Suy diễn của người lớn làm xấu xí tâm hồn trẻ thơ

Suy diễn của người lớn làm xấu xí tâm hồn trẻ thơ

Thứ 7, 14/09/2013 10:56

Thay vì chắp cánh cho các em thì người lớn vô tình đã gấp cánh ước mơ của các em, khiến những tâm hồn thơ trẻ, trong veo ấy trở nên xấu xí theo cách suy diễn của người lớn.

"Hồn nhiên"đè bẹp giấc mơ con trẻ

Dù được kỳ vọng là một sân chơi thực sự dành cho tài năng ca nhạc nhí nhưng những gì xảy ra sau đêm chung kết The Voice Kids 2013 vẫn khiến nhiều người đặt một dấu chấm buồn. Xuất phát từ hành động hồn nhiên, biểu hiện thái độ sung sướng đến quá khích của cậu bé Quang Anh khi MC công bố quán quân của đêm thi mà nhiều người vội vàng quy chụp và biến báo nó theo một nghĩa đen tối khác: Kết quả đã được dàn xếp và thiếu sự công bằng. Hơn nữa, phát biểu của Lưu Hương Giang tại đêm chung kết rằng, anh trai Quang Anh tâm sự, đạt giải không quan trọng là tiền mà là để cảm ơn "cô chú" - tức Giang và Hồ Hoài Anh - làm nhiều người thấy vợ chồng huấn luyện viên này diễn khá lố, ghét lây sang cả Quang Anh.

Và, hiệu ứng là ngay  lập tức, The Voice Kids trở thành tâm điểm, trở thành đề tài câu khách trên các trang báo mạng và các diễn đàn văn hóa. Tất cả xoay quanh việc xứng đáng hay không về ngôi vị quán quân của mùa giải, khi nhiều người cho rằng, chiến thắng đáng lẽ thuộc về Phương Mỹ Chi. Vì yêu mến Phương Mỹ Chi mà người ta ghét lây sang Quang Anh, nên những hành động, biểu cảm, thái độ, thậm chí là gia cảnh, cách thức bầu chọn dẫn đến việc chiến thắng của cậu bé cũng được người lớn đem ra bàn luận.

Niềm vui chiến thắng chưa được bao lâu thì ngay lập tức quán quân này đã đứng trước làn sóng tranh cãi của dư luận bởi những việc làm chẳng hay ho của người lớn. Trong đó, nhiều ý kiến thể hiện thái độ bất mãn trước kết quả chung cuộc. Và ngay lập tức nhiều trang cá nhân anti (không thích) Quang Anh đã được lập ra và thu hút đông đảo cộng đồng mạng. Những hội như: Hội những người ghét Quang Anh, Hội anti quán quân Quang Anh được các cư dân mạng like (thích) và tăng số thành viên lên con số hàng nghìn người. Chủ đề trên các trang cá nhân đó đều bày tỏ thái độ ghét Quang Anh, họ không ngại dùng lời lẽ mạt sát, thiếu văn hóa để nói về cậu bé 12 tuổi. Bức xúc trước hành xử thiếu tính nhân văn đó của một bộ phận công chúng, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích nhóm "anh hùng" bàn phím này. Họ cho rằng, chính sự yêu, ghét quá mức đã dẫn tới sự ích kỷ khó lường.

Sự kiện - Suy diễn của người lớn làm xấu xí tâm hồn trẻ thơ

Vừa đăng quang, Quang Anh đã vấp phải sóng gió của dư luận

Và, cậu bé Quang Anh không phải là trường hợp đâu tiên bị dư luận thoải mái đưa lên "bàn mổ" để chỉ trích, mổ xẻ, bàn luận, thậm tệ hơn là người ta dành cho em những lời lẽ phán xét vô cùng độc ác. Cách đó không lâu, cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam từng là một nạn nhân của trò "ném đá" từ dư luận. Người ta đã tự tung hô cậu bé là thần đồng rồi cũng chính họ nỡ tay dùng những lời lẽ cay độc để chỉ trích, lên án sự kiêu ngạo, tự tin của một cậu bé thông minh. Nhưng, họ không thể ngờ, chính những bình luận hay thái độ của họ đã vô tình đánh cắp tuổi thơ hồn nhiên của cậu bé, khiến Nhật Nam phải trải qua những ngày tháng mệt mỏi vì những vết cứa từ sâu thẳm tâm hồn. Câu chuyện của Đỗ Nhật Nam từng là bài học đắt giá cho những kẻ chỉ thích ngồi tự phán, tự "dìm hàng" một đứa trẻ vô tội.

Chương trình truyền hình thực tế luôn được đánh giá như con dao hai lưỡi, đồng ý tham gia, nghĩa là chấp nhận cuộc chơi mang nhiều may rủi. Thắng thì sẽ có tất cả, được tung hô theo kiểu một bước lên sao, còn thua thì sẽ thành "bia đỡ đạn", nơi "nhận gạch, đá" từ dư luận. Nhưng điều đáng buồn, trong cuộc chơi của con trẻ, đáng lẽ sự hồn nhiên, vô tư trở thành điểm nhấn của chương trình thì sự xấu xí của người lớn đã làm ảnh hưởng đến tâm lý các em. Thử hỏi, với những tâm hồn non nớt mỏng manh ấy có chịu nổi sau những trận bão dư luận hay không? Người ta vô tâm "ném đá" mà quên rằng cậu bé chỉ mới 12 tuổi, độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới ấy sẽ cảm thấy tổn thương thế nào? Thiết nghĩ, với một người lớn khi vấp phải hoàn cảnh ấy còn dễ bị tổn thương huống hồ là một cậu bé.

