Trong một tuyên bố được đưa ra vào cuối ngày 22/9, lực lượng đối lập mang tên Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF), một nhóm phiến quân do Ankara hậu thuẫn, cho hay họ sẽ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, nhưng từ chối việc giao nộp hoàn toàn vũ khí.
“Chúng tôi sẽ không từ bỏ vũ khí, lãnh thổ và cuộc cách mạng của mình” nhằm chống lại lực lượng quân đội Chính phủ Syria, nhóm này cho hay.
Đầu tháng này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã gặp mặt tại khu nghỉ dưỡng Sochi ở Biển Đen và thông báo một thỏa thuận về Idlib – nơi được coi là thành trì khủng bố cuối cùng tại Syria.
Sau đó, ông Putin nói với phóng viên trong một cuộc họp báo chung với ông Erdogan cho hay họ đã đồng ý thiết lập một vùng phi quân sự từ 15 – 20km tại Idlib dọc theo đường ranh giới giữa phe đối lập và quân Chính phủ Syria cho tới ngày 15/10 tới.
Thỏa thuận này có liên quan tới việc các chiến binh “cực đoan hóa” phải rút đi khỏi khu vực, trong đó có cả nhóm al-Nusra Front, ông nói thêm.
Ông Erdogran cho hay cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ tiến hành tuần tra quân sự phối hợp ở biên giới vùng đệm trong một nỗ lực nhằm phát hiện, ngăn chặn “sự khiêu khích của bên thứ ba và vi phạm thỏa thuận”.
Vào hôm 21/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow và Ankara đã nhất trí về biên giới khu phi quân sự tại Idlib.
Tuy nhiên, nhóm chiến binh Huras al-Din (gồm các phần tử thánh chiến nước ngoài) đã từ chối việc thiết lập vùng an toàn trên.
Các đơn vị của nhóm chiến binh này cũng khuyên nhủ từng thành viên rằng “đang trong giai đoạn nguy hiểm và quyết định nên cần phải bắt đầu chống lại các hoạt động quân sự chống kẻ thù nhằm cản trở kế hoạch của họ”.
Trong khi đó, Tahrir al-Sham, nhóm khủng bố Takfiri mạnh nhất tại Idlib, vẫn chưa đưa ra tuyên bố về lập trường thỏa thuận Idlib.
Idlib là nơi ẩn náu của nhiều nhóm chiến binh được nước ngoài tài trợ, do đó không thể tách các nhóm cực đoan và các phần tử ôn hòa ra khỏi nhau tại Idlib như mô tả của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong những tuần gần đây, quân đội Syria đã chuẩn bị cho quá trình giải phóng Idlib với sự ủng hộ Nga và Iran nhưng Thổ Nhĩ Kỳ phản đối vì cho rằng có thể gây ra thảm họa nhân đạo, mà trước mắt là dòng người tị nạn đổ về Thổ Nhĩ Kỳ.
Xem thêm: Tuyên bố cứng rắn của Bộ trưởng Quốc phòng Israel về vụ bắn hạ máy bay Nga