Máy bay do thám SR-72 sẽ giúp Mỹ nắm bắt các thông tin tình báo về đối phương nhanh chóng và chính xác nhất. Theo kế hoạch SR-72 sẽ được trang bị cho Không quân Mỹ vào năm 2030.
Các thông tin tình báo về đối phương là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất trong bất kỳ cuộc xung đột nào. Quân đội các nước trên thế giới đã sản xuất ra rất nhiều các phương tiện dùng để trinh sát đối phương.
Các hệ thống, thiết bị do thám rất da dạng, từ trên mặt đất, trên không, và kể cả các vệ tinh trên quỹ đạo. Tất cả đều nhằm mục đích theo dõi để biết được các thông tin về đối phương, từ đó không bị bất ngờ và kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó.
Mỹ là một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới. Quân đội Mỹ nói chung hay lực lượng không quân Mỹ nói riêng luôn là lực lượng được trang bị toàn diện và hiện đại nhất so với phần còn lại của thế giới.
Không quân Mỹ vào những năm 1970 từng sở hữu máy bay do thám mang tên Blackbird SR-71. Đây là máy bay do thám có vận tốc nhanh nhất thế giới.
Blackbird SR-71 được coi là biểu tượng của Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô. Chiếc máy bay này đã thực hiện nhiều lần do thám lãnh thổ của Liên Xô mà chưa bao giờ bị đánh chặn bởi hệ thống phòng không được cho là tối tân của Moscow.
Nhưng bất ngờ là vào năm 1998, kỷ nguyên của Blackbird SR-71 chính thức chấm dứt, vì nhiều lý do khác nhau, quân đội Mỹ đã cho Blackbird SR-71 vào các viện bảo tàng và không có phiên bản kế thừa.
Mãi đến năm 2013, các quan chức quân đội Mỹ hiểu rằng cần phải tạo ra một phiên bản máy bay do thám thế hệ mới, cần phải đi trước một bước để giúp quân đội Mỹ tạo được ưu thế đối với mọi đối thủ trên phạm vi toàn cầu. Chính vì vậy dự án phát triển máy bay do thám siêu thanh mang tên SR-72 ra đời.
Tập đoàn sản xuất vũ khí khổng lồ Lockheed Martin của Mỹ sẽ đảm nhận dự án nghiên cứu và phát triển SR-72. Theo đó, máy bay do thám siêu thanh SR-72 sẽ tham khảo các thiết kế của máy bay SR-71 huyền thoại trước đây, nhưng SR-72 phải được áp dụng tất cả những thành quả của nền kỹ thuật hàng không hiện đại.
Theo kế hoạch đến năm 2030, SR-72 mới chính thức được trang bị cho quân đội Mỹ.
Đây quả thật là một dự án dài hơi đầy tham vọng của quân đội Mỹ, vẫn còn 16 năm nữa để các chuyên gia và kỹ sư hàng đầu của Lockheed Martin hoàn thiện dự án.
Quân đội Mỹ hoàn toàn tin tưởng dự án này sẽ thành công và có khi sẽ được trang bị sớm hơn kế hoạch đề ra.
Một trong những yếu tố đầu tiên tạo ra sự khác biệt của SR-72 đó là về mặt động cơ.
Hiện nay các máy bay chiến đấu hay tiêm kích thế hệ thứ 5 như F-22, F-35 của Mỹ hay T-50 của Nga có vận tốc nhanh nhất thế giới củng chỉ đạt đến vận tốc không quá 3 lần vận tốc âm thanh, tức là khoảng gần 4000 km/ giờ.
Mặc dù các chiến đấu cơ hiện nay được trang bị các loại động cơ phản lực tối ưu nhất nhưng vẫn bị hạn chế về mặt tốc độ dưới mức 3 lần vận tốc âm thanh.
Trong khi đó, yêu cầu đặt ra đối với máy bay do thám SR-72 là chúng phải sở hữu vận tốc gấp tới 6 lần vận tốc âm thanh.
Trước thử thách rất lớn về mặt động cơ như vậy, các chuyên gia về động cơ máy bay của tập đoàn Lockheed Martin đã tập trung nghiên cứu và theo một số nguồn tin, SR-72 sẽ mang theo 2 động cơ là động cơ phản lực thông thường và động cơ Ramjet.
