Vào những ngày cuối năm 2019, ông T. V. N (49 tuổi, Trực Ninh, Nam Định) cảm thấy bàn chân phải của mình đau nhức, đi lại khó khăn.
Thời điểm đó, một phần vì công việc giáp Tết còn bề bộn, một phần vì nghe theo lời khuyên của những người xung quanh, ông N. quyết định tự đi mua thuốc nam về đắp. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, chân của ông N. càng sưng đau nhiều hơn, xuất hiện các vết hoại tử và chảy dịch mủ thối.
Thấy bệnh tình của chồng không thuyên giảm, vợ của ông N. đã đưa chồng lên bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám. Tại đây, các bác sĩ đã quyết định can thiệp ngay lập tức để xử lý tình trạng nhiễm trùng hoại tử ở bàn chân phải, mặc dù tiên lượng khả năng giữ lại bàn chân rất khó khăn.
Qua nhiều cuộc phẫu thuật, với sự quyết tâm của các bác syĩ viện chấn thương chỉnh hình và đơn vị chăm sóc vết thương - khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn, cùng với sự chăm sóc tận tình của các điều dưỡng, dần dần vết thương của ông N. tiến triển tốt hơn.
Tuy nhiên, phải trải qua 2 tháng ròng rã “xuyên năm mới”, bàn chân của ông N. mới có khả năng giữ lại, tuy chức năng vẫn còn hạn chế.
Theo Ths. Bác sĩ Trần Tuấn Anh, bác sĩ khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương - người trực tiếp điều trị và phẫu thuật cho bệnh nhân N. cho biết, do ngại đi bệnh viện, ngại phải mổ xẻ nên bệnh nhân N. đã tự ý điều trị thuốc nam, rất may mắn ông N. đã được các bác sĩ kịp thời giữ lại bàn chân cho mình.
Nhiều năm công tác tại khoa phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa cho biết đã gặp những trường hợp tương tự anh N. tự điều trị thuốc mang họa vào người do sự thiếu hiểu biết.
“Chúng tôi mong muốn mọi người dân hãy tìm hiểu thông tin thật kĩ, nên đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị để đạt được những kết quả tốt nhất, tránh để lại hậu quả “tiền mất tật mang” khi có các vấn đề về sức khỏe hoặc mắc bệnh”, PGS Nguyễn Đức Chính khuyến cáo.
T.Lam - H. Linh