Phát biểu tại buổi họp báo Chương trình truyền thông hưởng ứng ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới 29/5 với chủ đề “Khỏe tiêu hóa– Khỏe hơn mỗi ngày” sáng 5/5, TTND.GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã nêu dẫn chứng cho thấy tầm quan trọng của hệ tiêu hóa.
Ông Tuyên kể câu chuyện của GS.TS Nguyễn Văn Chuyển (người bạn lớn của ngành dinh dưỡng Việt Nam) sinh sống tại Nhật Bản về Việt Nam nói chuyện khoa học, ông có nói rằng “chúng ta sinh ra mỗi người chỉ có 3kg, cho đến khi trưởng thành chúng ta có khoảng 50kg” và 47kg này được lấy từ thức ăn.
Theo ông Tuyên, thức ăn đi vào trong cơ thể thông qua đường tiêu hóa, theo tính toán của của GS. Chuyển, trong một đời người sống 70 năm thì mỗi người sẽ tiêu thụ 144 tấn lương thực thực phẩm (không kể nước uống), tất cả đều đi qua đường tiêu hóa.
Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thông qua những quan sát sinh hoạt hàng ngày ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm rất quan trọng “Bệnh là từ miệng vào”. Cho tới ngày nay, nhận xét này vẫn có ý nghĩa xét từ góc độ khoa học.
Đường tiêu hóa, cụ thể là đường ruột, nơi tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch cũng chính là địa điểm hệ miễn dịch và vi khuẩn gặp nhau. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh là hệ tiêu hóa được hỗ trợ bởi hệ miễn dịch mạnh mẽ, bảo vệ cơ thể trước các tấn công liên tục từ tác nhân gây bệnh trong thức ăn.
Có rất nhiều yếu tố đóng góp vào sức khỏe của hệ miễn dịch. Bên cạnh những yếu tố khách quan khó có thể thay đổi như tuổi, giới, bộ gen, môi trường sống, thì cũng có những yếu tố chủ quan như dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt, mức độ vận động… Trong đó, vai trò của dinh dưỡng là đặc biệt nổi bật.
Nếu coi hệ miễn dịch như một thành trì thì dinh dưỡng chính là nguyên liệu xây nên thành trì đó thông qua các đa chất gồm: protein, lipid, carbon hydrat là các “viên gạch”tạo nên thành phần hệ miễn dịch như kháng thể, cytokine, thụ thể....
Bên cạnh đó, vitamin và khoáng chất là những mắt xích mấu chốt và các chất truyền tin giữ cho hàng rào luôn kết nối vững vàng. Hơn nữa, không kém phần quan trọng, dinh dưỡng còncung cấp nguồn năng lượng không thể thiếu để hệ miễn dịch vận hành trơn tru, sẵn sàng được kích hoạt một cách hiệu quả khi có tác nhân có hại xâm nhập.
Ông Tuyên cho hay, trên thực tế, dù thường xuyên tiếp xúc với một lượng lớn vi sinh vật, hệ thống niêm mạc ruột chỉ gồm một lớp tế bào để đảm bảo việc hấp thu nhanh dưỡng chất, nước và các chất điện giải cung cấp cho nhu cầu cơ thể.
Để bảo vệ biên giới mỏng manh này, cơ thể thích nghi bằng cách tập trung các mô miễn dịch phía dưới niêm mạc ruột để kịp thời tối ưu hóa đáp ứng miễn dịch một cách liên tục. Bên cạnh đó, các mô này cũng tiết kháng thể IgA để bảo vệ lớp mảng nhầy thành ruột không bị tổn thương trong quá trình tiêu hóa.
Không chỉ vậy, miễn dịch đường ruột cùng với sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột cũng đang ngày càng được khẳng định là có vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính như hội chứng ruột co thắt, hội chứng chuyển hóa, béo phì, đái thảo đường type 2, bệnh tim mạch, ung thư, Parkinson…
Trên phương diện tổng thể, khi tình trạng dinh dưỡng được cải thiện thông qua bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, các vấn đề về sức khỏe cũng theo đó được nâng cao. Nói một cách khác, cơ thể cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ dẫn tới có đủ dự trữ dinh dưỡng. Dự trữ này sẽ được huy động để thực hiện các chức năng miễn dịch và bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh.
