Thế trận giằng co
Các nhóm phiến quân đối lập ở vùng Hammouriyeh vừa lần đầu tiên đồng ý với một thỏa thuận của Chính phủ Syria, rời khỏi quận Đông Ghouta, trong chiến dịch cách mạng lớn nhất nhằm giải phóng khu vực này, kể từ sau thất bại của các tay súng cực đoan ở Aleppo vào năm 2016.
Đài truyền hình quốc gia Syria đã quay cảnh lá cờ nước này tung bay trên quảng trường trung tâm vùng Hammouriyeh. Cùng với đó là hình ảnh những gương mặt của nhiều người dân vui mừng trước sự xuất hiện của các binh sĩ Chính phủ tại đây.
Vùng đất trên là một trong những thành trì cuối cùng của các phiến quân, giờ đây gần như bị chia ra thành hai nửa, khiến hàng ngàn người dân bên phía Tây không thể liên lạc được với phía Đông.
Trong khi đó, Chính phủ cho hay, khoảng 30 đến 40% lãnh thổ đã được tái chiếm kể từ khi bắt đầu chiến dịch ở vùng Đông Ghouta vào giữa tháng Hai. Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) cũng cho hay hiện quân ủng hộ Assad đang kiểm soát hơn 50% Ghouta.
Trong bối cảnh các cuộc giao tranh chưa có xu hướng giảm, hàng trăm chiến binh ủng hộ Chính phủ đã được tái triển khai tới các vùng tiền tuyến ở Ghouta từ nhiều vị trí khác nhau tại Syria.
“Ít nhất 700 chiến binh trung thành với chính quyền Assad có nguồn gốc Afghanistan, Palestine và Syria rời Aleppo và tới Ghouta vào cuối ngày 6/3”, Rami Abdel Rahman, người đứng đầu SOHR cho hay.
Chiến dịch lần này tại Đông Ghouta dường như vẫn theo đường hướng chiến lược cũ mà quân Chính phủ cùng lực lượng đồng minh đã từng sử dụng nhiều lần trước đây:
Vây hãm các vùng đất do phiến quân kiểm soát, sử dụng pháo kích và không kích sau đó giao tranh trực tiếp trên mặt đất với các tay súng, mở hành lang an toàn cho dân thường và những chiến binh đầu hàng rời khỏi vùng chiến sự.
Đông Ghouta là địa điểm đặc biệt quan trọng bởi vùng đất này nằm sát nách Thủ đô Damascus, “thủ phủ” của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo Telegraph, khoảng 810 dân thường đã thiệt mạng kể từ khi chiến dịch được khởi động, ít nhất 250 trong số đó mất mạng sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết về lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria nhưng tỏ ra không có tác dụng.
Các cuộc không kích và pháo kích vẫn tiếp tục dội xuống mạnh mẽ ở những vùng ngoại ô Damascus vào hôm qua 7/3, khiến khoảng 45 người thương vong.
Cuộc chiến bước vào "giai đoạn kinh hoàng mới"
“Tình hình rất thê thảm”, một vị bác sĩ đang hoạt động tại vùng do phiến quân chiếm đóng nói.
Các điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc đang kêu gọi Chính phủ Syria cam kết thỏa thuận ngừng bắn để đưa đoàn cứu trợ vào, cùng với thuốc men và thực phẩm đã bị kẹt ở vùng ngoài chiến sự từ hôm đầu tuần.
Đây là đoàn viện trợ đầu tiên tiếp cận được với vùng ngoại ô Damascus kể từ giữa tháng Hai.
Đó cũng là đoàn hỗ trợ nhân đạo thứ hai trong năm 2018 tới được vùng đất này, nơi mà Liên Hợp Quốc cho hay có khoảng 400.000 dân thường đã hoàn toàn cạn kiệt nguồn thức ăn và không được hỗ trợ y tế thậm chí từ trước khi chiến dịch diễn ra.
Zeid al-Hussein, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc, cho hay cuộc chiến đang bước vào “giai đoạn kinh hoàng mới” và cho rằng tuyên bố của Chính phủ Syria về việc sẽ làm tất cả để bảo vệ dân thường là “lố bịch”.
Trong khi đó, quân Chính phủ Syria và các lực lượng đồng minh cho rằng các lệnh ngừng bắn không áp dụng đối với các chiến dịch chống khủng bố, và họ cho rằng các nhóm phiến quân đối lập là các lực lượng khủng bố.
Xem thêm: Bí ẩn nguyên nhân máy bay An-26 của Nga bị rơi tại Syria