Ăn cơm với chả lá lốt, người đàn ông suýt mất mạng
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, các bác sĩ vừa thực hiện nội soi phế quản ống mềm gắp thành công dị vật dài 7cm nằm trong đường thở cho người bệnh N.V.L., 51 tuổi ở xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, Thái Nguyên.
Khai thác tiền sử bệnh, ông L. có tiền sử ung thư thực quản. Theo lời kể của gia đình, trong lúc ông L. đang ăn cơm trưa với chả lá lốt thì bị sặc, sau đó đột ngột xuất hiện ho, khó thở, đau ngực trái và được chuyển ngay vào bệnh viện Lao và bệnh Phổi Thái Nguyên. Tại đây, ông L. được chẩn đoán suy hô hấp, có dị vật phế quản, K thực quản và tăng men gan. Trước tình trạng trên, ông L. tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để cấp cứu.
Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã tiến hành thăm khám, cho người bệnh làm các xét nghiệm máu và chụp cắt lớp vi tính lồng ngực. Kết quả chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh nghi ngờ dị vật kích thước 2,3x6mm đoạn gốc của phế quản thùy trên phổi trái, xẹp toàn bộ nhu mô phổi trái.
Đáng chú ý, người bệnh tiếp tục diễn biến suy hô hấp nhanh, ngay lập tức được đặt ống nội khí quản. Sau khi hội chẩn với các bác sỹ khoa Hô hấp, người bệnh được chỉ định nội soi phế quản ống mềm lấy dị vật cấp cứu. Trong quá trình nội soi, các bác sĩ phát hiện ở phế quản gốc bên trái có dị vật màu trắng ngà kèm lẫn những sợi rau màu xanh đậm gây bít tắc hoàn toàn lòng phế quản bên trái.
Với kỹ thuật chuyên môn cao, trang thiết bị y tế hiện đại và kinh nghiệm xử trí các tình huống cấp cứu, các bác sĩ đã lấy được hoàn toàn dị vật (là sợi và gân thịt lợn, rau xanh), dài gần 7cm, rộng 1,5cm ra khỏi đường thở. Sau khi dị vật được gắp ra, lòng phế quản thông thoáng, quan sát niêm mạc xung huyết, nhiều dịch xuất tiết, các bác sĩ đã tiến hành bơm rửa lòng phế quản cho người bệnh. Sau khoảng 15 phút, người bệnh hết tím tái, có thể tự thở hoàn toàn, được rút ống nội khí quản và cho thở oxy gọng kính. Hiện sức khỏe người bệnh L đã ổn định, đang được theo dõi và điều trị tích cực tại khoa Cấp cứu.
Chia sẻ về trường hợp này, Bác sĩ CKII Chu Thị Thu Lan – Phụ trách khoa Hô hấp cho biết: Thông thường những người bị dị vật đường thở thường có triệu chứng khó thở, đau tức ngực, ho, khạc đờm… rất hay nhầm lẫn với các bệnh lý về đường hô hấp nên dễ bị bỏ qua. Do đó, người bệnh, người dân cần chú ý ăn uống đúng cách để tránh sặc; ăn từ từ, không được nằm khi ăn hoặc uống bất cứ loại gì; nên ăn miếng nhỏ và gập cổ khi nuốt; không xem ti vi, đọc báo… làm mất tập trung khi ăn. Khi có triệu chứng ho sặc khi nuốt, khi đang nhai, thay đổi giọng nói hay tốc độ nói sau ăn… người bệnh cần đến ngay các bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Hướng dẫn sơ cứu trẻ bị hóc dị vật đường thở
Khi trẻ còn hồng hào
- Thông tin từ Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108, nếu trẻ còn hồng hào, ho hoặc khóc thành tiếng có nghĩa là trẻ đang thở, đường hô hấp không bị tắc nghẽn hoàn toàn, bé không bị ngạt trầm trọng
- Cha mẹ bình tĩnh, đứng bên cạnh cổ vũ, động viên trẻ tiếp tục ho. Phản xạ ho và ọe có thể giúp trẻ tống được vật thể lạ ra ngoài.
- Tuyệt đối không dùng ngón tay mò mẫm tìm vật lạ, không cho trẻ uống bất cứ thứ gì, vì như vậy bạn có thể vô tình đẩy vật này vào sâu hơn. Chỉ móc ra những thứ mà bạn nhìn thấy.
- Nếu sau khi cơn ho dịu đi, bạn vẫn tiếp tục nghe thấy thở ồn ào hay tiếng ho thì hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức, có thể vật lạ đã đi sâu vào phế quản, dễ gây viêm phế quản phổi tái diễn nếu không xử trí triệt để.
- Nếu bé thở khó khăn trong vòng vài phút, đưa đi cấp cứu ngay để gắp dị vật ra.
Xuất hiện tím tái, khó thở, ngưng thở
- Nếu trẻ xuất hiện tím tái, khó thở, ngưng thở, không khóc được hoặc khóc yếu, không nói được, cha mẹ nhanh chóng gọi cấp cứu, tiến hành sơ cứu kịp thời, đúng cách.
- Đối với trẻ lớn (từ trên 2 tuổi)
- Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi trẻ.
- Đặt gốc một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất.
- Ẩn 5 cái đột ngột, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên.
- Sau đó kiểm tra đường thở. Nếu dị vật chưa rơi ra ngoài thì tiếp tục lặp lại các bước như trên cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.
Lưu ý: Nếu trẻ ngưng thở
- Gọi cấp cứu ngay.
- Bắt đầu hồi sức tim phổi ( hà hơi thổi ngạt và ấn tim ngoài lồng ngực) tỉ lệ 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép tim cứ như vậy đến khi nhân viên y tế đến nơi.
Trúc Chi (t/h)