Nếu từng trải qua quãng thời gian là sinh viên sống xa nhà chắc hẳn nhiều bạn sẽ không thấy lạ với việc ăn mỳ tôm sau đó dùng nước mỳ để chan cơm nguội.
Tuy nhiên, cũng có những người chưa phải ăn hay thử cảm giác đó bao giờ thì thấy lạ. Có lẽ bởi vì thế mà những dòng tâm sự của một cậu bạn chứng kiến bạn cùng phòng mình ăn mỳ tôm rồi nước để chan cơm nguội. Khi đọc được những dòng tâm sự đó, ai cũng đều thấy cay cay khóe mắt.
Chỉ trong một thời gian ngắn chia sẻ, câu chuyện đã nhận được hơn 10 ngàn lượt xem và hàng ngàn bình luận của cộng đồng mạng. Rất nhiều bình luận là của các bạn sinh viên đã từng trải qua quãng thời gian như vậy. Ai nấy đều thấy thấm thía.
Xin trích nguyên văn câu chuyện đang được nhiều người chia sẻ:
“- Mày đang ăn gì thế?
- Tao vừa ăn mỳ xong vẫn đói nên lấy cơm nguội bỏ vào nước mỳ ăn tiếp, mày ăn không?
....
Mình là K54, bạn cùng phòng trọ mình cũng là K54, 2 thằng cùng ra trường nhưng số phận lại khác nhau. Nhà mình thì cũng bình thường, tính tình mình hơi trầm, mình đang chờ việc nhà nước và mình sẽ dừng việc giới thiệu về mình ở đây vì đây là câu chuyện về thằng bạn cùng phòng đã ở với mình hơn 2 năm.
Nhà nó nghèo, mình phải dùng từ nghèo, nó ở 1 tỉnh miền Trung đất mặn, trồng lúa còn khó. Bố mẹ nó đi đánh cá xa bờ, ngày nào cũng như ngày nào để nuôi cả gia đình. Nhà nó có 4 anh em, nó cũng kể ngày xưa sinh đẻ có kế hoạch gì đâu nên nhỡ, kiểu ngày xưa bố mẹ không được học nhiều, người ta đến tuyên truyền cũng chẳng nghe nên cứ thế, đến lúc nhỡ rồi thì mới nhận ra...
Cũng may, dưới nó còn 1 đứa em gái và 1 em trai cũng học cấp 3, 1 đứa lớp 12 và 1 đứa lớp 10, còn em út thì đang học cấp 2, tất cả đều đang được đi học đầy đủ, chúng nó cũng ngoan, vì bố mẹ nó luôn dạy chúng nó phải học thằng bạn cùng phòng mình, nó là tấm gương sáng cho mấy đứa em.
Nó kể ngày xưa nhà nó còn khó khăn hơn bây giờ nhiều, đánh cá cũng như làm đồng vậy, có những đợt mất mùa, mấy đứa em phải cố gắng ăn uống tiết kiệm lấy tiền đóng học, bố mẹ nó quan niệm ăn uống cũng quan trọng nhưng học tập cũng không kém phần, có những ngày ăn cơm với muối vừng, với tương bần, 1 quả trứng mấy anh em ăn chung...nhà nó lại không thuộc diện chính sách, nó bảo là để có diện chính sách ở đây không dễ...
Lúc nó mới chuyển đến đây, để mình hiểu về nó hơn nó cũng kể cho mình rằng chuyện của nó và mong mình thông cảm nếu nhiều lúc nó hơi khó khăn trong việc tiền nong nhưng chắc chắn nó sẽ trả đủ.
Nó từ lúc biết tin đỗ đại học, gia đình vừa vui vừa buồn, vui vì biết tin nó đỗ, tương lai có thể nó sẽ rộng mở hơn, buồn vì lên đại học sẽ có nhiều chi phí phải bỏ ra hơn, nhà nó cũng chưa ai đi học đại học nên ko biết chi phí sẽ như nào, cũng may là K54 đóng học phí chưa phải là cao lắm.
Nó đỗ đại học, bố mẹ còn phải vay họ hàng anh em mỗi người 1 ít 1 ít để làm thủ tục, lo cho nó thời gian đầu vì vay nhiều ai cho, người ta cũng nghi nghi nhà nó không có để mà trả mà.
Đợt nó mới lên, cũng bị nhiều người bắt nạt rồi nó thế này thế kìa vì cũng do vùng miền là 1 phần, giọng nó không lạc đi đâu được nên nhiều người hiểu sai nó.
Nó mất 2 tháng đầu tiên khó khăn trên đất Hà Nội dần cũng quen, trước khi chuyển về cùng mình, nó ở trong 1 khu trọ lụp sụp, hồi đó trọ mất có 1tr2/1 tháng, cả điện nước 2 người thì mỗi người hơn 700k thôi, sau tăng lên cao nên nó chuyển về chỗ mình.
Sau 2 tháng ở trên Hà Nội, nó bắt đầu xin được công việc là phát tờ rơi, ngày nào cũng đi phát, ai thuê thì nó đi phát, mỗi ngày cũng tầm 80-100k tùy từng số lượng tờ rơi đi phát. Ngoài ra nó còn tìm hiểu thông tin để đi dạy thêm, cuối cùng cũng được người ta nhận, mà người nhận nó dạy thêm lại là 1 người cùng quê.
Năm nhất, năm 2 phần lớn thời gian nó dành cho 2 việc, học tập và đi làm thêm, nó cũng chỉ dạy thêm là chính, ngoài ra nó đi phát tờ rơi, thỉnh thoảng đi bốc vác ở chợ Long Biên hoặc mấy chợ đầu mối kiếm thêm, mỗi lần bốc vác như vậy nó đc 150-200k.
