Nắm rõ mục tiêu chung của Mỹ và Israel
Hạn chế quyền lực của Iran đã trở thành mục tiêu chính duy nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Syria, khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gần như đã bị đánh bại. Tổng thống Trump dường như đã sẵn sàng chấp nhận chính sách trong đó chấp nhận sự tồn tại của chính quyền Assad và “từ bỏ” các nhóm phiến quân đối lập mà Washington từng huấn luyện và tài trợ.
Chính sách Syria của Tổng thống Donald Trump bị “dội đi dội lại” như một quả bóng bàn, theo nhận định của Washington Post. Yếu tố nhất quán duy nhất trong chính sách của chính quyền Donald Trump là ông tỏ ra không tin tưởng bất kỳ sự cam kết quân sự nào về Trung Đông mà những người tiền nhiệm của ông, George W. Bush và Barack Obama, từng đưa ra. Từng bước một, dường như Tổng thống Trump đang đảo lộn toàn bộ những công việc mà các chính quyền trước đây theo đuổi.
Quá trình thảo luận ngoại giao về Syria xuất hiện khi Tổng thống Trump đang chuẩn bị cho cuộc gặp ngày 16/7 sắp tới với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Các quan chức ngoại giao vẫn chưa rõ chương trình nghị sự cho cuộc gặp này sẽ bao gồm những gì, song vấn đề Syria có thể sẽ được mang ra bàn thảo.
Một khía cạnh tương đối mới mẻ và hấp dẫn của thỏa thuận Syria lần này là nó được thúc đẩy bởi sự hợp tác chặt chẽ giữa Nga và Israel. Vấn đề mà Israel chú ý, giống như của chính quyền Donald Trump, chỉ gói gọn trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của Iran, và dường như phía Tel Aviv đã đưa ra được kết luận rằng ông Putin là một đối tác khu vực đáng tin cậy. Israel đã sẵn sàng hợp tác với Nga để giải quyết ổn thỏa vấn đề Syria.
Các chuyên gia quốc tế, quân sự của Israel, châu Âu và Mỹ đã phác thảo một số điểm chính yếu có thể xuất hiện trong khung thảo luận về Syria giữa các bên. Để đổi lấy việc Mỹ không yêu cầu chuyển đổi chính trị ở Syria, Nga sẽ hỗ trợ bằng những biện pháp khác nhau nhằm kiềm chế quyền lực của Iran, bao gồm những điểm sau:
- Các lực lượng do Iran hậu thuẫn luôn phải duy trì ở vị trí cách biên giới Israel 80km, tính từ Cao nguyên Golan.
- Israel sẽ nhận được sự đồng thuận ngầm từ Nga, cho phép tấn công, đe dọa Iran tại Syria, miễn là không ảnh hưởng tới quân nhân Nga. Trên thực tế, trong những tuần gần đây, Israel đã tận dụng “quyền tự do hành động” này để tấn công những căn cứ bí mật của Iran và ngăn chặn nỗ lực của Tehran nhằm mở một “mặt trận thứ hai” ở Syria để cản hành động của Israel với lực lượng Hezbollah ở Lebanon.
- Quân đội Chính phủ Syria của Tổng thống Assad, với sự hỗ trợ của Không quân Nga, sẽ củng cố quyền kiểm soát ở phía Tây Nam Syria và tái chiếm các vị trí ở biên giới Jordan. Jordan sẽ ủng hộ quyền kiểm soát của Chính phủ Assad với vùng biên giới bởi vì nước này sẽ được lợi ích về kinh tế sau khi các tuyến đường xe tải được nối lại.
- Lực lượng cảnh sát quân đội Nga sẽ tuần tra ở những khu vực phía Tây Nam Syria và có thể ở một số khu vực khác nữa để đảm bảo sự ổn định ở các vùng này. Nhưng một nhà ngoại giao châu Âu đã cảnh báo rằng bất kỳ sự kỳ vọng nào về việc Nga sẽ duy trì lực lượng an ninh ở đây đều “dựa trên những suy nghĩ viển vông hơn là thực tế”. Về phần mình, Washington sẽ duy trì đơn vị đồn trú ở Al-Tanf ở phía Nam Syria nhằm chặn đường lực lượng Iran tại đây.
- Nga và chính quyền Tổng thống Assad sẽ mở rộng tiếp cận với các lực lượng người Kurd Syria ở phía Đông Bắc Syria, tại những vùng mà người Kurd đã hợp tác thành công với đặc nhiệm Mỹ để đánh bại IS trước đây. Các chỉ huy quân sự Mỹ hy vọng rằng quân đội nước này có thể ở lại thêm 18 tháng nữa. Nhưng ông Trump đã thể hiện thái độ mất kiên nhẫn với sứ mệnh này.
Các nhà lãnh đạo phe đối lập Syria đang tỏ ra rất thất vọng trước thỏa thuận đang được hình thành, và một người từng cảnh báo rằng “sự phản bội” của Mỹ sẽ là vườn ươm cho các phong trào thánh chiến trong tương lai. Các quốc gia châu Âu, vốn đóng vai trò đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Syria, thì đang tỏ ra hoài nghi trước kế hoạch bài Iran. “Anh và Pháp đã cảnh báo Mỹ rằng khó có khả năng sự hiện diện của Nga lại có thể khiến Iran rời khỏi những vùng đất mà họ đang đóng quân”, một nhà ngoại giao châu Âu cho biết.
Mỹ sẵn sàng buông bỏ
Sự sẵn lòng của ông Trump trong việc thừa nhận quyền lực của Nga tại Syria và từ bỏ những lợi ích của Mỹ đã khiến giới chức Lầu Năm Góc gặp nhiều khó khăn, nhưng dường như nay họ cũng đã thực sự muốn bỏ cuộc để lại chiến thắng cho Nga.
Khi ông Putin trên đường tới hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Mỹ Donald Trump, có thể nói rằng ông đã có “lối chơi” rất khéo léo ở Syria để khiến Washington phải dần buông bỏ. Nga đang trở thành nhân tố chính giúp cân bằng khu vực, đóng một vai trò mà trước đây Mỹ luôn tự hào giữ vị thế độc tôn. Bằng cách nào đó, Moscow đã duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với cả Iran và Israel, đồng thời gia tăng hợp tác với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Kremlin đã đàm phán với cả người Kurd ở Syria và đối thủ “không đội trời chung” của lực lượng này - Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiến lược của ông Putin ở Syria cho thấy dường như ông đang áp dụng những chiến lược quân sự - ngoại giao một cách tinh tế và khéo léo. Ông Putin đã giúp nước Nga giành được vị trí quyết định ở Syria với chi phí bỏ ra ở mức tối thiểu, và bây giờ là với một ông Trump đã sẵn sàng xác nhận chiến thắng của Nga tại khu vực này.
Xem thêm: Lý do Mỹ “lặng thinh” khi Nga-Syria phá vỡ lệnh ngừng bắn tại Nam Syria