Sáng 2/2, nhiều người dân Thủ đô bất ngờ khi Hà Nội có sương mù dày đặc trùm khắp thành phố. Sương mù dày đặc khiến các phương tiện di chuyển khó khăn, ảnh hưởng đến cả đường hàng không và khiến nhiều người dân lo lắng vì sợ nguy hại đến sức khỏe.
Tại buổi họp báo quý I/2024 do Bộ Y tế tổ chức ngày 2/2, thông tin về tình trạng sương mù dày đặc tại Hà Nội có nguy cơ với sức khỏe, ông Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện tượng sương mù thường xảy ra hàng năm vào mùa đông, nhất là ở các tỉnh phía Bắc, khu vực miền núi.
"Tại Hà Nội, hiện tượng này khá hiếm, nhưng đã xuất hiện trong thời gần đây, đây là vấn đề của thời tiết và khí hậu. Trong thời tiết như hiện nay, người dân rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp khi ra đường, người già và trẻ em cần giữ ấm, đeo khẩu trang để phòng bệnh", ông Tâm nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng, sương mù là hiện tượng tự nhiên, là độ ẩm không khí tạo thành, không hẳn là ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, độ ẩm tăng cao cũng làm cho một số bệnh truyền nhiễm dễ lây lan hơn.
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định sương mù chỉ là hiện tượng của tự nhiên, không phản ánh vấn đề ô nhiễm không khí.
Hiện tượng sương mù không phải vấn đề quá lớn với sức khỏe, nhưng người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh trong thời điểm này như tránh ra đường quá sớm vào buổi sáng; sử dụng khẩu trang y tế để ngăn chặn khí độc trong sương; cần đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh hô hấp để tránh trở nặng và nguy hiểm; giữ ấm cơ thể để đảm bảo nguồn nhiệt; vệ sinh cá nhân thường xuyên; không phơi quần áo ngoài trời để qua đêm…
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nguyên nhân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc xuất hiện sương mù dày là do khu vực này đang nằm trong khối không khí lạnh và khô với trường gió bắc đến tây bắc thổi từ độ cao 1.500 - 5.000 m.
Dưới tác động của trường gió này, ở miền Bắc, trời chuyển sang trạng thái ít đến quang mây, nên hiện tượng sương mù bức xạ đã xuất hiện, gây giảm tầm nhìn, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông, đi lại cũng như hoạt động bay tại sân bay Nội Bài.
Theo dự báo, tình trạng sương mù dầy và mưa phùn sẽ còn có khả năng kéo dài đến khoảng sáng ngày 4/2, từ ngày ngày 5/2 sương mù và mua phùn sẽ có xu hướng giảm do có một bộ phận không khí lạnh yếu di chuyển xuống các tỉnh miền Bắc.
Ứng phó với sương mù, chuyên gia khuyên nên đóng kín cửa không cho hơi nước vào nhà, chạy máy hút ẩm nếu có, bật điều hòa sưởi căn phòng lên độ ~25 độ C. Nếu không có hút ẩm hay điều hòa thì bật tất cả các loại đèn chiếu sáng trong nhà. Bật tivi, máy tính, dàn âm thanh. Không được rút điện các thiết bị đã tắt.
Chuyên gia lưu ý, không được lau nhà bằng giẻ ướt vì nước có nhiệt độ 20 độ C, lạnh hơn không khí bên ngoài nên gây đọng sương trên sàn. Trường hợp ngoài trời nóng lên 25 độ C mà vẫn ẩm thì phức tạp hơn, phải chạy điều hòa ở nấc giọt nước (hút ẩm). Thậm chí phải sưởi một lúc rồi chuyển sang làm mát, luân phiên 30 phút.