Thực tập để... xả hơi
Sau Tết là thời điểm nhiều nhà trường tổ chức các đợt kiến tập, thực tập cho các sinh viên năm thứ ba hoặc năm cuối. Qua các khóa "thử lửa" này, sinh viên sẽ có cơ hội được trải nghiệm và thử sức trong môi trường làm việc thực sự.
Từ kiến thức đã học trong giáo trình, các sinh viên sẽ được đào tạo chuyên môn theo chuẩn quy trình của đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tập, được tìm hiểu, tham gia trực tiếp vào các dự án đào tạo phát triển các kỹ năng làm việc và tham gia vào các hoạt động văn hoá. Theo kinh nghiệm của các anh chị đi trước, nhiều sinh viên còn được rỉ tai nhau về cơ hội được trở thành nhân viên chính thức của công ty- nơi mà mình thực tập.
Hoàng Phương, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, cách đây mấy năm, Minh Trang - chị gái của Phương cũng may mắn nhận được mối đi thực tập tại một công ty truyền thông lớn. Do được làm việc đúng chuyên ngành đào tạo, kiến thức tốt, lại biết cách giao tiếp, cư xử với mọi người cùng công ty nên sau đợt thực tập, chị gái Phương được sắp xếp làm việc part time (bán thời gian) tại công ty.
Thế nhưng, đến khi được đi thực tập, Phương mới vỡ mộng. Hóa ra không phải sinh viên nào cũng có cơ hội may mắn như chị gái của mình. Suốt ba tháng thực tập tại một công ty xây dựng, mặc dù học khá tốt chuyên ngành kế toán nhưng Phương chưa bao giờ được giao sổ sách giấy tờ kế toán của công ty để thử việc. Mỗi khi có họp hành, đám sinh viên thực tập đều bị "chầu rìa" ngoài hành lang mặc dù hoạt động của công ty hoàn toàn công khai minh bạch.
Giấy xác nhận thực tập có sẵn dấu bán đầy rẫy trên mạng
Suốt ba tháng, kinh nghiệm nhiều nhất là mình Phương được là phân loại... giấy vụn, pha trà rót nước, quét dọn. Sáng nào cũng phải đến công ty từ sớm để làm thay việc của lao công, tạp vụ. Đó là chưa kể đến thái độ "ma cũ bắt nạt ma mới" của các nhân viên trong công ty. Cho dù có thừa máy tính, giấy tờ vứt lung tung trên bàn, họ cũng không muốn các sinh viên đụng vào vì sợ... hỏng.
Cuối thời gian thực tập, muốn gặp được tổng giám đốc hay trưởng phòng để xin dấu xác nhận cũng khó khăn, chật vật. "Phần nhận xét lại hoàn toàn trống trơn hoặc chỉ nhận xét chung chung vì các lãnh đạo lại thấy các cô cậu đến đây toàn chơi, có làm việc gì đâu", Phương ngậm ngùi.
Trong khi đó, nhiều bạn sinh viên cùng lớp với Phương lại dành thời gian thực tập để hoàn thành trước khóa luận, tìm đề tài hoặc về quê nghỉ... xả hơi. Giấy tờ xác nhận thì xin xỏ người quen đã đi làm, hoặc mua trọn gói trên mạng. Chỉ bỏ ra vài trăm nghìn hoặc nhờ anh chị đã đi làm xin cho cái giấy đỏ rồi tự mình nhận xét về khả năng của bản thân "bốc tận trời" cũng được. Chả việc gì phải đi thực tập cho mệt người, cô bạn cùng lớp với Phương chia sẻ.
Lên mạng tìm mua... dấu đỏ
Hoàng Long, sinh viên ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết, nhiều sinh viên kiếm đỏ mắt cũng không được công ty nào nhận vào thực tập. Muốn có mối thực tập hoặc phải nhờ người quen đang làm nhân viên tại chính công ty đó xin vào, hoặc phải đủ thân thiết, tin tưởng để được các thầy cô "chọn mặt gửi vàng". Còn nếu không quen biết thì đến đâu cũng bị... "đuổi cổ" ngay từ cổng bảo vệ rồi.
