Suốt đời “chắp cánh” cho những số phận tật nguyền

Suốt đời “chắp cánh” cho những số phận tật nguyền

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Với mong muốn giúp đỡ những người khiếm khuyết, bà tự mình đứng ra thành lập một trung tâm dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật.

Dù gặp không ít khó khăn và trở ngại, người phụ nữ ấy chưa bao giờ buông xuôi. Học viên yêu mến gọi bà giám đốc Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa bằng một từ thân thương là mẹ.

Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng

Nụ cười hiền hậu luôn nở trên môi bà Hoa, đây là niềm hạnh phúc và tự hào mà bà không dấu giếm.

Pháp luật - Suốt đời “chắp cánh” cho những số phận tật nguyền

Bà Hoa (người phụ nữ trung niên ngồi phía bàn phải) cùng các học viên của trung tâm.

Trung tâm rộng 1.550m2 này trước đây vốn là khu trang trại của gia đình. Ngoài việc nhà, bà thường xuyên tham gia vào các công tác của hội Phụ nữ, hội Nông dân, hội Chữ thập đỏ.

Rồi trong những lần theo hội Chữ thập đỏ Hà Nội đi làm công tác từ thiện, bà luôn có một suy nghĩ phải làm gì để giúp những người kém may mắn. Nếu hướng cho người khuyết tật một nghề thì họ có thể tự nuôi sống bản thân.

Hiểu tâm tư của mẹ, của vợ nhưng mọi người trong nhà đều có chung suy nghĩ: "Gia đình có một đứa trẻ khuyết tật chăm sóc đã khó, giờ phải lo cho cả một tập thể thì sẽ làm thế nào?".

Không nản lòng, một mặt bà kiên trì thuyết phục người thân, mặt khác bày tỏ nguyện vọng với các cụ trong hội Chữ thập đỏ của xã để xin góp ý.

Để đáp ứng nhu cầu học và ở cho học viên, gia đình bà tự góp đất và bỏ tiền ra xây dựng. Có hơn 200 triệu tiền tiết kiệm gửi ngân hàng, bà dự tính chia làm hai: Một để dành xây nhà, một để quay vốn lưu động.

Nhưng khi ba gian nhà với xưởng may được hoàn thành thì số tiền cũng đã hết. Bà quay sang vay mượn anh em, bạn bè rồi người thân. Sau những nỗ lực ban đầu đến tháng 8 năm 2007, cơ sở dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa đã ra đời.

Nghe tiếng có cơ sở dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật, các em tìm đến học rất đông. Tập hợp được hơn 30 em, bà tạo điều kiện cho các em ăn ngủ tại chỗ. Mọi chi phí sinh hoạt ban đầu bà đều tự bỏ tiền ra lo liệu. Bà mua được 10 cái máy khâu để cho các em thực hành. May mắn có thêm sự trợ giúp của hai cô giáo cùng xóm, nên việc dạy dỗ các em cũng thuận lợi hơn.

Pháp luật - Suốt đời “chắp cánh” cho những số phận tật nguyền (Hình 2).

Những niềm hạnh phúc giản d

Hiện tại, ở trung tâm có 55 học viên. Em ít tuổi nhất là 14, còn nhiều tuổi nhất cũng đã 37. Có em khuyết tật nhẹ nhưng cũng có nhiều em khuyết tật nặng, chậm phát triển, tự kỷ. Dạy cho các em này vô cùng khó khăn.

Lúc mới đến, hầu hết các em đều rất khó hòa nhập, tự ti về bản thân và xa lánh mọi người. Hiểu được tâm tư của các em, bà luôn quan tâm, dạy dỗ, chỉ bảo từng người một. Cũng như một người bạn, bà gần gũi lắng nghe, cùng sống cùng học với các em.

Bà bảo: "Mỗi cháu là một cảnh đời, một số phận, phải hiểu và quan tâm chúng, không để chúng cảm thấy bản thân mình vô dụng. Nhiều lúc, tôi nói đùa có một đàn con dở hơi và một bà mẹ chập mạch chúng lại cười ầm lên. Tôi luôn tạo cho chúng có cảm giác không bị phân biệt, mọi người luôn yêu thương và quan tâm lẫn nhau như một gia đình lớn".

Bà thuê một người về nấu ăn hàng ngày cho các em. Còn mình thì cứ mỗi sáng lại tự đi chợ mua thực phẩm. Bà còn trồng rau để giảm bớt chi phí. Cứ 5h chiều hàng ngày, người ta lại thấy bà giám đốc trung tâm cặm cụi tưới rau sau nhà.

