Theo TASS, thông tin trên được Thiếu tướng Alexander Novikov, người đứng đầu cục Xây dựng và Phát triển UAV của bộ Tổng tham mưu Nga chia sẻ.
Theo ông Alexander Novikov, công nghệ thô sơ không thể tạo ra những chiếc máy bay không người lái này. Người sản xuất ra chúng chắc chắn phải là các chuyên gia được đào tạo đặc biệt ở những nước sản xuất và vận hành hệ thống có sử dụng thiết bị không người lái.
Những máy bay này cũng phải sử dụng phần mềm đặc biệt để có thể đạt tốc độ bay, đường bay chuẩn cũng như để thu thập thông tin chính xác về mục tiêu. Và theo Tướng Novikov, những thông tin trên mạng không thể giúp người ta thực hiện được điều này.
Thêm nữa, chất nổ được sử dụng trong những quả bom ở các máy bay không người lái tấn công 2 căn cứ của Nga ở Syria không thể sản xuất dễ dàng. Chỉ một số nước mới có thể sản xuất chất nổ có sức công phá lớn như vậy. Trong các nước có thể sản xuất là Ukraine.
Thuốc nổ trong các loại bom được những chiếc UAV mang theo tấn công căn cứ Khmeimim và Tartus không thể được sản xuất trong các điều kiện tạm thời.
"Phân tích ban đầu cho thấy, loại chất nổ chính sử dụng trong các quả bom đó là pentaerythritol tetranitrate (hay còn được gọi là PENT, PENTA hoặc TEN), loại có sức công phá lớn hơn hexogen. Chất nổ này được sản xuất ở nhiều nước, gồm cả nhà máy hóa chất Shostka của Ukraine", ông Novikov cho biết.
Lực lượng chức Nga cũng đang thử nghiệm đặc biệt với hy vọng tìm ra nguồn gốc của chất nổ đó.
Theo Tướng Novikov, một trong những chiếc máy bay không người lái tấn công các căn cứ Nga ở Syria đã được trang bị máy quay video.
“Những vũ khí mà các máy bay không người lái đó mang theo cũng rất đáng chú ý. Chúng là những thiết bị gây nổ, nặng khoảng 400gr, được trang bị các loại vòng bi có bán kính tấn công lên tới 50m”, ông Novikov nhận định.
Bộ Quốc phòng Nga đã nắm được lộ trình của các máy bay không người lái tấn công căn cứ của nước này ở Syria và khẳng định chúng được phóng từ cùng một địa điểm.
Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Nga tại căn cứ Hmeimim và Tartus giúp phát hiện và tiêu diệt vũ khí của khủng bố bằng các biện pháp hỏa lực và chiến tranh điện tử, ông Novikov cho biết.
“Bộ Quốc phòng Nga luôn giám sát việc sử dụng tất cả các loại vũ khí và phần mềm quân sự của các nhóm khủng bố trên lãnh thổ Syria, đồng thời nghiên cứu phát triển các biện pháp đối phó phù hợp”, ông Novikov chia sẻ thêm.
Nga cũng có hệ thống bảo vệ, đối phó với việc khủng bố sử dụng máy bay không người lái ở căn cứ Hmeimim và Tartus như các phương tiện phát hiện, tiêu diệt hay khắc chế. Và chính các biện pháp này đã giúp Nga ngăn chặn vụ tấn công của 13 máy bay không người lái vào căn cứ Hmeimim và Tartus đêm 6/1.
Các tay súng phiến quân gần đây đã sử dụng máy bay không người lái chủ yếu cho các mục đích do thám và phần lớn đó là những loại tự chế, được lắp ráp từ các thiết bị bán ngoài thị trường.
Nhưng qua vụ căn cứ Nga ở Syria bị tấn công cho thấy "việc sử dụng máy bay không người lái cho các mục đích khủng bố đang là một mối đe dọa thực sự với bất cứ nơi nào trên thế giới chứ không chỉ riêng ở Syria”.
Tổng thống Nga Putin cho biết, ông đã biết thủ phạm tấn công nhằm vào căn cứ quân sự của Nga tại Syria.
“Có những kẻ khiêu khích ở đó nhưng họ không phải là người Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi biết thủ phạm là ai. Chúng tôi biết họ đã chi ra bao nhiêu tiền và thuê tổ chức nào thực hiện các hành động khiêu khích này. Những sự khiêu khích này trước hết là nhằm để phá vỡ các thỏa thuận trước đó. Ngoài ra, họ muốn nhằm vào mối quan hệ của chúng tôi với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ và Iran”, ông Putin cho biết.
Xem thêm >> Syria: Quân tinh nhuệ Palestine tràn vào Idlib với vũ khí Mỹ sát cánh chiến đấu cùng SAA