Thực tế, nhiều công ty ngại nhận sinh viên thực tập do sợ xáo trộn trong công việc. Với những giấy tờ, sổ sách lưu trữ số liệu quan trọng, bản thân các lãnh đạo cũng sợ bị sơ hở, rò rỉ ra ngoài, nói gì đến việc cho sinh viên mượn để làm việc. Không phải công ty nào cũng tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội thử việc hay thực tập một cách thuận lợi. Chưa kể đến việc một công ty đang hoạt động có giờ giấc qui củ, nếu có đám sinh viên ngày nào cũng đến làm phiền trong khi nhân viên nào cũng bận rộn thì sẽ gây ảnh hưởng đến công việc.
Trong khi đó, chỉ cần bỏ ra năm phút tìm kiếm trên mạng là các sinh viên có thể thoải mái tìm được chỗ bán dấu đỏ. Trên các diễn đàn dành cho sinh viên, nhiều người có thể đọc được các mục "Người tìm... dấu" trình bày hoàn cảnh như: "Xin các bạn đừng nhìn topic trên mà đánh giá mình xấu. Chẳng qua là vì mình thực tập giáo trình cuối khóa nhưng công ty thực tập không đóng dấu giấy xác nhận thực tập vì họ không có chính sách cho thực tập.
Nhưng nếu không có giấy xác nhận này thì về trường sẽ không được chấp nhận nghĩa là mình sẽ rớt tám tín chỉ thực tập này. Mình cần tìm một chỗ có thể làm con dấu để đóng vào giấy xác nhận sau đó sẽ hủy con dấu đó tại chỗ luôn. Ai biết xin chỉ giúp. Ngày báo cáo đang cận kề rồi".
Còn các tin rao vặt "dấu tìm... người" thì nhiều vô kể: "Mình đang có nhu cầu bán giấy A4 có sẵn dấu đỏ của công ty TNHH nhé. Cần cho bạn nào muốn đóng dấu chứng nhận kinh nghiệm, hoặc chứng nhận thực tập. Giấy A4 trắng hoàn toàn nhé, chỉ có dấu đỏ nằm ở trên tờ giấy thôi... Các bạn muốn làm gì, ghi gì thì tự suy nghĩ nhé. Có hai loại: Loại một dấu đỏ nằm ở giữa trang bên góc phải, loại hai dấu đỏ nằm ở phần cuối trang bên phải. Giá 100K/tờ".
Phương Mai, sinh viên ĐH Bách khoa cho biết: "Sau khi nhận được giấy xác nhận thực tập có dấu đỏ mua trên mạng mất 100.000 nghìn đồng, em chẳng hiểu nổi đấy là dấu của công ty nào, kinh doanh lĩnh vực dịch vụ nào, chức năng nhiệm vụ ra sao... Nhấc máy hỏi lại người bán dấu thì người đó cũng là sinh viên, đi nhận lại mối bán giấy tờ dấu đỏ từ các quán photo, cửa hàng photoshop chỉ không biết mặt mũi công ty đóng dấu đó là thế nào".
Cuối cùng, Mai tự tìm kiếm thông tin về công ty trên qua ... Google và dựa vào thông tin về loại hình công ty in trên con dấu. Sau đó, Mai tự bịa số liệu, chức năng công việc và phần nhận xét của ban lãnh đạo công ty. Chỉ mất vài ngày, Mai đã hoàn thành báo cáo thực tập và giấy tờ xác nhận đầy đủ mà chẳng mất công sức phải đến tận công ty nào để làm việc.
Đóng tiền thực tập để kiếm... dấu đỏ Muốn có dấu đỏ chuyên nghiệp, nhiều bạn sinh viên phải tìm đến các dịch vụ "đẳng cấp" hơn. Bởi nhiều công ty lại có dịch vụ trọn gói theo kiểu nhận sinh viên thực tập, cấp dấu đỏ thực miễn phí khi đăng kí một khóa đào tạo ngắn hạn tại chính công ty. Tất nhiên, dịch vụ xịn này có mức giá khá cao từ 700.000 - 900.000 đồng/khóa đào tạo thực tập kèm dấu đỏ xác nhận. |
Phương Thu