Sức hút kỳ lạ của chiếc quan tài với đồng bào Cơ Tu

Sức hút kỳ lạ của chiếc quan tài với đồng bào Cơ Tu

Thứ 2, 26/08/2013 14:19

Sức hút kỳ diệu của chiếc quan tài khiến những người già chỉ ước rằng mình được... chết sớm để có thể nằm vào bên trong.

Sức hút kỳ diệu của chiếc quan tài độc nhất vô nhị

Chúng tôi tìm về khu 7, theo cách nói mà người ta vẫn thường gọi 4 xã vùng biên của huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam): GaRi, Tr'Hy, Axan, Ch'ôm, nơi vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hóa đặc sắt nhất của người Cơ Tu ở miền biên viễn. Anh C'lâu Hớp, chủ tịch UBND xã Tr'Hy cho biết: "100% dân cư của các xã vùng biên đều là người Cơ Tu. Đường xá xa xôi cách trở, còn nhiều khó khăn nên những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn". Để có thể đến được miền biên viễn đẹp như trong tranh, bạn phải trải qua hơn 50km đường bùn ngập bánh xe, những con dốc mà đồng bào vẫn hay gọi là dốc trời,  nơi ta có thể với tay chạm vào mây.

Xã hội - Sức hút kỳ lạ của chiếc quan tài với đồng bào Cơ Tu

Chiếc quan tài được đặt trong một nhà mồ sang trọng cho cân xứng với địa vị người chết.

Gặp già làng Axiêng (65 tuổi, ngụ thôn Atiêng, xã GaRi) khi ông đang chuẩn bị lên rừng tìm một cây gỗ phù hợp để chọn làm quan tài cho người cha vợ mà ông hết mực yêu thương năm nay đã ngoài 80 tuổi. Axiêng cho biết, ước nguyện lúc cuối đời của ông bố vợ là khi chết  được nằm trong một chiếc quan tài truyền thống của người Cơ Tu, chứ không phải là quan tài vuông như của người Kinh dưới xuôi. Hiểu được tâm nguyện của bố vợ nên Axiêng đã cất công đi tìm khắp các cánh rừng già nhưng vẫn chưa tìm được cây gỗ ưng ý để có thể chọn làm quan tài cho bố vợ. Chuyện chưa vãn, già làng Axiêng đã vội chia tay chúng tôi để kịp lên đường tìm cây gỗ ưng ý khi mặt trời lên bằng con sào.

Kể những chuyện mà chúng tôi vừa chứng kiến cho anh Nguyễn Chí Toàn, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Tây Giang nghe. Bằng giọng bình thản của một người nhiều năm gắn bó với đồng bào, anh chia sẻ: "Quan tài theo tiếng của người Cơ Tu là Tr'ang. Chiếc quan tài truyền thống của đồng bào thường được làm từ các loại gỗ quý như lim, đinh hương... nhưng phổ biết nhất hiện nay là gỗ dổi. Dổi ở đây là dổi tô, dổi đỏ, dổi găng nhưng tuyệt đối không chọn dổi mô, tất cả đều phải có đường kính tối thiểu 50cm. Khi làm Tr'ang, người Cơ Tu thường xẻ thân cây làm hai phần, phần trên gồm một phần ba thân cây (nắp quan tài) được gọi là Tr'ang Aconh (quan tài bố), phần dưới được khoét rỗng bên trong được gọi là Tr'ang Acăn (quan tài mẹ). Quan tài của người Cơ Tu thường có hai loại hình tam giác cân hoặc hình tròn".

Già làng Cơ'Lâu Nâm (ngụ thôn Pơr'ning, xã Lăng) năm nay đã 75 tuổi, nhưng trí nhớ minh mẫn còn ghi nhớ được rất nhiều truyền thuyết của dân tộc mình, được coi là kho báu văn hóa sống của người Cơ Tu. Nói về phong tục tang ma của dân tộc mình Cơ'Lâu Nâm cho biết: “Trong lễ tang ngoài các lễ nghi thì quan trọng nhất là chiếc quan tài dành cho người chết. Ai chết muốn nằm trong chiếc quan tài được mọi người không tiếc lời khen ngợi, phải tự mình đi vào những khu rừng già lựa cho mình nhưng thân cây vừa ý nhất để làm. Nếu không tự mình đi chọn được thì phải nhờ con rể lớn đi chọn thay cho mình. Khi chọn được thân cây ưng ý, phải nhờ già làng gọi những trai làng khỏe mạnh nhất để có thể đưa được thân cây đã chọn về chế tác. Trước khi cưa hạ thân cây thì gia đình của người chọn thân cây phải chuẩn bị một con gà trắng, phải là gà trống trắng chứ không được lấy màu khác để làm lễ, thầy cúng làm thủ tục xin Yàng, đất trời thần linh để đốn cây. Yàng đồng ý rồi thì mới giết gà bôi máu vào thân cây rồi cho thanh niên đốn hạ. Nếu không làm lễ mà cứ đốn hạ thì Yàng xấu sẽ theo cây về phá hoại trâu bò gia súc trong làng”.

