Một phần sa mạc Sahara ở châu Phi đã bị tuyết phủ sau một cơn bão mùa đông hiếm hoi trong những ngày đầu năm mới 2018.
Vệ tinh Sentinel-2A của Cơ quan vũ trụ Châu Âu (ESA) đã chụp lại những cảnh quan tuyệt đẹp của những cồn tuyết phủ kín ở vùng tây bắc Algeria, gần sa mạc Sahara- một trong những khu vực được biết đến là nóng bậc nhất trên Trái Đất.
Những hình ảnh được chụp vào ngày 8/1 cho thấy một số khu vực của sa mạc đã được bao phủ bởi tuyết dày đến 15 inch (40cm), lượng tuyết này rơi xuống vào ngày 7/1 trước đó.
“Hầu hết tuyết đã tan chảy vào cuối ngày hôm sau, nhưng may mắn thay, vệ tinh Sentinel-2A đã đi qua khu vực này đúng vào thời điểm để ghi lại sự kiện hiếm hoi này từ không gian”, đại diện của ESA Kelsea Brennan- Wessels cho biết.
Cụ thể, các hình ảnh từ vệ tinh cho thấy, tuyết đã rơi xuống dãy núi Sahara Atlas. Nhiệt độ của khu vực này có thể đã giảm đáng kể vào ban đêm dẫn đến lượng tuyết rơi bất thường do không khí quá khô.
Trên thực tế, đây là lần thứ 3 các nhà khoa học ghi nhận được hiện tượng tuyết rơi ở khu vực sa mạc này. Các cơn bão trước đó đã được ghi lại vào tháng 2/1979 và tháng 12/2016.
Vệ tinh Sentinel-2 của Copernicus chủ yếu được sử dụng để theo dõi những thay đổi về đất đai và thực vật của Trái đất. Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy rằng còn rất ít hệ thực vật sống trong khu vực sa mạc này.
Bão tuyết Sahara hiếm hoi này cũng được ghi nhận bởi vệ tinh Landsat 8 (phát triển dựa trên sự hợp tác giữa NASA và Cục Địa chất Mỹ) vào ngày 8/1. Hình ảnh Landsat 8 cho thấy, sự tích tụ tuyết dày từ 4 đến 12 inch (10 đến 30cm) trong sa mạc gần thị trấn Ain Séfra thuộc miền bắc Algeria, theo một tuyên bố của NASA.
Theo Space