Chống cự Thổ Nhĩ Kỳ
Những thông tin đầu tiên về hành động trên của Mỹ, Anh, Pháp xuất hiện từ hồi tháng trước, nhưng gần đây hãng tin Reuters đã xác nhận.
Những căn cứ này được cho là một phần của nỗ lực lớn hơn của liên quân nhằm hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm của họ ở Syria, trong đó chủ chốt là nhóm Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), nhằm “chống cự” Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu cho rằng SDF, trong đó phần lớn lực lượng là thành viên của Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), là khủng bố.
Mỹ từng tuyên bố rằng họ sẽ sử dụng SDF làm nòng cốt để thành lập “lực lượng biên giới”, khiến Thổ Nhĩ Kỳ cùng với nhóm Quân đội Syria Tự do (FSA) (do Ankara hậu thuẫn) vội vã ra tay chiếm đóng vùng phía Bắc Syria mà trước đó do SDF kiểm soát.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát vùng Afrin, Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan tuyên bố ông đang tính đến chuyện “dọn dẹp” cả vùng Manbij để loại bỏ YPG/SDF.
Tuyên bố này lập tức khiến liên quân Mỹ phải củng cố vị trí. Hiện tại, khi liên quân Mỹ, Anh, Pháp có mặt tại Manbij làm “trướng mắt” Thổ Nhĩ Kỳ thì các chuyên gia quốc tế dự đoán Syria sẽ trở thành điểm gay gắt nhất trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với khối quân sự NATO và phương Tây.
Theo các hãng tin tức, căn cứ quân sự mà Mỹ và đồng minh xây dựng nằm trải khắp vùng Manbij.
Trong đó, Mỹ có ít nhất hai căn cứ còn Pháp thì sở hữu một. Anh không có cơ sở quân sự nào tại đây, nhưng lính nước này được cho là đang hiện diện trong khu vực và đang hợp tác với Mỹ và Pháp để đóng quân trong vùng.
Helil Bozi, Chỉ huy của Hội đồng Quân sự Manbij của SDF, nói với tờ Sputnik rằng “Mỹ đã triển khai đặc nhiệm tới gần sông Sajur ở gần đó, lập ra đường lằn ranh đỏ, nếu bên nào vượt qua sẽ bị đáp trả lập tức”. Ông này cũng nói rằng hành động trên của liên quân là phản ứng trực tiếp đối với tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ về Manbij.
Chia rẽ Syria
Ngoài mục đích ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ, dường như liên quân Washington còn muốn cản quân đội Chính phủ Syria tái chiếm vùng này.
Hiện tại, lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria đã đánh đuổi thành công các nhóm khủng bố ra khỏi Damascus cũng như nhiều vùng trọng yếu khác trên đất nước, do đó có nhiều khả năng họ sẽ tập trung vào những vùng mà các lực lượng nước ngoài đang chiếm đóng.
Thật vậy, Chính phủ Syria đang tỏ ra rất hứng thú với việc lấy lại những vùng lãnh thổ do liên quân Mỹ kiểm soát trên danh nghĩa người Kurd, bởi nơi đây chiếm tới 95% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt của Srria.
Dưới sự lãnh đạo của người Kurd, một công ty Mỹ chưa xác định danh tính đã khai thác và bán dầu tại khu vực.
Do đó, Mỹ sẽ khó mà chịu rời khỏi đây. Washington cũng ít có khả năng từ bỏ đầu tư vào SDF, và họ đã chịu chi 550 triệu USD để trang bị vũ khí và huấn luyện cho nhóm này trong năm tới.
Ngoài ra, vùng Manbij cũng có nguồn nước khoáng lớn nhất Syria và chiếm hơn 60% diện tích đất nông nghiệp cả nước, biến nó trở thành điều kiện để mặc cả cho tương lai của Syria, một tương lai mà các cường quốc thuộc liên quân hy vọng sẽ gạt bỏ chính quyền hiện tại khỏi vị trí quyền lực bằng một Chính phủ khác thân phương Tây hơn.
Tuy nhiên, mục tiêu ưu tiên nhất của Mỹ dường như không còn là thay đổi chế độ Syria nữa. Họ chuyển sang tìm cách chia rẽ Syria nhằm giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên của quốc gia này ở vùng Đông Bắc và cô lập chính quyền Syria và rộng hơn là đồng minh của họ, Iran.
Mặc dù Mỹ đã mang lại hi vọng cho những người Kurd nhưng có một thực tế là SDF còn có sự tham gia của cả những chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), điều đó cho thấy Mỹ chỉ thực sự hứng thú với việc kiểm soát vùng này hơn là thành lập một quốc gia cho người Kurd.
Nhìn chung, dù được “quảng cáo” là nỗ lực nhằm bảo vệ người Kurd song việc Mỹ, Pháp và Anh thiết lập các căn cứ mới ở Manbij thực sự chỉ là chỗ dựa để liên quân này thực hiện những tham vọng và kế hoạch cho khu vực Trung Đông.