Một trong những cách thức lây nhiễm Covid-19 nhanh và nguy hiểm nhất là qua đường hô hấp. Để phòng tránh nhiễm bệnh chúng ta phải cố gắng ngăn chặn virus đi vào vùng miệng, hầu họng của chính mình.
Đeo khẩu trang ở người chưa nhiễm bệnh giúp ngăn cản giọt bắn xâm nhập, ở người bệnh giúp cản virus phóng thích, phát tán ra ngoài môi trường. Nhưng theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, nếu chẳng may đeo khẩu trang không đảm bảo, hoặc khi sờ tay dính virus lên mũi, miệng, chúng có thể đi vào vùng hầu họng của chúng ta.
Súc họng, ngoáy mũi thường xuyên bằng dung dịch có khả năng diệt virus là biện pháp góp phần ngăn cản virus xâm nhập. Nếu virus xâm nhập, sau khi nhân lên phá vỡ tế bào chui ra ngoài thì dung dịch sát khuẩn đã đợi sẵn để tiêu diệt nó. Như vậy, kể cả người chưa nhiễm và người đã nhiễm thì dung dịch sát khuẩn hầu họng đều góp phần phòng chống virus xâm nhập vào cơ thể, đồng thời giảm phát tán bệnh.
Bác sĩ Hùng phân tích, không có biện pháp nào 100% giúp phòng được bệnh, nhưng kết hợp càng nhiều biện pháp thì khả năng an toàn càng cao. Tuy nhiên lưu ý để phòng bệnh hiệu quả thì việc vệ sinh vùng hầu họng phải được thực hiện đúng cách:
- Phải súc họng (súc miệng sâu) chứ không chỉ súc miệng, có nghĩa là phải để dung dịch xuống sâu nhất vùng cổ họng mà bạn có thể chịu đựng được.
- Không cần quá nhiều trong một lần súc, chỉ cần 5ml dung dịch là đủ. Càng nhiều thì sẽ càng khó đưa dung dịch xuống sâu vùng họng.
- Súc họng trước khi đi ra ngoài và ngay sau khi ra ngoài về hoặc ngay sau khi tiếp xúc gần với người khác.
- Mỗi lần súc họng khoảng 2 phút, trong đó có ba lần đưa xuống họng mỗi lần khoảng 15 giây. Sau khi súc xong để nguyên không súc lại bằng nước tối thiểu 15 phút.
Có thể dùng 1 trong 2 loại gồm dung dịch Chlohexidin và betadin. Hai loại này đã được nghiên cứu có tác dụng diệt virus covid trong 30 giây. Chọn loại dùng súc họng, không dùng loại bôi vết thương.
Bác sĩ Hùng cho biết, ngoài ra có thể thực hiện phương pháp nhỏ mũi bằng các dung dịch sát khuẩn kết hợp với phương pháp súc họng. Có thể nhỏ mũi bằng hai cách, gồm nhỏ mỗi mũi một giọt dung dịch sát khuẩn rồi day đều bên ngoài cánh mũi; hoặc dùng dung dịch sát khuẩn vào đầu que tầm bông và ngoáy mũi, giống như lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.
Và cũng đừng quên áp dụng các biện pháp khác như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách tiếp xúc, không tụ tập đông người, nâng cao sức đề kháng… đặc biệt là tiêm vaccine ngay khi có cơ hội vì hiệu quả của việc phòng bệnh cần sự phối hợp đồng bộ của tất cả các biện pháp.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Sức khỏe & Đời sống)