Một ngày các em được ăn đủ 3 bữa, bữa nào cũng phải đủ tiêu chuẩn. Bà cũng khéo léo đổi thực đơn cho phong phú: 3 ngày ăn đậu, 4 ngày ăn thịt, 1 ngày ăn cá. Bà cũng chu đáo chuẩn bị một tủ thuốc chuyên dụng phòng khi trái gió trở trời các em đau ốm.

Vì sự quan tâm tỉ mỉ và gần gũi ấy mà những em khuyết tật trong trung tâm luôn coi bà là người mẹ thứ hai. Trung tâm cũng trở thành nơi sinh ra các em một lần nữa.

Bà tâm sự rằng có một điều may mắn là các em bị khuyết tật nhưng vì biết cách chăm sóc nên không phải đi viện bao giờ. Riêng năm đầu tiên, một em bị u ở chân.

Trong gần một tháng, chồng bà phải nghỉ làm để đưa cháu đi viện tiêm. Nhưng may mắn là u lành. Bà bảo mình vẫn được ông giời thương nên mới có phúc như vậy. Có lẽ chính vì thế mà tối thứ 7 hàng tuần, bà đều cho các em niệm phật với mong muốn hướng cho tâm các em thanh thản.

Pháp luật - Suốt đời “chắp cánh” cho những số phận tật nguyền (Hình 3).

Sản phẩm thủ công làm từ giấy.

Một điều đặc biệt là trung tâm dạy nghề của bà cũng là nơi tác hợp cho nhiều cặp đôi có sự đồng cảm và yêu thương nhau. Và người mai mối, se duyên cho họ không ai khác là bà giám đốc trung tâm.

Tính đến nay đã có 8 đám cưới được diễn ra. Đám cưới nào, bà mẹ ấy cũng phải vất vả đi tham dự từ nhà trai đến nhà gái.

Bà vui vẻ kể: "Vừa rồi cũng có đám cưới cho một đôi. Hai cháu đều bị khuyết tật teo chân. Hiện giờ hai vợ chồng đã ra ở riêng và vừa sinh một bé gái. Bà bảo: 7 đôi vợ chồng còn lại đều sinh con trai. Một điều may mắn là các cháu bé sinh ra đều bụ bẫm, khỏe mạnh, không bị di chứng gì từ bố mẹ. Có em bị hở hàm ếch, hai chân teo nhưng con sinh ra vẫn bình thường.

Khi chúng tôi trò chuyện luôn thấy em Nguyễn Văn Dương ngồi bên cạnh. Dương đã đến trung tâm ngay từ những ngày đầu thành lập. Bố em mắc bệnh tâm thần, còn mẹ phải một mình nuôi ba em ăn học.

Hỏi cảm nhận về bà Hoa, em xúc động: "Đối với em u Hoa như người mẹ thứ hai. U đã tạo cho em công ăn việc làm, lại bảo ban chăm lo cho em từ bữa ăn đến giấc ngủ. Nhờ u mà em có thể tự lo cho mình và gửi giúp đỡ gia đình một phần nào.

Tương lai em sẽ gắn bó với trung tâm lâu dài và sẽ xin đi làm tình nguyện viên giúp đỡ các bạn. Vì em cũng khuyết tật nhưng vẫn may mắn hơn nhiều người. Em mong muốn đi theo u để làm từ thiện".

Yêu thương nhân đôi

Khuôn mặt hiền hậu, vui vẻ của người phụ nữ ngoài 50 lúc nào cũng rạng rỡ. Trung tâm dạy nghề chính là tâm huyết trong nửa đời còn lại của bà. Đôi vai nhỏ bé của người phụ nữ ấy sẽ khó gánh vác được những khó khăn, nếu không có sự giúp đỡ của người thân. Chồng bà đầu năm nay đã nghỉ việc ở một công ty chiếu sáng để ở nhà làm chân chạy cho vợ. Còn ba người con sống gần bố mẹ cũng luôn hỗ trợ về mọi mặt: Kế toán, kinh doanh, nhập - xuất hàng, hướng dẫn học viên. Sự giúp đỡ của chồng và con đã tiếp thêm sức mạnh to lớn để bà tiếp tục trao gửi niềm yêu thương đến trẻ em khuyết tật.

Thanh Loan - Phương Loan


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.