“Gần đây, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, các nghiên cứu cho thấy những vấn đề về dinh dưỡng bao gồm cả suy dinh dưỡng và béo phì đều tăng khả năng diễn biến xấu trên bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ngoài ra, các thiếu hụt vi chất như vitamin D, kẽm, selen cũng làm suy giảm hệ miễn dịch và tăng nguy cơ tử vong trên bệnh nhân Covid-19”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Từ đó, ông Tuyên cho rằng, việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cả đa lượng và vi lượng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và củng cố hệ miễn dịch khỏe mạnh cũng như nâng cao sức khỏe tổng thể.
Bên cạnh đó, các bổ sung khác về dinh dưỡng như lợi khuẩn probiotic, các prebiotic nuôi dưỡng hệ vi khuẩn ruột cũng như các chất chống oxy hóa tự nhiên dạng polyphenol thực vật thông qua chế độ ăn đa dạng, nhiều rau củ quả cũng giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bảo vệ sức khỏe lâu dài.
“Việc truyền thông để giúp nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về vai trò của dinh dưỡng và tiêu hóa đối với sức khỏe tổng thể là rất cần thiết. Dinh dưỡng đúng và đủ, giúp chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh, từ đó tăng cường sức đề kháng, nâng cao miễn dịch, giúp phòng tránh bệnh tật”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo, ông Trần Tuấn Linh, TBT Báo Sức khỏe và Đời sống nhấn mạnh, việc giữ cho bản thân khỏe mạnh mỗi ngày luôn là điều quan trọng với bất cứ ai, đặc biệt là sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 trong hơn hai năm qua.
“Điều này đã tạo nên nhận thức rõ hơn cũng như sự thay đổi về quan điểm trong việc thực hành chăm sóc sức khỏe bản thân đúng cách. Trong đó, hệ tiêu hóa khỏe được xem là một trong những tiền đề giúp cơ thể khỏe mạnh bởi sức khỏe hệ tiêu hóa có tác động trực tiếp đến sức khỏe toàn diện của cơ thể. Do đó, chăm sóc sức khỏe cho hệ tiêu hóa cũng chính là chăm sóc sức khỏe cho cơ thể”, ông Linh nói.
Từ năm 2004, Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 29/5 bởi Tổ chức Tiêu hóa Thế giới (WGO) phối hợp với Quỹ WGO (WGOF), nhằm nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về vai trò của hệ tiêu hóa đối với sức khỏe, cũng như cách phòng ngừa, chẩn đoán, quản lý và điều trị các bệnh và/ hoặc tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Theo các nghiên cứu thống kê, có đến 40% dân số thế giới bị các vấn đề mãn tính về đường tiêu hóa, và có đến 62% dân số đang gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe tiêu hóa phổ biến như đau dạ dày, khó tiêu… Tại Việt Nam, các vấn đề về sức khỏe hệ tiêu hóa còn chưa được người dân chú trọng đúng mức trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Năm nay, chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa thế giới 2022 sẽ diễn ra trong suốt tháng 5/2022, gồm một chuỗi hoạt động truyền thông hướng đến cộng đồng với thông điệp Khỏe tiêu hóa–Khỏe hơn mỗi ngày. Các hoạt động nhằm nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe tiêu hóa của cộng đồng, giúp người dân có nhận thức đúng về ý nghĩa của tiêu hoá đối với sức khoẻ, các giải pháp dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường đề kháng, xây dựng thói quen tốt để chăm sóc hệ tiêu hoá khoẻ mạnh tự nhiên.
Các hoạt động trong khuôn khổ chương trình này sẽ được đầu tư thực hiện vừa mang tính khoa học vừa có sự gần gũi, tương tác cao như: Tọa đàm khoa học trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng và tiêu hóa trong và ngoài nước, loạt bài viết khoa học chuyên đề về chăm sóc sức khỏe hệ tiêu hóa với nhiều hình thức thể hiện sinh động, mới mẻ...
Đặc biệt, hướng đến giới trẻ, GenZ, chương trình còn các các hình thức mới như “Thử thách Tiktok”, nội dung sáng tạo trên Facebook, hình thức Hỏi&Đáp tương tác trên Instagram, chuỗi video clips trên Youtube… để mang thông điệp “Khỏe tiêu hóa, khỏe hơn mỗi ngày” đến gần với người trẻ với các hashtag #KhoeTieuHoa_KhoeHonMoiNgay và #Ngaytieuhoathegioi.
Hoàng Bích - Hương Thương