Ba Lan tăng cường sức mạnh quân sự vượt trội
Ba Lan bất ngờ gây chú ý khi quốc gia này là một trong những nước mà chuyên cơ chở ông Putin đến dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 phải đi đường vòng để tránh bay qua. Tìm hiểu được biết, Ba Lan hiện đang trở thành một sức mạnh quân sự mới nổi ở Đông Âu.
Theo số liệu mới công bố của viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự của Ba Lan kể từ năm 2014 đã tăng cao hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu, ngoại trừ Ukraine – quốc gia đang chìm trong khủng hoảng với Nga.
Không quân Ba Lan: Lực lượng đặc biệt nhất thế giới
Ngoài các hợp tác ngoại giao thông thường liên quan đến việc triển khai quân đội Mỹ tại Ba Lan gần đây, hay mong muốn mở rộng hợp tác năng lượng với châu Âu, Ba Lan là quốc gia duy nhất cùng với Mỹ đạt chỉ tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng theo đúng những yêu cầu mà Tổng thống Trump muốn các thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải đạt được.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, Ba Lan “là một đồng minh NATO mạnh” đồng thời ca ngợi kế hoạch chi tiêu quốc phòng đạt 2% GDP sẽ “trực tiếp củng cố sức mạnh quân sự của Liên minh châu Âu”.
Trước đó vào tháng 12 năm ngoái, Warsaw và Washington cũng ký kết thỏa thuận cung cấp lô tên lửa không đối đất tầm bắn mở rộng AGM-158 JASSM ER trị giá 223 triệu USD cho không quân Ba Lan. Đây là động thái khiến Nga cảm thấy quan ngại, cũng như lưu ý như một yếu tố chính trong quá trình hoạch định sách lược quân sự của mình.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Mikhail Khodoryonok từ trang tin tức Gazeta.ru của Nga đã mô tả kế hoạch trên của Warsaw là một thách thức nghiêm trọng đối với Nga, khi các tên lửa loại này sẽ cho phép không quân Ba Lan tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của lực lượng, đe dọa đến vùng lãnh thổ của Nga.
Trước thực lực đáng gờm đến từ Ba Lan, không phải ngẫu nhiên bộ phận an ninh của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phải đưa chuyên cơ của ông đi đường vòng để đến Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg.
Với việc đi thêm 500km về phía Phần Lan và biển Baltic để tránh bay qua sườn phía Đông của NATO, nơi có không phận của Ba Lan và các nước Baltic, Moscow muốn tránh sự cố lặp lại hồi tháng trước khi chiếc F-16 của Ba Lan tiếp cận nguy hiểm với máy bay của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Alexander Khramchikhin, Phó Giám đốc viện Phân tích Chính trị và Quân đội tại Moscow cho biết, an ninh của Tổng thống đã đưa ra một đề xuất hợp lý khi tránh không phận Ba Lan trong thời điểm hiện tại, khi sức mạnh của Warsaw là rất khó lường.
"Không quân Ba Lan là lực lượng đặc biệt nhất trên thế giới khi được trang bị vũ khí hỗn hợp của Mỹ và Nga. Cụ thể, họ có 48 chiếc F-16, khoảng 30 chiếc MiG-29 và khoảng 30 máy bay chiến đấu Su-22 đang hoạt động, 20 chiếc đang nằm kho”. Ngoài ra Warsaw còn có Hệ thống đánh chặn tên lửa Patriots (Mỹ), Hệ thống S-200 của Nga và Hệ thống phòng thủ tên lửa Krug.
Dù Warsaw đã có kế hoạch loại bỏ dần các máy bay Nga ra khỏi biên chế, tuy nhiên quá trình này sẽ còn mất rất nhiều thời gian. Với sức mạnh hỗn hợp của Nga và Mỹ hiện tại, Ba Lan đang trở thành quốc gia sở hữu nhiều vũ khí nhất ở Đông Âu và trở thành lực lượng đáng gờm sát nách Nga.
Đọc thêm>>> Lộ tài liệu mật chỉ rõ lý do Qatar bị các nước vùng Vịnh vây hãm
Quốc Vinh