Gió đảo chiều?
Theo Washington Post, mới chỉ 5 tháng trước Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố muốn rút quân ra khỏi Syria và đưa quân Mỹ trở về nhà sớm.
Vậy nhưng mới đây nhà lãnh đạo Mỹ đã thông qua một chiến lược mới nhằm mở rộng nỗ lực ngoại giao, kinh tế và mở rộng hiện diện quân sự vô thời hạn tại Syria, theo các quan chức cấp cao bộ Ngoại giao Mỹ.
Dù chiến dịch quân sự chống lực lượng khủng bố IS gần như đã hoàn thành và chính quyền ông Trump đã tái định hướng lại các mục tiêu của mình, bao gồm khiến tất cả quân lính và các lực lượng thân cận của Iran rời khỏi Syrira; đồng thời thiết lập một Chính phủ ổn định được người dân Syria cũng như cộng đồng quốc tế chấp nhận.
Động cơ lớn dẫn tới sự thay đổi của Washington, bắt nguồn từ nghi ngờ về liệu Nga có thể và sẵn lòng giúp gây sức ép để Iran rời Syria hay không.
“Chính sách mới là chúng ta sẽ không rút quân vào cuối năm nay”, James Jeffrey, người mới được bổ nhiệm chức vụ đại diện cho các vấn đề Syria của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tháng trước cho biết.
Có khoảng 2,200 lính Mỹ đang phục vụ tại Syria và hầu hết những lính này đều ở đây vì mục tiêu chống lại IS ở đất nước Trung Đông này.
Ông James Jeffrey nhấn mạnh, các binh lính Mỹ sẽ ở lại để đảm bảo Iran sẽ rời khỏi Syria và IS hoàn toàn bị đánh bại.
“Điều đó cho thấy chúng tôi không vội vã rút quân”, ông James Jeffrey cho hay.
Khi được hỏi liệu ông Trump có thông qua điều được gọi là “cách tiếp cận chủ động hơn” hay không, ông Jerrey cho biết, “Tôi tự tin rằng ngài Tổng thống sẽ ủng hộ chúng tôi trong vấn đề này”.
Ông Jeffrey từ chối nói rõ về bất kỳ sứ mệnh quân sự mới nào nhưng khẳng định, đó sẽ là “một sáng kiến ngoại giao chủ chốt” tại Liên Hợp Quốc và trên thế giới. Ông cũng khẳng định việc sử dụng các công cụ kinh tế - có thể là thêm các lệnh trừng phạt lên Iran và Nga, hay Mỹ từ chối không tài trợ cho quá trình tái thiết tại Syria dưới sự lãnh đạo của chính quyền Assad.
Các chính sách của Mỹ nêu trên chắc chắn sẽ gia tăng khả năng đối đầu trực diện với Iran, và cả Nga.
Vai trò của Mỹ ở Syria đã mở rộng và cuộc thử nghiệm đầu tiên cho vai trò mở rộng của Washington có thể sẽ diễn ra sớm và ngay tại tỉnh Idlib.
Tổng thống Assad tuyên bố, quân đội Chính phủ đang chuẩn bị cho chiến dịch cuối cùng đánh thẳng vào Idlib, và các phi cơ Nga cũng đã bắt đầu oanh tạc khu vực trong tuần này. Giới phân tích đã nhắc tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có sắp xảy ra; trong khi ông Trump lên tiếng cảnh báo rằng, Mỹ sẽ trả đũa, đặc biệt nếu Damascus sử dụng vũ khí hóa học.
Nga cứng rắn và mềm dẻo
Về phần mình, Nga một mặt tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực trong những tuần gần đây, mặt khác Nga cáo buộc Mỹ đang vin vào một cuộc tấn công hóa học được dàn dựng, để can thiệp quân sự vào Syria. Moscow khẳng định, chiến dịch tại Idlib là nhằm vào hơn 14.000 tay súng cực đoan có quan hệ với nhóm khủng bố al-Qaeda.
“Nếu Nga sử dụng vũ khí hóa học, hoặc tạo ra khủng hoảng người tị nạn hay tấn công thường dân vô tội”, ông Jeffrey cảnh báo, “hậu quả của việc đó là Mỹ sẽ thay đổi lập trường và sử dụng tất cả các công cụ của mình để làm rõ rằng, chúng tôi sẽ tìm các cách khác nhau nhằm đạt được mục tiêu của mình mà không cần dựa vào thiện chí của người Nga”.
Xem thêm >> Nóng: Nga bất ngờ đe dọa tấn công tiền đồn Mỹ ở Nam Syria