Nó kể rằng thực ra đi làm là 1 phần, chứ cách ăn tiêu của nó cũng là 1 phần quan trọng, nếu ví dụ mình làm có ra 10tr mà tiêu hết 11tr thì cũng âm tiền, nhưng nếu làm ra 10tr mà tiêu 5tr thì lại là 1 chuyện khác. Nhưng mọi người cứ hình dung, mỗi tháng nó kiếm như vậy vẫn có bao nhiêu thứ phải lo, nó không để ra được đồng nào.
Những năm đầu đại học, có bao nhiêu hết bấy nhiêu, để dành ra được mấy đồng, thì vào năm học nó lại phải giúp bố mẹ đóng học cho các em, đóng học cho nó, rồi thỉnh thoảng mua cho các em nó cái áo, cái quần, đôi dép, sang năm học mới, không có quần áo cho các em, chúng nó lại buồn.
Nó kể có đợt bố ốm, mẹ lại ở nhà chăm bố nên không ra biển được, cả nhà lại đói ăn, nó còn phải đi vay tiền để gửi về mua thuốc thang cho bố, lo các chi phí nhưng may mà bố cũng khỏi, không phải bệnh nặng lắm, các em nó hồi đó mới cấp 2, 1 đứa cấp 3 vẫn còn ngây thơ, không nghĩ đến việc gia đình nghèo khổ cỡ nào.
Đấy, đến năm 3, nó chuyển tới chỗ mình nó dành dụm mãi mới mua được cho bố chiếc xe wave nhưng cũng chỉ mua lại hơn 8tr, vẫn mới, nhờ người kiểm tra xe máy móc thì vẫn ổn tặng bố mẹ, chứ bố mẹ đi con xe cà tàng hỏng lên hỏng xuống, đi có khi chết máy giữa đường, bán may ra được 1tr khổ lắm, cả nhà nó như mở tiệc ăn mừng vì nghĩ chắc chẳng bao giờ mua được xe...
Nó cứ như vậy thôi, cũng may thằng này học giỏi, nó đi làm mà ko ảnh hưởng nhiều đến việc học, chứ để trượt môn, lại mất tiền học lại thì chết. Tất nhiên, nó không được bằng giỏi rồi, vì nó đi làm suốt, thời gian học cũng chẳng còn nhiều nên nó phải đánh đổi, làm sao có đủ thời gian để vừa giỏi làm vừa giỏi học.
Nói đến chuyện yêu đương thì...chả có, như ở trên, thời gian đâu ra, mà nó còn bảo là chắc chỉ yêu được người cùng quê, với lại khổ như nó thì ai yêu...
Sang năm 4, là năm cuối, phần lớn thời gian nó dành cho việc đi làm vì môn chuyên ngành cùng việc thực tập dễ thở hơn rất nhiều. Nhưng nó kiếm ra bao nhiêu thì cũng tỉ lệ nghịch với bố mẹ nó bấy nhiêu. Bố mẹ nó càng ngày càng yếu, không ra biển được nhiều nên kiếm ít đi, còn nó kiếm nhiều lên nhưng cũng bù vào phần của bố mẹ nó mà thôi.
Hơn thế nữa, các em càng ngày càng lớn, càng có nhiều thứ phải chi, nó lại nai lưng ra làm, ngày nào cũng như ngày nào ngày đi học, có hôm thì trốn học nhờ người điểm danh hộ để đi làm, đi học xong là tranh thủ ăn cơm, lúc mình nấu, lúc nó về sớm thì nấu, rồi lại phi thân ra đường đi làm, đợt nào mà thất nghiệp lại làm ship tạm thời, rồi tiếp tục đi bốc vác (vì nó là thợ quen nên giờ cũng được 200k/1 buổi rồi), ai thuê nó làm gì, nó làm được thì nó làm, cũng may thằng này đi làm nhiều nên ít khi thất nghiệp lắm, chỉ mất 1,2 ngày rồi đâu lại vào đó, nó hạn chế đi bốc vác vì nó bảo là làm gì có sức khỏe, bốc vác 1 ngày mấy ngày sau như thằng ất ơ...
Đấy, nó nghèo vậy đấy, nó nghèo nhưng nó biết cố gắng, nó ra trường bằng khá, nó cũng mới xin được việc thôi, mới trong thời gian thử việc, nó quyết tâm lắm, nó nói với mình rằng có khó khăn nó cũng phải vượt qua, nó có thể khổ nhưng các em nó không được khổ, bố mẹ nó cũng khổ nhiều rồi...có đôi lần, nó cần tiền gấp, mình cũng cho nó vay nhưng nó cũng chỉ dám vay 100 -300k là cao nhất, xong cái nó trả luôn, nó cũng không nợ ai đồng nào... ai hiểu thì sẽ giúp nó trong khi nó khó khăn.
Nhiều lúc nó về muộn thấy nó ngồi lủi thủi ăn cơm rồi học bài, nhìn thấy chạnh lòng vì mình cũng như nó nhưng cảm giác, mình không thể nào làm được những việc như nó... rồi tự dưng nghĩ, 1 năm có khoảng 5000 sinh viên đỗ NEU, liệu có bao nhiêu người như nó...
Đêm nay cũng vậy, giữa đêm, nó về lúc nào mình không biết, chỉ khi nó lạch cạch cầm bát cơm chan nước mỳ mình mới hỏi:
- Mày đang ăn gì thế?
- Tao vừa ăn mỳ xong vẫn đói nên lấy cơm nguội bỏ vào nước mỳ ăn tiếp, mày ăn không?
...
Vậy mà lúc tối, nó bảo mình không phải làm cơm cho nó vì nó ăn ngoài... hay nó lại tiết kiệm nữa...".
Lan Anh