Gian nan khôi phục sản xuất, sinh kế dài lâu
Trở lại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An vào những ngày cuối năm, dấu ấn về trận lụt lịch sử cơ bản đã được xoá sau nhiều nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương. Không còn sự ngổn ngang của bùn đất, cây cối, rác thải,… con đường vào huyện miền núi này đã được khoác lên bộ mặt mới với cờ hoa trang hoàng để chuẩn bị cho một năm mới cận kề.
Mặc dù vậy, việc khắc phục thiệt hại hiện mới chỉ ở mức ổn định cuộc sống, bởi sự tàn phá của cơn lũ là vô cùng khủng khiếp. Một phép tính đơn giản, ước tính tổng thiệt hại theo thống kê sau lũ là hơn 177 tỷ đồng, trong khi đó năm 2022 huyện Quỳ Châu thu ngân sách chỉ đạt 27 tỷ đồng. Tức là con số thiệt hại năm 2023 này gấp hơn 6,5 lần tổng thu ngân sách toàn huyện trước đó.
Huyện Quỳ Châu vốn đã là địa bàn miền núi khó khăn, bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thế nhưng trong trận mưa lũ vừa qua, lĩnh vực nông nghiệp lại thiệt hại nặng nề nhất. Thậm chí nhiều nơi, các công trình thủy lợi, giao thông vẫn còn ngổn ngang, việc canh tác của bà con nhân dân chưa thể triển khai được, nguy cơ bỏ hoang mùa vụ hiện hữu.
Có mặt tại xã Châu Hạnh - một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trên địa bàn huyện Quỳ Châu, nhiều công trình thủy lợi, đường sá của địa phương vẫn còn dấu hư hỏng. Trong đó, đập tràn khe Tụt ở bản Minh Châu, xã Châu Hạnh bị hư hỏng hoàn toàn. Đập này được xây dựng từ năm 2008, phục vụ nguồn nước tưới cho diện tích lúa của bản Minh Châu. Trong trận lũ vừa qua, toàn bộ mương máng, tràn ngăn nước của công trình bị vỡ, nhiều đoạn mương dẫn nước bị gãy trôi dạt theo khe, suối. Hiện nay, đập tràn khe Tụt không còn khả năng tích nước để phục vụ sản xuất, do đó, hàng chục héc-ta đất của bà con khả năng sẽ phải bỏ hoang vụ tới.
Cách đó không xa, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn xã Châu Hạnh như đập Khe Xén, Khe Tụ, kênh mương bản Minh Tiến, Thuận Lập cũng bị lũ tàn phá, cuốn trôi… ước tính thiệt hại hơn 8 tỷ đồng.
Chỉ vào cánh đồng bị vùi lấp, phía trên bao phủ lớp cát và đá, anh Lê Văn Báo, trú bản Na Xén, xã Châu Hạnh cho biết, chuẩn bị cho vụ lúa Đông Xuân thì vợ chồng đã phải đào lớp cát dày hơn 30cm để cải tạo ruộng. “Tiền thuê máy từ 500.000 – 700.000 đồng/giờ nên không phải ai cũng thuê được. Rất may, bà con đã lập các tổ hỗ trợ nhau để giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất”, anh Báo nói.
Ông Vi Thế Long, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh cho biết, do chi phí để khắc phục rất lớn, nên trước mắt địa phương mới tập trung khôi phục tạm thời và hỗ trợ phần nào những điểm ách yếu, rất khó để thực hiện đồng loạt. “Hiện nay, đối với các công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, xã đã có văn bản đề xuất và huyện cũng đã chỉ đạo xí nghiệp thuỷ lợi hỗ trợ phục hồi cho địa phương. Riêng về việc phục hồi đất sản xuất, do diện tích quá lớn nên phương án trước mắt là người dân lập các tổ để hỗ trợ nhau cho kịp vụ lúa”, ông Long nói.
Tái thiết cuộc sống sau lũ dữ
Đối với sản xuất nông nghiệp, công tác khắc phục được huyện Quỳ Châu đánh giá là rất nan giải do kinh phí lớn. Không chỉ mất đất sản xuất do bị vùi lấp, mà hiện nay, diện tích đất dọc các bờ sông, khe, suối cũng đang bị sạt lở mạnh, từng mảng trôi theo dòng nước. Sau khi nước rút, huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo các địa phương phát động toàn dân ra quân làm thủy lợi, tập trung tu sửa các kênh mương, công trình bị hư hỏng có thể xử lý tạm được, huy động sức dân nạo vét, tu sửa tạm các hệ thống mương dẫn nước để có nước sản xuất.
Ông Lương Trí Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳ Châu cho biết, huyện đang tích cực hỗ trợ cho bà con nhân dân về cây, con giống để tái sản xuất, tái đàn. Đối với việc khắc phục các công trình thủy lợi và cải tạo đất sản xuất do khối lượng công việc lớn, kinh phí cao, vượt quá khả năng của huyện nên sẽ đề xuất với cấp trên để có thể hỗ trợ địa phương.
Nói về hậu quả nặng nề sau trận lũ, ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu bùi ngùi, trận lũ lịch sử đã khiến hơn 1.200 ngôi nhà bị ngập, nhiều tài sản, vật dụng thiết yếu, vật phẩm, đồ điện, ô tô xe máy bị chìm trong nước, hư hỏng nặng. Giao thông trên địa bàn bị tê liệt hoàn toàn cộng thêm mất điện; 7 điểm trường thuộc các xã Châu Hạnh, Châu Tiến, Châu Thắng, Diên Lãm; 4 trạm y tế các xã Châu Tiến, Châu Thắng, Châu Hội, Châu Bình bị ngập sâu, có nơi bùn dày 40 cm…“Đây là trận lụt mà gần 30 năm qua mới xảy ra trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Những yếu tố bất lợi về địa hình kết hợp lượng mưa quá lớn, lũ dồn dập trên thượng nguồn chảy về, các nhà máy thủy điện trên tuyến Quốc lộ 48 đồng thời xả lũ cấp tập đã khiến vùng hạ du bị ngập. Địa phương đã có báo cáo gửi UBND tỉnh nhưng các các công ty thuỷ điện lại từ chối trách nhiệm”, đại diện UBND huyện Quỳ Châu cho biết.
Tuy nhiên, rất may là sau trận lũ xảy ra, các ban, ngành, địa phương, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đã chung tay đồng hành, hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. Theo thống kê của Ủy ban MTTQ huyện Quỳ Châu, số tiền quyên góp, ủng hộ địa phương sau trận lũ là hơn 5 tỷ đồng, ngoài ra, còn có nhiều hiện vật như gạo, thuốc men, quần áo, sách vở… Đây là nguồn động viên quý giá để bà con nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Qua đó thể truyền thống, tính nhân văn cao đẹp và “sáng tình người” khi lũ dữ đi qua.
“Dù còn nhiều khó khăn và thời gian để “tái thiết” lại những hư hại, tổn thất do lũ, lụt gây ra, nhưng bằng ý chí, nghị lực của người dân; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang, ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đã giúp người dân bỏ lại được vết thương để hướng về Xuân mới”, ông Lý nói.