Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Syria sẽ làm thế nào để tự bảo vệ mình?
CNN mới đây đã đưa ra một bài phân tích, đánh giá về thực lực quân sự của Syria.
Tên lửa Scud
Syria được cho là đang sở hữu hơn 500 tên lửa Scud cùng các tên lửa đất đối đất khác. Tuy nhiên loại vũ khí có tầm ngắm từ 300 đến 700 km này không được thiết kết để đối phó với tàu chiến Mỹ. Thay vì đó chúng nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất đặt tại hai nước láng giềng là Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan đồng thời có thể hướng về Israel.
Các nhà phân tích ước tính Syria cũng có thể dự trữ vài chục tên lửa đạn đạo tầm ngắn SS-21 và khoảng 100 tên lửa FROG -7. Mặc dù vậy, Damascus không có bất kỳ tên lửa đạn đạo liên lục địa nào và điều này hạn chế nguy cơ Syria có thể tấn công ra các khu vực ngoài Trung Đông.
Theo Edward Hunt, một nhà phân tích cấp cao tại Viện tư vấn an ninh và quốc phòng IHS Jane, Nga dường như vẫn chưa giao hệ thống tên lửa đất-đối- không S-300 như đã hứa với Syria. Trước đó, Washington đã gây áp lực, yêu cầu Moscow không thực hiện đơn đặt hàng vũ khí của Damascus vì lo ngại loại tên lửa này sẽ mang lại cho chính phủ Syria sức mạnh lớn hơn để tấn công vào các mục tiêu như Mỹ, Israel và NATO.
Tống thống Syria Bashar al-Assad khẳng định Damascus sẽ “tự bảo vệ mình chống lại bất kỳ sự xâm lược nào" - Ảnh: fordhampoliticalreview
Sức mạnh không quân
Một số chuyên gia cảnh báo lực lượng không quân nước ngoài sẽ đối mặt với hiểm nguy nếu mạo hiểm xâm phạm không phận Syria.
Theo thông tin từ IHS Jane và Viện Nghiên cứu chiến tranh, Syria hiện có một số lượng lớn các máy bay chiến đấu như MiG 21/25, MiG 23/29 hay SU-22/24.
Tuy nhiên, Shiraz Maher – một thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Cấp tiến thuộc trường Đại học King, London, Anh nhận định Damascus đã cố tình phóng đại sức mạnh không quân của mình.
“Chúng ta được nghe rất nhiều về hệ thống không lực Syria nhưng Damascus chưa chứng minh được bất cứ điều gì”, Shiraz Maher nói.
Ông Maher dẫn ra bằng chứng rằng Israel đã ba lần tấn công các mục tiêu bên trong Syria kể từ khi cuộc nội chiến tại đây nổ ra, bao gồm việc ném bom kho chứa vũ khí và tấn công vào lực lượng quân sự Syria khi nước này được cho đang vận chuyển các tên lửa đạn đạo cho nhóm Hồi giáo Hezbollah nhưng Syria “đã hoặc không thể hoặc không sẵn sàng đáp trả lại Israel”.
Một số người đào tẩu từ quân đội Syria, đặc biết là từ lực lượng không quân, cũng nói rằng hệ thống phòng không của nước này không tốt như những gì Damascus cố tình tuyên bố.
Phương thức chiến tranh độc đáo
Ngoài những cách thức truyền thống, một số nhà phân tích tin rằng Syria có khả năng gây nên một cuộc chiến tranh hóa học bằng cách tận dụng kho dự trữ vũ khí hóa học lớn hoặc tổ chức những cuộc tấn công khủng bố vào các quốc gia láng giềng
Theo Maher, cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại một trong những thành trì của quân nổi dậy ở ngoại ô Damascus hôm 21/8 vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất cho việc này.
Các chuyên gia cũng lo ngại về khả năng Syria triển khai những cuộc chiến ủy nhiệm (proxy wars) bằng cách chuyển giao vũ khí hóa học cho các đồng minh trong đó có lực lượng Hồi giáo Hezbollah tại Lebanon.
Trong trường hợp Hezbollah cảm thấy chính quyền tổng thống Syria Assad bị đe dọa, họ có thể thay mặt Syria tổ chức những cuộc tấn công đáp trả , ví dụ như tấn công vào Israel, Chris Harmer - cựu quan chức Hải quân Mỹ cho hay.
Tấn công mạng
Các chuyên gia hiện đang lo ngại rằng một cuộc chiến quân sự do Mỹ dẫn đầu vào Syria sẽ làm tăng khả năng xuất hiện những vụ tấn công mạng đáp trả từ phía Damascus.
Mới đây, Quân đội điện tử Syria gồm một nhóm các hacker ủng hộ chính quyền ông Assad, đã đánh sập trang mạng của tờ The New York Times (Mỹ) trong vòng một tuần. Động thái này được nhận định như dấu hiệu của sự leo thang đáng kể của các chiến dịch tấn công mạng.
Trước đó, một số phương tiện truyền thông khác của Mỹ và châu Âu, bao gồm cả CNN.com đều cũng đã trở thành nạn nhân của Quân đội điện tử Syria .
Helmi Noman , nhà nghiên cứu tại tại Đại học Toronto dự báo các tin tặc sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm cơ hội để khai thác điểm yếu những điểm yếu trong hệ thống mạng của Mỹ.
Vũ Bảo (Theo CNN)