Hãng tin Reuters trích dẫn bản ghi nhớ của Chính phủ Mỹ cho hay quân đội Nga đã đề nghị được hợp tác cùng với các lực lượng vũ trang Mỹ trong việc xây dựng lại quốc gia Syria đã bị tàn phá bởi chiến tranh.
Theo đó, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga Valery Gerasimov đã liên lạc với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ Joseph Dunford vào ngày 19/7 vừa qua, đề nghị hai phía cùng hợp tác giúp Syria tái thiết và đưa người tị nạn nước này hồi hương. Đây là lần đầu tiên phía Nga “xuống nước” đưa ra đề xuất này, nhưng chi tiết sự việc vẫn chưa được tiết lộ.
“Đề xuất trên cho rằng chính quyền Syria hiện thiếu trầm trọng trang thiết bị, nhiên liệu và các phương tiện cần thiết, đặc biệt là tài chính, để xây dựng lại quốc gia và đưa người tị nạn trở về nước”, bản ghi nhớ nêu.
Xét trên sắc thái của bản ghi nhớ, hãng tin Reuters cho rằng đề xuất của Nga đã nhận được “sự phản ứng lạnh nhạt từ Washington”.
“Mỹ sẽ chỉ hỗ trợ người tị nạn hồi hương nếu họ là những đối tượng an toàn, tự giác và đứng đắn”, bản ghi nhớ nêu, đồng thời ra điều kiện rằng Washington sẽ chỉ hợp tác nếu cuộc chiến 7 năm ở Syria có thể dẫn tới một giải pháp có sự theo dõi của Liên Hợp Quốc và có thể được đảm bảo ở quốc gia Trung Đông này.
Văn phòng của Tướng Mỹ Dunford từ chối bình luận về liên lạc này của phía Nga.
“Theo thông lệ truyền thống, các vị tướng (của Nga và Mỹ) đã đồng ý giữ kín nội dung các cuộc trao đổi giữa họ”, phát ngôn viên của văn phòng Tướng Dunford cho hay.
Việc Mỹ hờ hững với đề nghị của Nga là một điều dễ hiểu. Washington cùng các quốc gia phương Tây ngay từ đầu cuộc chiến đã duy trì quan điểm không chấp nhận sự có mặt của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong vai trò lãnh đạo Nhà nước. Do đó, phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đã tích cực hỗ trợ cho các lực lượng mà họ gọi là “đối lập ôn hòa” nhằm lật đổ chính quyền Assad.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Washington cùng đồng minh đang phải làm quen với sự thật rằng vị thế của ông Assad ngày càng được củng cố sau những thắng lợi trên chiến trường nhờ có sự trợ giúp cực kỳ tích cực của phía Nga.
Việc phương Tây chứng kiến ông Assad ngồi vững ở vị trí lãnh đạo tại Syria đã khiến họ đủ “tức giận”, nay đề nghị Mỹ cùng đồng minh giúp đỡ Damascus tái thiết đất nước là điều không hề dễ dàng.
Ngoài ra, rất khó để Moscow hợp tác với Washington trong bối cảnh hai bên gần như đối đầu với nhau tại chiến trường Syria và quan hệ cũng gặp nhiều trắc trở trên nhiều phương diện.
Quân đội Nga và Mỹ có một đường dây nóng liên lạc trong những trường hợp cấp bách nhằm tránh đụng độ quân sự tại Syria. Tuy nhiên, thông qua đề nghị lần này của phía Nga có thể thấy rằng kênh này còn có thể được sử dụng để thảo luận những vấn đề không liên quan tới quân sự, theo Reuters.
Tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Phần Lan vừa diễn ra, hai nhà lãnh đạo đều tập trung vào vấn đề làm thế nào để đưa người tị nạn Syria về nước.
Do đó, đề nghị từ phía ông Gerasimov đối với Mỹ lần này được coi như một phương pháp của phía Nga nhằm làm rõ hơn các hành động cụ thể mà hai quốc gia cần thực hiện sau hội nghị Trump-Putin.
Nội chiến Syria bùng nổ từ năm 2011 giữa chính quyền Tổng thống Assad và phe đối lập. Tuy nhiên, sự việc trở nên phức tạp hơn khi các quốc gia như Nga, Iran, Mỹ và đồng minh phương Tây bắt đầu đưa quân đến để ủng hộ cho các phe đối lập nhau. Nga, Iran sát cánh cùng chính quyền Tổng thống Assad, trong khi phía Mỹ và phương Tây hậu thuẫn cho các phần tử đối lập.
Dù đưa quân vào Syria từ sớm với mục tiêu “diệt khủng bố Hồi giáo cực đoan IS” song phía Mỹ và đồng minh phương Tây không đạt được những kết quả ấn tượng tại chiến trường như Nga. Moscow đã khiến khủng bố tổn thất nặng nề, đồng thời hạ gục nhiều phiến quân đối lập và giúp chính quyền Tổng thống Assad ngày càng có chỗ đứng vững chắc hơn không chỉ về mặt quân sự mà còn về chính trị.
Xem thêm: "Mối họa nhãn tiền" mà Thổ Nhĩ Kỳ e ngại nhất ở Syria