh trú.
Địa phương này cũng tiến hành rà soát phương án, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, khu vực nguy hiểm như các thôn: Hải Phong, Hải Thanh, Tân Phúc Thành ở xã Kỳ Lợi, thôn Minh Đức, xã Kỳ Nam...
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Thế Anh, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai thị xã đã giao các đoàn công tác chỉ đạo trực tiếp đến các xã, phường chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra công tác triển khai nhiệm vụ phòng chống bão số 13, nhất là các xã ven biển, các xã thường bị ngập lụt, sạt lở.
Tại huyện Hương Sơn, ông Trần Bình Thân, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, sáng nay, các phòng, ban chuyên môn đang xuống tại các địa bàn kiểm tra thực tế những vùng nguy cơ mưa lũ, sạt lở để lên phương án tổ chức di dời. Những vùng nguy cơ xảy ra sạt lở tại huyện này gồm các xã: Kim Hoa, Sơn Kim1, Sơn Kim 2, Sơn Tây, Sơn Hồng, Sơn Lĩnh.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 13, huyện Hương Sơn xác định là địa bàn trọng điểm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. 1.107 hộ/2.536 người nằm trong vùng nguy hiểm đã được lên phương án di dời khi mưa lớn kéo dài.
Tại Vũ Quang, có 2 vùng nguy cơ sạt lở cao ở xã Quang Thọ và Thọ Điền, nơi đây có 5 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm, chính quyền địa phương đã tuyên truyền bà con, chủ động thời điểm di dời trước khi cơ bão đổ bộ. Thông tin trên vừa được ông Bùi Khắc Bằng, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết vào 12h33 phút trưa nay.
Để ứng phó có hiệu quả với bão số 13, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các lực lượng vũ trang bộ đội biên phòng (BĐBP), quân sự, công an cử nhân lực, phương tiện hỗ trợ các địa phương. Các địa phương trên toàn tỉnh đều đã cắt cử người ứng trực 24/24, dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, thuốc và vật tư y tế để ứng phó với thiên tai khi cần thiết.
Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh đã thành lập 5 đoàn công tác trực tiếp xuống chỉ đạo các địa bàn trọng điểm ảnh hưởng mưa bão. Đồng thời, phối hợp với các địa phương chuẩn bị nơi ăn nghỉ, vật chất hậu cần, sẵn sàng đón người dân vào các đồn, trạm biên phòng tránh trú bão.
BĐBP tỉnh huy động 43 phương tiện gồm tàu, xuồng, ô tô cùng 600 cán bộ, chiến sĩ (400 người là lực lượng tại chỗ và 200 người là lực lượng cơ động chi viện) sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi bão số 13 đổ bộ.
Theo thông tin mới nhất vào trưa nay từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh, bão số 13 đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 13 kết hợp với không khí lạnh, từ đêm 14/11 đến trưa ngày 16/11, khu vực Hà Tĩnh dự báo xảy ra một đợt mưa lớn, có nơi mưa rất to và dông; tổng lượng mưa các khu vực phổ biến 100 - 200mm, có nơi trên 200mm. Vùng biển Hà Tĩnh có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10. Riêng khu vực ven biển phía Nam của tỉnh này khả năng có gió cấp 8, cấp 9, giật cấp 10. Biển động mạnh. Sóng biển cao từ 3 - 6m. Khu vực ven biển có khả năng xảy ra nước dâng do bão từ 0,5 - 0,7m.
Hiện nay, mực nước trên các sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố ở xu thế ít biến đổi. Sông La chịu ảnh hưởng của thủy triều. Trên các sông Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện 01 đợt lũ với biên độ lũ lên trên các sông từ 2.0 - 6.0m. Đỉnh lũ trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố khả năng ở mức từ báo động 1 đến báo động 2, sông La dưới mức báo động 1.