Vào cuối năm 2017, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã gọi lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn là “những kẻ phản bội". Ông khẳng định: “Tất cả những kẻ hoạt động dưới sự lãnh đạo của nước ngoài ở trên chính đất nước mình và chống đối lại quân đội, người dân của nước mình đều là những kẻ phản bội, bất kể đó là ai. Đó là đánh giá của chúng tôi về những nhóm người làm việc cho Mỹ ở Syria”.
Vài giờ sau tuyên bố của ông Assad, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), dẫn đầu bởi các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Kurd, trả lời: “Chính quyền Tổng thống Assad đang mở cửa đón khủng bố”.
Tuy nhiên, tình trạng lời qua tiếng lại cũng nhanh chóng thay đổi, và hai bên bắt đầu “tán tỉnh” chính trị. Tới thời điểm hiện tại, mọi việc đã hoàn toàn thay đổi. Hội đồng Dân chủ Syria Kurd (SDC) – lực lượng chính trị của SDF – đã công bố kế hoạch về chuyến làm việc đầu tiên tới Damascus nhằm đàm phán với chính quyền Tổng thống Assad.
Chuyến làm việc nhằm thảo luận về các vấn đề chính trị và quân sự liên quan tới các vùng đất đang nằm dưới sự kiểm soát của SDF ở Bắc Syria. Ông Riad Darar, Chủ tịch của SDC, nói với hãng tin Reuters các cuộc đàm không có điều kiện tiên quyết từ phía SDF.
Lý do SDF trở lại “kết bạn” với chính quyền Assad
Quan điểm “xoay trục” của SDF không đến một cách ngẫu nhiên. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến người Kurd quay lại hòa giải với quân Chính phủ Syria là do một số yếu tố liên quan tới điều kiện trong nước và quốc tế.
Một số nhà quan sát cho rằng SDF đang lo sợ trước khả năng mở rộng hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng phía Đông sông Euphrates. Do đó, SDF buộc phải vội vã đàm phán với chính quyền Tổng thống Assad để tránh khả năng bị Ankara tấn công. (Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay luôn coi SDF là khủng bố và luôn tìm cách gạt nhóm người này ra khỏi vùng biên giới Syria-Thổ thông qua các chiến dịch như Khiên Euphrates hay Nhành Oliu).
Trong khi đó, một số chuyên gia quốc tế khác lại tin rằng lý do khiến SDF “đổi hướng” sang chính quyền Assad là vì họ đã hiểu ra sự thật rằng Mỹ sẽ từ bỏ họ và không ủng hộ, không can thiệp vào các hoạt động của lực lượng người Kurd nữa.
Một số nhà quan sát lại tin rằng chính Nga đã đứng ra dàn xếp thỏa thuận này giữa hai bên nhằm mục đích phục hồi vị trí của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, giúp quân đội Chính phủ Syria kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đất nước. Moscow đã thực hiện chính sách này sau khi đạt được một số thỏa thuận với Mỹ, đặc biệt sau hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin vừa diễn ra tại Phần Lan.
Trái với những gì các nhà phân tích đã lưu ý phía trên, theo tờ Syrian Observer, động thái của SDF xuất hiện sau khi Tổng thống Bashar al-Assad đưa ra 2 lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất, theo ông Assad, là “mở cửa cho các cuộc đàm phán vì phần lớn SDF là người Syria và họ cũng có lòng yêu nước và không muốn trở thành đồ chơi trong tay những thế lực bên ngoài.
Lựa chọn thứ hai là lực lượng quân đội Syria sẽ giành quyền kiểm soát tại các khu vực SDF đang hoạt động bằng vũ lực. “Nếu họ không chọn phương án đầu tiên, chúng tôi sẽ giải phóng các khu vực này bằng vũ lực – và chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác, kể cả có người Mỹ ở đó hay không, thì cũng không còn sự lựa chọn nào nữa”, ông Assad nói.
Dù các cuộc đàm phán chưa bắt đầu song SDF đã bày tỏ mong muốn hòa bình khi SDC trao trả hài cốt 44 lính của lực lượng Chính phủ thiệt mạng tại Raqqa như một “sáng kiến nhân đạo”. Hội đồng Dân chủ Syria SDC nói rằng “thi thể của họ dược phát hiện trong một ngôi mộ tập thể ở phía Bắc Raqqa”.
Số phận Idlib
Các chuyên gia tin rằng sự thay đổi đầy bất ngờ của người Kurd sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số phận của cuộc chiến tại Syria, ít nhất là ở những chiến trường còn lại. Nó cũng ảnh hưởng tới việc ra quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ. Giới quan sát nhận định rằng trong bối cảnh này, rõ ràng “lá bài” người Kurd đã được chuyển từ tay Mỹ sang Nga, cho phép Nga gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo một nguồn tin giấu tên, Thổ Nhĩ Kỳ biết rằng vấn đề người Kurd nay đã nằm trong tay Moscow và phía Ankara sẵn sàng nhượng bộ trước Nga cũng như Syria để giải quyết vấn đề người Kurd theo một cách thỏa mãn Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia luôn lo lắng về nguy cơ thành lập một tổ chức của người Kurd ở ngay sát vách biên giới.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sẵn sàng đáp ứng toàn bộ yêu cầu của Moscow để đối lấy việc xóa bỏ ước mơ thành lập một liên đoàn người Kurd trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đe dọa an ninh của Ankara.
Có hai vấn đề chính mà Ankara và Moscow đều muốn giải quyết. Đầu tiên là vấn đề người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ mà phía Moscow luôn muốn cho hồi hương; và thứ hai là số phận của Idlib, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ bởi các quan sát điểm do Thổ Nhĩ Kỳ và Nga thiết lập, và Nga mong muốn họ sẽ kiểm soát hoàn toàn để trục xuất các phần tử đối lập ra khỏi vùng.
Tình thế đó có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ nhượng bộ trước Nga, tờ Syrian Observer kết luận.
Xem thêm: Thực hư thông tin phiến quân SDF bắt tay hợp tác với quân Syria ở Idlib