Xã hội - Sức hút kỳ lạ của chiếc quan tài với đồng bào Cơ Tu (Hình 2).

Chiếc quan tài truyền thống của người Cơ Tu.

Kỳ quan của một dân tộc thiểu số

Tặng quan tài trong những dịp quan trọng

Chị Bh'ríu Thị Hoa, bí thư đoàn huyện Tây Giang chia sẻ: "Trong những dịp lễ quan trọng như hội mừng lúa mới, cưới hỏi người Cơ Tu thường tặng nhau chiếc quan tài truyền thống của mình. Đây không phải thể hiện hàm ý mong cho người nhận quan tài sớm trở về với Yàng, mà thể hiện tình cảm cao quý để nhường cho người khác hưởng lại những gì mình cần nhất trong cuộc đời. Đó là nét văn hóa, thể hiện tình cảm lối sống của người Cơ Tu. Bất kể người Cơ Tu nào cũng luôn biết đây là văn hóa truyền thống có từ ngàn đời. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể biếu nhau bằng quan tài mà phải tùy trong từng hoàn cảnh cụ thể".

Chia tay già làng Cơ'Lâu Nâm chúng tôi tìm về bản Asor, xã AvRông, nằm sát biên giới Việt - Lào. Trong căn nhà sàn truyền thống làm từ các loại gỗ quý, được nhiều thương lái dưới xuôi không ngại đường sá xa xôi cách trở lên đây ngã giá cả tỷ đồng nhưng vẫn nhận được cái lắc đầu của già làng Nghên (60 tuổi). Già làng Nghên cũng đã chuẩn bị cho mình một chiếc quan tài dù ông còn rất khỏe. Nói về chiếc quan tài của dân tộc mình, ông cho biết: "Chiếc quan tài mà những người già thường ao ước được nằm vào bên trong khi chết là chiếc quan tài truyền thống hình tròn hoặc tam giác cân được chạm khắc tinh tế bằng những họa tiết truyền thống của người Cơ Tu. Trước đây để có thể được chôn bằng loại quan tài này, thì gia đình người chết phải là gia đình giàu có ở trong buôn, có địa vị và được mọi người tôn trọng".

Khi đã chọn được thân cây ưng ý, gia đình có người chết phải mời được nghệ nhân làm quan tài về. Người chế tác, điêu khắc loại quan tài này là những nghệ nhân có tay nghề cao,  hoàn thiện một chiếc quan tài như  vậy, 3 - 4 người thợ phải làm cả năm trời mới xong. Những người thợ này cũng được gia chủ đối đãi tử tế. Suốt thời gian làm quan tài họ được ăn ở với gia chủ, được đãi rượu thịt. Khi hoàn thành chiếc quan tài, nếu vừa ý, ngoài công chủ nhà trả cho là trâu bò thì những người thợ này còn được thưởng thêm.

Chiếc quan tài đẹp nhất theo quan niệm của người Cơ Tu là những chiếc quan tài mà những người thợ điêu khắc thể hiện hai chiếc đầu trâu (bắt buộc phải là hai) vô cùng sinh động, có hồn. Người Cơ Tu cho rằng trâu là tài sản lớn nhất, nhà có trâu thì có thể trọn nhà gái. Trâu không chỉ là tài sản, trâu còn là người bạn gắn bó với họ không chỉ trong đời sống sản xuất mà còn trong cả các hoạt động tâm linh. Còn theo Bh'ríu Pố, một trong số những nghệ nhân điêu khắc cuối cùng thì, người Cơ Tu họ rất thích đầu trâu vì họ thấy bề thế, hoành tráng, thể hiện được sự hùng dũng mạnh mẽ của người chết.

Cũng theo Bh'ríu Pố, người Cơ Tu dù sinh sống ở huyện Tây Giang hay ở tỉnh Quảng Trị thì ngoài những chi tiết hoa văn trang trí truyền thống tùy theo từng địa bàn, hai con vật không thể thiếu đó là trâu và gà, mà phải là gà trống. Trong một đàn gà thì chú gà trống vừa thể hiện được sự uy nghiêm vai trò đầu đàn của mình với các thành viên còn lại trong đàn.  Người Cơ Tu cho rằng khi chết tức là sang một thế giới khác. Khi sang thế giới đó, chiếc quan tài, nhà mồ là những thứ thể hiện giá trị của họ với những thành viên khác ở thế giới đó. Sở hữu một chiếc quan tài truyền thống độc đáo là ước mơ của những già làng ở nơi xa xôi phía tây dãy Trường Sơn hùng vĩ. Một khát vọng riêng của người Cơ Tu về cái đẹp, cái hoàn mỹ. Nét đẹp văn hóa đặc sắc, giá trị truyền thống được người Cơ Tu vô cùng coi trọng, và được thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau qua những câu chuyện bên bếp lửa.

NGUYỄN CƯỜNG - DU NGOẠN

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.