Hai động cơ này kết hợp với cấu trúc rất đặc trưng, khá phức tạp bao gồm vòi phun nhiên liệu, cửa hút gió…để đảm bảo giảm đáng kể sức cản không khí
Nguyên tắc hoạt động của 2 động cơ trang bị cho SR-72 đó là gia đoạn đầu khởi động thì động cơ phản lực sẽ hoạt động để tăng tốc cho máy bay đạt tới vận tốc gần 3 lần vận tốc âm thanh, lúc này sẽ kích hoạt động cơ Ramjet để tăng tốc lên 6 lần vận tốc âm thanh.
Động cơ Ramjet là một loại“ Động cơ phản lực dòng thẳng”. Loại động cơ phản lực này sẽ sử dụng chuyển động về phía trước của phương tiện để nén khí vào,để tạo ra một lực đẩy siêu khủng.
Động cơ phản lực dòng thẳng không thể tạo ra lực đẩy khi phương tiện mang động cơ này đứng yên. Tức là chúng chỉ hoạt động khi phương tiện đã được chuyển động nhờ một động cơ khác.
Theo tính toán của các nhà khoa học, khi phương tiện đạt vận tốc gấp 3 lần âm thanh thì động cơ Ramjet được cho là có khả năng hoạt động tối ưu nhất, nên khả năng nó sẽ tăng tốc SR-72 lên vận tốc gấp 6 lần vận tốc âm thanh là hoàn toàn trong tầm tay.
Các kích thước cụ thể của siêu máy bay SR-72 vẫn chưa được tiết lộ ra ngoài, SR-72 có thể hoạt động ở độ cao 24 km.
Máy bay do thám SR-72 được trang bị hàng loạt các hệ thống trinh sát điện tử hiện đại, các camera có độ chụp phân giải khá lớn. Máy bay SR-72 có thể chụp rõ nét vũng lãnh thổ mà nó do thám, gửi ngay lập tức theo đường truyền dữ liệu đã được mã hóa về cho chỉ huy, nhằm kịp thời có những biện pháp phù hợp.
Ngoài ra, SR-72 sở hữu các cảm biến hồng ngoại, hệ thống radar giám sát mục tiêu, các anten thu trộm sóng vô tuyến, sóng điện thoại, chúng có bộ giải mã tinh vi, thực hiện rất nhanh chóng để lọc ra những thông tin quý giá.
Quân đội Mỹ tin rằng, mọi thông tin cần thiết về đối phương sẽ được SR-72 thu nhập nhanh gọn. Máy bay SR-72 hoàn toàn có khả năng sẽ hạ bệ các vệ tinh do thám hiện nay.
Hiện có rất nhiều nước đang sử dụng các vệ tinh để do thám các khu vực mà họ quan tâm, thông thường các vệ tinh do thám quân sự không phải là vệ tinh tĩnh, các vệ tinh do thám quân sự sẽ chuyển động theo quỹ đạo của trái đất nên chúng có một nhược điểm đó là phải mất một thời gian nhất định thì các vệ tinh mới lại quét qua được địa điểm mình cần theo dõi.
Trong khoảng thời gian chờ lần quét tiếp theo, rất có thể đối phương sẽ có những biện pháp hạn chế bị theo dõi, ví dụ như cơ động các địa điểm đóng quân, các phương tiên chiến tranh, ngụy trang…
Trong khi đó với vận tốc siêu khủng của SR-72 thì đối phương gần như là không kịp trở tay. Ngoài ra SR-72 còn giúp quân đội Mỹ chủ động hơn khi cần phải theo dõi các khu vực mới phát sinh.
Theo một số nguồn tin, nhà phát triển Lockheed Martin đang gặp phải vướng mắc về công nghệ vật liệu để chế tạo SR-72. Bởi vì với vận tốc siêu nhanh như vậy thì lớp vật liệu bên ngoài của SR-72 sẽ bị nung nóng rất nhanh nên các loại vật liệu hiện nay khó có mà chịu được trong một thời gian hoạt động dài.
Quân đội Mỹ hy vọng Lockheed Martin sẽ nhanh chóng giải quyết được vấn đề trên. Kế hoạch là đến năm 2018 sẽ có những phiên bản thử nghiệm đối với SR-72.
Trong tương lai không xa nữa, quân đội Mỹ sẽ sở hữu phiên bản máy bay do thám đáng sợ, vận tốc siêu nhanh của nó khiến mọi đối thủ không thể đánh chặn. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, với việc phát triển SR-72 thì trên nền tảng kỹ thuật đó quân đội Mỹ sẽ áp dụng vào các dự án sản xuất vũ khí khác cho tương lai như các máy bay chiến đấu hay tên lửa.
Lúc đó, ngành công nghiệp quốc phòng của thế giới lại phải chạy dài mới đuổi kịp Mỹ.
Tiến Phương