Hãng thông tấn quốc gia Syria (SANA) dẫn lời một quan chức bộ Ngoại giao nước này cho hay, lực lượng SAA sẽ cản trở “âm mưu của Mỹ và kết thúc sự hiện diện của Washington cùng các “công cụ” của họ ở Syria, thiết lập sự kiểm soát toàn diện với lãnh thổ Syria và bảo vệ chủ quyền đất nước”.
Hiện tại, Washington duy trì khoảng 2.000 lính ở Syria, Lầu Năm Góc từng khẳng định lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục hậu thuẫn các lực lượng chống IS cho tới khi các nhóm cực đoan bị đánh bật.
Tuyên bố của Syria được đưa ra sau khi liên quân do Mỹ dẫn đầu chống IS thông báo kế hoạch nhằm tăng cường an ninh biên giới ở khu vực, một động thái mà giới chức Syria và Thổ Nhĩ Kỳ gọi là “làm bất ổn định khu vực”.
“Liên quân đang hợp tác với phiến quân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) nhằm thiết lập và huấn luyện Lực lượng Bảo vệ Biên giới Syria (BSF).
Hiện tại, có khoảng 230 người đang huấn luyện trong lớp đầu tiên, với mục tiêu cuối cùng là quy mô khoảng 30.000 người”, một phát ngôn viên của liên quân Mỹ cho hay.
Lực lượng Dân chủ Syria hiện có khoảng 50.000 lính, tập hợp lực lượng chiến binh người Kurd và Arab, là lực lượng chính Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống IS.
Giới chức Syria nói rằng, quyết định của Mỹ “phù hợp với chính sách phá hoại của Washington nhằm khiến khu vực trở nên đứt gãy, thổi bùng những căng thẳng và xung đột, gây trở ngại trong việc tìm kiếm giải pháp cho cơn khủng hoảng đang diễn ra”.
“Bất cứ công dân Syria nào tham gia vào lực lượng chiến binh do Mỹ hậu thuẫn đều bị bộ Ngoại giao coi là kẻ phản quốc, sẽ bị đối xử như một kẻ phản bội, bởi lực lượng chiến binh trên sẽ gây cản trở cho giải pháp chính trị đối với tình hình Syria”, SANA đưa tin.
Cũng vào hôm 15/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc Mỹ đã “xây dựng đội quân khủng bố” ở khu vực biên giới giữa nước này và Syria.
Cả Damascus và Ankara phản đối kế hoạch xây dựng lực lượng an ninh biên giới của liên quân Mỹ. Họ coi sự hiện diện của nhóm này chính là hành động hỗ trợ, củng cố gián tiếp cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) nhằm chiếm giữ phần lớn lãnh thổ thu về được từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở phía Đông sông Euphrates.
Về phần mình, liên quân Mỹ khẳng định, lực lượng biên giới chỉ tập trung duy nhất vào nhiệm vụ an ninh chứ không thực hiện các hoạt động biên giới khác như hải quan hay nhập cư.
“Lực lượng này được thành lập nhằm thiết lập an ninh, giúp duy trì chiến thắng trước IS, phòng ngừa tổ chức cực đoan này tái nổi dậy, đồng thời hạn chế dòng chảy khủng bố vào Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ hay châu Âu”, phát ngôn viên của liên quân Mỹ, Đại tá Ryan Dillon, cho biết.
Trước đây, lực lượng do Mỹ hậu thuẫn từng nhiều lần giao tranh với quân Chính phủ Syria, tiến hành các đợt không kích nhằm vào lực lượng này.
Washington cho rằng SAA là một mối đe dọa đối với các căn cứ quân sự của Mỹ và đã bắn hạ một máy bay Syria vào hồi tháng 6/2017 sau khi binh sĩ Syria đánh bom vào SDF.
Xem thêm: Syria: Hàng ngàn chiến binh ồ ạt tràn về Idlib đấu súng với quân SAA