Sự xấu xí của người lớn được biểu hiện qua việc xuống cấp về ý thức, văn hóa của đám đông. Và tất nhiên, khi số lượng này nhiều tới mức báo động đỏ cũng đồng nghĩa với việc sự ăn thua, cay cú đang trở thành căn bệnh khó có thuốc chữa, mà đối tượng hứng chịu không ai khác chính là các em nhỏ. Họ vô tư mạt sát, "dìm hàng", dùng lời lẽ đay nghiến, chỉ trích Quang Anh thậm tệ, họ phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực của các em và cũng chính họ, đang tạo tâm lý ăn - thua trong sân chơi mang tính vui vẻ, giải trí của trẻ thơ. Những người lớn, họ tự nhận mình lớn hơn về tuổi đời và kinh nghiệm so với một đứa trẻ 11, 12 tuổi như Quang Anh, Nhật Nam nhưng hành xử của họ lại khiến cho nhiều người phải nhìn nhận lại. Vì họ không nhận ra rằng, chính mình đang góp phần hủy hoại sự ngây thơ, trong sáng ở các em vì bản tính ích kỷ, nhỏ nhen và thiếu tính nhân văn của mình.

Đừng nhìn trẻ con bằng con mắt người lớn

Kyo York là chàng ca sĩ ngoại quốc khá quen mặt với khán giả Việt qua nhiều chương trình truyền hình, hơn nữa cũng từng gặp phải trường hợp bị "ném đá" bất ngờ từ dư luận khi tham gia chương trình truyền hình thực tế, anh  bày tỏ tâm trạng của mình qua trang cá nhân: Dù thế nào các bạn nhỏ ấy vẫn là trẻ thơ. Người lớn hãy để tờ giấy trắng ấy in những điều đẹp nhé! Tại sao, chúng ta lại lên án ngay cả với con nít các bạn ơi? Nếu các bạn thấy một chương trình không công bằng, chúng ta có thể dừng lại và không xem để BTC nhìn thấy vấn đề. Đừng nên xúc phạm đến thí sinh ở đây là những bạn còn rất trẻ nhỏ: Bạn Chi, bạn Duy, bạn Anh cả 3 đều xứng đáng. Nhưng nếu kết quả là bạn này đạt giải không phải là bạn kia thì dư luận có buông tha cho các bạn ấy không? Chẳng lẽ, ai đoạt giải nhất cũng là "nạn nhân"?

Trao đổi vấn đề này với báo chí, dưới góc độ xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, giám đốc điều tra dư luận xã hội (viện Xã hội học Việt Nam) cho rằng: "The Voice Kids- Giọng hát Việt nhí cũng đơn thuần chỉ là một sân chơi của một đơn vị làm chủ, chứ không phải là biểu tượng, hay đại diện cho những cái gọi là chính thống để đòi hỏi ưu tú. Bởi vậy, việc chọn lựa ngôi vị quán quân không đáng bị lên án, biêu riếu như thế. Tôi cảm thấy khá bực chuyện mọi người kêu ca về 2 công văn kêu gọi bình chọn cho Quang Anh. Trước hết, công văn của sở GD&ĐT Thanh Hóa, phải khẳng định công văn này hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Công văn không phải là chỉ thị, yêu cầu mà chỉ nhằm kêu gọi bình chọn. Còn quy trình ra công văn là chuyện nội bộ. Đáng lý, người lớn không nên lùm xùm, "ném đá" vì đây chỉ là một hiện tượng, một sự kiện của một trong vô vàn các hoạt động giải trí, không phải là hoạt động tiêu biểu cho bộ mặt âm nhạc Việt Nam. Hơn nữa, những lùm xùm đó ít nhiều sẽ tác động đến các em nhỏ. Nó sẽ kích động đến người thua cuộc, biết đâu, họ sẽ nảy sinh suy nghĩ dường như mình phải thắng chứ không thua, họ sẽ nhìn về chiêu trò tổ chức như không công bằng, dẫn đến cách nhìn hoài nghi về xã hội. Về phía người chiến thắng, những lùm xùm đó khiến họ thấy bị chạm nọc, thấy thắng lợi của mình là không sang trọng, không đàng hoàng".                                 

Nên nhìn nhận bằng con mắt hồn nhiên của con trẻ

Xem chương trình thiếu nhi thì nên nhìn nhận và đánh giá sự việc bằng con mắt hồn nhiên, vô tư, đúng lứa tuổi các em chứ đừng nhìn bằng con mắt của người lớn, để sự ích kỷ, đố kỵ, bon chen vào trong cuộc chơi của các em. Cũng đừng nhào, tô vẽ các em thành những tài năng sớm bị thui chột, dù vô tình hay cố ý.

Gia Lê

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.