Trước chuyến đi, hướng dẫn viên phát cho khách một balô và chiếc nón. Chuyện chẳng có gì ầm ĩ nếu hai “món” này không màu... cam, một màu hoàn toàn không phù hợp với tuổi của tôi. Tôi lầm bầm bỏ chiếc balô cam, chỉ đội chiếc nón. Sang Thâm Quyến, hướng dẫn viên người “đại lục” nói tiếng Việt giọng Sài Gòn khá chuẩn, yêu cầu chúng tôi mở sổ tay hay bất cứ tờ giấy nào thuận tiện ghi số di động của anh, phòng trường hợp đi lạc. Tôi “xì...” một tiếng đủ mình nghe, trong đầu nghĩ: “Bà sở hữu thứ tiếng bá chủ thế giới... Làm quái gì sợ lạc”. Dù vậy, tôi cũng mở sổ tay ghi số của anh ta.
Thế nhưng chỉ mới rảo một vòng tôi mới “xanh máu mặt”, dòng người lũ lượt đi lại, miệng “xí xa xí xồ” thứ ngôn ngữ lạ hoắc với tôi. Mọi người đều không sử dụng tiếng Anh và hình như họ cũng không quan tâm đến sự hiện diện cái ngôn ngữ này trên đời.
Đến Thế giới thu nhỏ toàn người với người, ngoài vài ba sinh viên từ Bắc Kinh đến biết vài từ tiếng Anh, còn lại tôi nói “hổng ai hiểu”. Đã đến giờ tập trung về khách sạn, tôi mới biết sự tiện lợi của chiếc nón và balô màu cam. Không biết đường ra tháp Eiffel... nhái, nơi tập trung đoàn, tôi chỉ còn cách nhón chân tìm người cùng đội nón màu cam và... chạy theo. Gặp lại người cùng đoàn, cùng màu nón, tôi mừng đến... khóc.
Tại Quảng Châu, sau khi thăm công viên Việt Tú và trên đường ra xe về lại khách sạn, trời bỗng đổ mưa rào, tôi núp dưới hiên một cửa hàng bán đồ lưu niệm. Vài phút trời tạnh. Nhìn quanh chẳng thấy cái nón cam nào ngoài chiếc nón của mình. Tôi hỏi người xung quanh đường ra cổng công viên... Ai cũng lắc đầu, rồi xổ một tràng xí xa xí xào lạ hoắc. Tôi cứ theo đoàn người lũ lượt, thỉnh thoảng dừng lại nhón chân nhìn nhưng không thấy cái nón màu cam quen thuộc. Tôi la lên: “Làm ơn giúp tôi”. Chẳng ai trả lời.
Tôi cứ đi và chặn những người trẻ nói mình là tourist - khách du lịch. Tôi nhấn mạnh từ tourist mong cái từ quen thuộc này giúp họ biết tôi là ai mà ra tay giúp đỡ, cho tôi gọi nhờ vào di động anh chàng hướng dẫn. Nhưng ai cũng lắc đầu! Từ nơi cây cối um tùm đến một chỗ lạ hoắc với từng đoàn người mặc áo tắm vui đùa vẫy vùng trong chiếc hồ rộng lớn. Tôi... òa khóc. Đến chiếc “hộp” có người mặc bộ đồng phục giống bảo vệ VN, tôi chỉ vào mình mếu máo từ tourist, xin gọi điện. Bà ta lắc đầu, ra hiệu tôi “đi chỗ khác chơi”. Tôi khóc nấc lên, la liên tục trong nước mắt: “Việt Nam”, hi vọng có người biết chuyện giúp tôi đến lãnh sự quán.
Có lẽ thấy gương mặt đẫm nước mắt của tôi bà bảo vệ dường như hiểu về hoàn cảnh của tôi, ra dấu tôi cần giúp gì. Tôi đưa số điện thoại của hướng dẫn viên. Bà nhấc điện thoại xí xô một hồi, gật gật cười cười rồi cúp máy. Bà đứng dậy nắm tay dẫn tôi ra cổng công viên nước (tạm gọi như thế vì toàn những trò chơi trên nước) chỉ dưới đất, xí xô một tràng. Chẳng hiểu gì nhưng nhờ ngôn ngữ tay tôi biết bà bảo tôi đứng ở đây đợi. Tôi gật đầu, bà đi thẳng chẳng cần nghe tôi cảm ơn. Mà có nghe chắc bà cũng chẳng hiểu!
Mười phút sau, xe của đoàn đến đón tôi. Mọi người thở phào. Tôi lạc gần ba giờ đồng hồ. Trên suốt chặng đường ra về, tôi vẫn chưa hết hồi hộp, trống ngực đánh hơn trống trận. Nhiều lúc nằm nhớ lại, tôi vẫn tự hỏi nếu lúc đó không ghi số di động của hướng dẫn viên, chuyện gì sẽ xảy ra?
Theo Tuổi trẻ