Kiểm tra “máy móc” mới cho cưới.
Hoa và Đăng yêu nhau đã hơn 5 năm. Năm nay, Hoa cũng đã bước sang tuổi 27, còn Đăng 28 tuổi. Công việc của cả 2 người đã ổn định, tuổi cũng không còn trẻ nên Hoa và Đăng dự định sang đầu năm sau làm đám cưới.
Thế nhưng, khi Đăng thông báo dự định trọng đại của hai người cho gia đình thì gặp phải sự phản ứng từ phía mẹ anh. Không hẳn bà phản đối, nhưng bà bắt hai người phải có con trước rồi mới được làm đám cưới.
Lý do bà đưa ra là: Bà không chê gì Hoa, nhưng nghe thiên hạ đồn đoán nhiều cặp lấy nhau về rồi vất vả đi chữa chạy nên bà lo, lỡ Đăng lấy Hoa về mà không có con, khi đó tất cả mọi người đều khổ, nhất là khi Đăng lại là cháu trưởng của cả dòng họ.
Khi Đăng nói chuyện này với Hoa, cô đã rất sốc. Yêu nhau hơn 5 năm, số lần Hoa về nhà Đăng chơi còn nhiều hơn số lần cô về nhà mình. Tuy chưa có lời tuyên bố chính thức nhưng những thành viên trong gia đình Đăng đã coi Hoa như con cái trong nhà, những đứa cháu của Đăng còn thân thiết gọi cô là mợ. Cho nên, khi biết mẹ anh phản đối đám cưới vì sợ cô sẽ không sinh được con làm Hoa rất buồn.
Không biết phải làm thế nào, Hoa đem tâm sự của mình kể với chị gái. Nghe Hoa kể, chị gái Hoa giận dữ: Sao bà ấy lại yêu cầu vô lý thế. Lỡ đến khi có con, họ lại tìm lý do không chịu cưới thì làm thế nào. Không cưới thì thôi, con gái người ta chứ có phải đồ vật đâu mà thử, hàng tốt thì dung, hàng xấu thì vứt bỏ…
Sau khi tuôn một tràng, chị cô còn nghiêm khắc: “Em không được vì yêu thằng Đăng mà đồng ý thỏa hiệp với mẹ nó. Nếu người ta cưới em chỉ vì em có bầu thì nhục lắm, bố mẹ mình còn mặt mũi nào mà nhìn hàng xóm, láng giềng. Mà em có xấu xí hay sứt môi lồi rốn gì cho cam, không lấy thằng này thì lấy thằng khác…”.
Suy nghĩ nát óc, cuối cùng Đăng và Hoa quyết định sẽ đi khám sức khỏe để đảm bảo chắc chắn với mẹ Đăng rằng, Hoa là một cô gái hoàn toàn có đủ khả năng làm mẹ.
Thế nhưng, khi hai người đưa giấy khám sức khỏe, thậm chí đi khám thêm cả khoa sản để chứng minh cô có đủ khả năng làm mẹ, mẹ Đăng vẫn không đồng ý. Bà bảo với Hoa: “Cháu thông cảm cho bác, bây giờ nhiều người đi khám không sao, nhưng đến khi lấy nhau về vẫn mãi không có con đó thôi. Sau này cháu có con, cháu sẽ hiểu tấm lòng người làm mẹ… Hai đứa cứ có con đi, bây giờ không phải có bầu mới cưới đang là mốt sao…”.
Phải chăng "tậu trâu tậu cả nghé" đang là mốt?
Chịu chung cảnh ngộ với Hoa là Hạnh (Long Biên, HN), mặc dù Hạnh cùng Khánh đã “gạo nấu thành cơm” gần 4 năm, đã có vài lần vì “vỡ kế hoạch” nên Hạnh phải phá thai.
