Đại gia đình ông Nguyễn Tường Long thuộc dòng danh gia vọng tộc, họ là những hậu duệ của vương triều nhà Lý đã làm rạng danh Thăng Long- Hà Nội khi xưa. Sau cuộc chính biến lịch sử, con cháu nhà Lý phải đổi họ, thay tên sống lưu lạc khắp nơi. Một nhánh về tại quê ngoại của nhà Lý ở Mai Lâm (Đông Anh- Hà Nội) đổi họ thành Nguyễn Tường. Gia đình ông Nguyễn Tường Long cũng đã xây dựng một nhà thờ tổ trên mảnh đất Mai Lâm, nơi gắn với dấu tích của là Phạm Thị mà theo huyền tích là mẫu thân của vua Lý Công Uẩn.
Ông Nguyễn Tường Long và một phần bộ sưu tập đồ cổ
Thời trẻ, ông vốn là tay kinh doanh bất động sản có hạng. Nay buông việc kinh doanh thu bộn tiền ấy, ông chỉ vui thú với nghề kinh doanh dụng cụ thể thao và ngắm nghía, chăm sóc những cổ vật thu mua được sau nhiều năm. Từ trong sâu thẳm, ông Long sưu tập gìn giữ đồ cổ là mong muốn giữ lại tín vật của tiền nhân. Ông muốn nhắc nhớ đến thời thăng hoa nhất của vương triều nhà Lý, gốc tích khởi nguồn của gia tộc họ Nguyễn của ông bây giờ. Đến nay, những người gốc họ Lý ở nhiều địa phương, ở Hàn Quốc và Mỹ đều hướng về quê tổ.
Ông Long kể cho tôi câu chuyện mà ông nghe được từ các bậc tiền nhân: Sau biến cố lịch sử bi thảm, có những người trong tôn thất nhà Lý sống sót đều thay họ đổi tên. Một trong số đó là Lý Quang Bật - hậu duệ đời thứ 4 của Lý Hùng Tích (em vua Lý Nhân Tông), theo phả hệ của dòng họ Lý, ông là đời thứ 8 kể từ vua Lý Thái Tổ. Lý Quang Bật có âm mưu chống lại nhà Trần nên bị đày lên Ba Điềm thuộc vùng lam sơn chướng khí Lạng Sơn, và phải đổi sang họ Nguyễn. Vài trăm năm sau, cụ Nguyễn Thiện Tích (đời thứ 15 của Lý Hùng Tích) phiêu dạt về làng Vân Điềm ở huyện Đông Anh.
Ông tìm về đây không phải chỉ là vì kế sinh nhai mà làng Vân Điềm cách không xa Mai Lâm nơi xảy ra cuộc thảm sát tổ tiên nhà Lý khi xưa. Đau đáu nỗi niềm vọng cố hương, trải qua 11 đời nữa, cụ Nguyễn Đường từ Vân Điềm đã tìm về sinh sống tại đúng nơi quê cha đất tổ ở thôn Du Lâm, nay là Du Nội (Mai Lâm- Đông Anh).
Ông Nguyễn Tường Long không sống ở quê, nhưng đã mua đất về xây dựng nhà thờ tổ họ Nguyễn (gốc Lý) tại đất Du Nội. Vào thăm nhà thờ họ, tôi cảm nhận được tấm lòng của người con hướng về quê hương. Ông Long xây dựng một nếp nhà gỗ mái ngói cổ. Trong nhà, ông sưu tầm nhiều hiện vật liên quan đến dòng họ Nguyễn (gốc Lý) trước đây. Chân dung cụ tổ họ Nguyễn (gốc Lý) Nguyễn Tư Giản cũng được ông kỳ công nhờ họa sĩ phục chế. Mỗi khi có việc của dòng họ, gia đình ông Long đều về tham gia tổ chức trọng thể.
V.Hà