Hôm 27/5 vừa qua, tờ Asharq Al-Awsat của Saudi Arabia cho biết, Mỹ đang cân nhắc đóng cửa căn cứ quân sự Al-Tanf ở Syria, gần biên giới Jordan và Iraq. Ngược lại, quân Chính phủ Syria phải rút quân khỏi khu vực cách vùng biên giới Jordan khoảng 25km. Các phần tử nổi dậy cũng sẽ được chuyển tới vùng do phiến quân kiểm soát ở tỉnh Idlib, đồng thời biên giới Syria-Jordan cũng được mở cửa.
Nội dung thỏa thuận trên là một phần trong đề xuất của Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Satterfield. Trong đó, ông cũng đề nghị tổ chức một cuộc đàm phán ba bên giữa Mỹ, Jordan và Nga nhằm tránh đẩy căng thẳng giữa 2 đối thủ “không đội trời chung” trong khu vực là Israel và Iran lên mức xung đột cao hơn.
Hãng RIA Novosti dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết Moscow “ủng hộ ý tưởng tổ chức một cuộc gặp ba bên ở cấp độ phù hợp đối với các đối tác”.
Trước đó, lực lượng chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad với sự hỗ trợ của Nga và Iran cho hay họ sắp tiến hành một chiến dịch mới nhằm quét sạch các phiến quân đối lập ở vùng Nam Syria. Mỹ và Jordan phản đối kế hoạch trên, đồng thời Wahsington đe dọa sẽ có những biện pháp cứng rắn nếu Damascus vi phạm lệnh ngừng bắn tại vùng này.
Từ lâu, Nga luôn cáo buộc Mỹ sử dụng căn cứ Al-Tanf để “bảo vệ” cho các nhóm thánh chiến như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Mỹ cũng nhiều lần bác bỏ cáo buộc trên và chỉ trích ngược lại Moscow cùng chính quyền Assad gây ra “tội ác chiến tranh”.
Do đó, việc Mỹ đồng ý đóng cửa căn cứ quân sự Al-Tanf như một “cú ghi điểm” đối với Nga trong cuộc chơi ở Trung Đông vì Washington đã có dấu hiệu bắt đầu nhượng bộ.
Với sự giúp đỡ của Nga và Iran, lực lượng quân Chính phủ Syria đã giành lại phần lớn diện tích lãnh thổ. Mới đây nhất, lực lượng đối lập cùng các tay súng cực đoan đã rút ra hoàn toàn khỏi Thủ đô Damascus.
Mục tiêu tiếp theo mà chính quyền Damascus hướng tới là giành lại quyền kiểm soát đối với khu vực tỉnh Daraa, gần biên giới Jordan và Cao nguyên Golan hiện đang do Israel kiểm soát. Vì thế, việc lính Syria đóng quân tại vùng này cùng với sự có mặt của các chiến binh do Iran hậu thuẫn có khả năng sẽ đẩy xung đột Iran-Israel lên mức cao hơn.
Trong 7 năm diễn ra cuộc chiến ở Syria, Israel luôn giữ thái độ trung lập, song nước này cũng từng nhiều lần khởi động các cuộc không kích nhằm vào lực lượng thân Iran. Mới đây nhất, Israel cũng được cho là đã tấn công nhằm vào nhiều mục tiêu Iran đóng tại Syria – biến nó trở thành cuộc xung đột lớn nhất giữa Israel và Iran kể từ chiến tranh năm 1973.
Tình thế hiện tại đang đẩy Nga vào thế khó, khi Mỹ là đồng minh thân thiết với Israel thì Nga lại phải đứng giữa một bên là đồng minh chiến lược Iran và một bên là Israel, quốc gia Do Thái mà Moscow cũng thiết lập quan hệ trong khu vực Trung Đông.
Xem thêm: Nga tạo vũ khí chiến tranh điện tử mới nhờ tên lửa Tomahawk “xịt” của Mỹ