Giờ khi kinh tế cả hai đã ổn định, Hạnh nhắc đến chuyện cưới xin thì Khánh tuyên bố: “Mẹ anh nói rồi, nếu em không có bầu thì mẹ sẽ không cho hai đứa đám cưới. Mà anh cũng đang lo, em phá thai nhiều lần như thế, giờ liệu có sinh đẻ được nữa hay không…”, nghe người yêu nói mà Hạnh “sốc”, việc phá thai đâu phải quyết định của cô, lần nào cũng là Khánh động viên “Giờ chưa phải lúc thích hợp để có con, cưới xin…”, giờ nghe giọng Khánh giống như mọi tội lỗi đều do Hạnh, và nếu lần này không thể “tậu được nghé” có lẽ Hạnh sẽ bị bỏ rơi không thương tiếc…
“Thử súng phòng đạn điếc”
Trong khi Hoa, Hạnh “choáng” vì quan niệm “kiểm tra máy móc” trước khi cưới của mẹ người yêu thì Hiền lại “cởi mở” hơn nhiều.
Hiền và người yêu đã về chung sống với nhau được 3 năm, do 2 gia đình bắt đầu “đánh tiếng” về chuyện cưới hỏi nên người yêu của Hiền cũng muốn tổ chức đám cưới trong năm nay, theo anh dù đó chỉ còn là hình thức nhưng cũng là thủ tục không thể thiếu để hai người danh chính ngôn thuận sống cùng nhau.
Trái với sự mong ngóng của người yêu và gia đình hai bên, Hiền thẳng thắn nói với người yêu “Cứ từ từ”, lí do mà Hiền đưa ra là, dù đã chung sống với nhau 3 năm, 2 năm đầu do hai người còn bận xây dựng sự nghiệp nên phải kế hoạch, nhưng 1 năm trở lại đây, dù Hiền đã “thả rông” nhưng vẫn chưa thấy có thai.
Lo sợ nguyên nhân từ phía mình nên Hiền đã bí mật đến bệnh viện khám, kết quả là sức khỏe của cô bình thường “Vậy có nghĩa là trục trặc từ phía anh ấy. Bảo anh ấy đi khám thì mình sợ chạm tự ái của chàng, nên chỉ còn cách cố gắng “thử súng” thêm một thời gian nữa, nếu “đạn ngon” thì cưới, nếu không có lẽ cũng đành đường ai nấy đi, chứ cưới nhau về mà không có con thì mình không chấp nhận được”, Hiền tâm sự
Trong một số trường hợp, có thai trước hôn nhân là một chiến lược được hai người sử dụng có chủ tâm để ràng buộc sự đồng tình của cha mẹ, hay một trong hai người dùng để thuyết phục người kia về các loại ích của cuộc hôn nhân. Nhưng phần lớn, nguyên nhân của xu hướng “bầu trước cưới sau” xuất phát từ nhu cầu kiểm tra “máy móc” và khả năng duy trì nòi giống của hai người trong cuộc.
Nhưng theo các nhà tâm lí, việc có thai trước khi cưới sẽ giống như một canh bạc đối với người phụ nữ. Thử đặt trường hợp nếu người phụ nữ đã có thai nhưng người đàn ông không cưới thì sao? Lúc đó việc phá thai sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, tâm lý, tính mạng người mẹ. Đó là chưa nói tới việc thai lớn, không thể phá. Trong trường hợp này, người phụ nữ buộc phải sinh con trong muôn vàn khó khăn. Rồi giả sử cả hai đều đồng tình chuẩn bị tâm lý có con trước hôn nhân nhưng gia đình không đồng ý thì sao?... Nét đẹp trong văn hóa Việt luôn bảo tồn những giá trị đạo đức, nếu đi ngược những giá trị đó thì khó lòng được mọi người đón nhận một cách vui vẻ.
Việc chuẩn bị cho một đứa trẻ chào đời không đơn giản nên cả hai phải hết sức cẩn thận và tính toán nghiêm túc. Nên cùng nhau đi khám sức khỏe rồi mới kết hôn; sau đó lên kế hoạch, dành dụm để sinh con một cách đường đường chính chính. Đó cũng là cách để bảo vệ hạnh phúc và chuẩn bị tốt nhất cho tương lai đứa trẻ.
Ngọc Phạm