Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho hay “đã có mùi nồng nặc xuất hiện sau khi trực thăng của lực lượng Chính phủ Syria tấn công nhiều khu vực ở tỉnh Idlib, khiến 5 dân thường bị ngạt thở”.
SOHR cũng dẫn các nguồn tin y tế và dân thường cho rằng “khí độc” đã được sử dụng trong cuộc tấn công mà không nêu rõ chi tiết. Một số nguồn tin cho rằng đây là một vụ tấn công bằng khí clo nhằm vào vị trí của các phiến quân đối lập đang hoạt động tại Syria.
Tờ Arab News cũng dẫn nguồn SOHR cho hay, các cuộc không kích của quân Syria đã khiến 6 dân thường thiệt mạng ở thị trấn Kafr Nabi, gần vùng nông thôn Maaret al Numan ở phía Nam tỉnh Idlib. Thêm vào đó, 4 công dân Syria đã thiệt mạng sau một vụ đánh bom ở vùng Maaret al Numan và Maasarin.
Chưa hết, SOHR tiếp tục cáo buộc “máy bay được cho là của Nga đã tấn công bệnh viện lớn tại vùng Maaret al Numan gây ra thiệt hại lớn”.
Sau khi có thông tin về vụ việc, phía Washington đã lên tiếng khẳng định Mỹ muốn gửi tới một thông điệp tới chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và Moscow rằng “đã quá đủ”.
Trước đó, một quan chức cấp cao của Mỹ khẳng định các biện pháp quân sự chống lại Damascus tương tự như hồi tháng 4/2017 luôn được cân nhắc và có thể sẽ được thực hiện.
Ông Trump “không loại trừ bất kỳ khả năng nào”, quan chức trên nói. “Sử dụng lực lượng quân sự luôn được xem xét”.
Về phần mình, bộ Ngoại giao Syria lên án những cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học của phái Mỹ. Damascus khẳng định những khẳng định của Mỹ là không có căn cứ.
"Bộ Ngoại giao Syria đã lên án các cáo buộc không có căn cứ của Mỹ đối với việc sử dụng vũ khí hóa học của Syria ", hãng thông tấn SANA trích dẫn.
Những tranh cãi qua lại giữa Nga-Mỹ-Syria và các lực lượng liên quan xung quanh vấn đề vũ khí hóa học cho tới nay vẫn chưa có hồi kết.
Dấu mốc kinh hoàng về vụ tấn công bằng khí độc Sarin làm hơn 80 người thiệt mạng là vào ngày 4/4 năm ngoái, ở Khan Shaykhun, tỉnh Idlib.
Dù Mỹ và các lực lượng đối lập liên tục khẳng định, đây là hành động của Syria nhưng chưa bao giờ đưa ra được chứng cứ để củng cố cho cáo buộc của mình.
Từ năm 2014, Syria đã giao nộp toàn bộ kho vũ khí hóa học của mình và một phái bộ chung giữa Liên Hợp Quốc, Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) đã tiến hành giám sát việc tiêu hủy toàn bộ số vũ khí này.