Với lực lượng cũng như các hệ thống vũ khí tiên tiến như các hệ thống tên lửa chống hạm Bastion P-300, Redut, Rubezt; các hệ thống phòng không S-300, S-125 Pechora, HQ-09, Pansir…, Syria là đối thủ không hề dễ nhằn với Mỹ và phương Tây. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào tinh thần, ý chí chiến đấu của các lực lượng quân sự Damacus.
Hệ thống phòng không Pansir
Lực lượng Mỹ và Phương Tây:
Hải quân Mỹ đang sắp xếp lại vị trí một số tàu, trong đó có 4 tàu khu trục tên lửa USS Gravely, USS Ramage, USS Barry cũng như USS Mahan, và có thể cả một tàu ngầm tên lửa ở phía đông Địa Trung Hải. Mỹ còn có các căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, có thể được dùng để tấn công. Hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Harry Truman cũng ở trong khu vực, tại vịnh Persian và gần vịnh Aden.
Tàu khu trục tên lửa USS Gravely
Các khu trục lớp Arleigh Burke có 90 (lớp flight 1) hoặc 96 (lớp flight 2) ống phóng thẳng đứng có thể phóng đi nhiều loại tên lửa khác nhau như: tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa Harpoon chống tàu chiến, tên lửa RIM-66 chống máy bay, tên lửa chống tên lửa, tên lửa chống tàu ngầm… |
Tàu ngầm HMS Tireless lớp Trafalgar của Anh cũng có thể đã xuất hiện ở eo Gibraltar, lối vào Địa Trung Hải, hồi cuối tuần qua. Tàu ngầm này có đủ năng lực phóng tên lửa hành trình tới Syria. Nhóm lực lượng phản ứng nhanh của hải quân hoàng gia Anh bao gồm trực thăng hạm HMS Illustrious và tàu frigate HMS Montrose, HMS Westminster cũng đang ở khu vực trong một cuộc triển khai được lên lịch trước đó. Anh được cho là mới đây di chuyển một số máy bay quân sự và chiến đấu cơ tới căn cứ Akrotiri trên đảo Síp, cách bờ biển Syria hơn 160 km.
Tàu sân bay Charles de Gaule của Pháp hiện ở Toulon, phía tây Địa Trung Hải. Các chiến đấu cơ Rafale, Mirage cũng có thể xuất kích từ căn cứ không quân Al-Dhahra ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Cho đến nay, theo những gì được tiết lộ: Trong 3 ngày tới sẽ chỉ có các đợt tấn công bằng tên lửa của 4 tàu khu trục lớp Arleigh Burke.
Tàu sân bay USS Nimitz
Vũ khí khí tài của Syria:
Không kích - Lưới lửa đang chờ. Ngày 19.07.2012 lực lượng nổi dậy Syria thu được từ quân chính phủ 1 bộ radar kiểu 120, bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống tên lửa phòng không cơ động tầm cao, tầm xa tiên tiến Hồng Kỳ-9 (HQ-9) của Trung Quốc. Radar 120 được chuyên chở trên xe vận tải hạng nặng, có thể nhanh chóng chuyển sang trạng thái chiến đấu sau 15 phút, cứ sau 10 phút tác chiến lại tắt máy và di chuyển, cự li sục sạo tối đa là 300km. Hồng Kỳ - 9 được coi là có tính năng tiệm cận với Patriot của Mỹ và S-300 của Nga với tầm bắn tối đa 200km, vận tốc siêu âm 4.2 Mach, độ cao tác chiến tối đa 30km.
Một lữ đoàn tên lửa HQ-9 của Trung Quốc được cấu thành bởi 2 bộ phận là: bộ tư lệnh lữ đoàn (gồm 01 xe chỉ huy, 04 xe thông tin và xe sửa chữa) và 06 tiểu đoàn tên lửa. Mỗi tiểu đoàn bao gồm 01 xe điều khiển tên lửa, 01 xe radar chỉ thị mục tiêu, 01 xe radar sục sạo và 08 xe phóng tên lửa, mỗi xe phóng tên lửa mang theo cơ số đạn là 04 quả. Với độ cao, tầm bắn xa và hiệu quả tác chiến của HQ-9, hầu như tất cả các máy bay chiến đấu tối tân nhất trên thế giới hiện nay đều có thể bị nó bắn hạ. Một tính năng đặc biệt quan trọng nữa là HQ-9 có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình ở giai đoạn cuối với khoảng cách tác chiến 30km.
Tên lửa BGM-109 Tomahawk dài 6,2m, đường kính 0,52m và nặng tới 1.300 kg. Động cơ phản lực cánh quạt đẩy Williams International F107-WR-402 s, Tomahawk là là tên lửa tấn công hành trình có tốc độ bay cận âm (880 km/h). |
Bên cạnh đó, khả năng phòng không của Syria là rất mạnh với hơn 900 hệ thống phòng không và 4.000 khẩu pháo phòng không các loại tạo thành hệ thống phòng không dày đặc nhiều tầng, nhiều lớp với nhiều tổ hợp hiện đại như: hệ thống Pantsyr-S1; Pechora 2M; Buk M-2E và 48 tổ hợp S-200 “Angara” do Liên Xô sản xuất và một số bệ phóng được cho là của loại tên lửa phòng không tối tân S-300 của Nga. Trong đó, hệ thống Pantsyr-S1 (Nato gọi là SA-22 Greyhound) là tổ hợp pháo phòng không cực hiện đại với pháo tự động 30mm 2A72, radar và tên lửa đối không 57E6-1. Loại tên lửa này có vận tốc 1300m/s (tương đương mach4), tầm bắn 20km, trần bắn tối đa 15km.
Pechora 2M là biến thể nâng cấp rất hiện đại của hệ thống S-125 Neva/Pechora (hay SAM-3, tên ký hiệu NATO SA-3 Goa). Trong quá khứ, hệ thống S-125 Neva/Pechora đã chứng minh hiệu quả khi bắn hạ một chiếc máy bay tàng hình F-117 Nighthawk vào ngày 27.3.1999 và một chiếc F-16 của NATO vào ngày 2.5.1999 trong chiến tranh Kosovo.
Trong các cuộc chiến tranh khác, SA-3 và các hệ thống SAM khác đã bắn hạ nhiều máy bay không người lái của NATO và Mỹ. Pechora 2M được nâng cấp mạnh về radar và tên lửa, nó sử dụng tên lửa 5V27D và 5V27DE, tầm bắn từ 3,5 đến 35 km, độ cao tối đa trên 20 km. Hệ thống Buk M-2E là biến thể hiện đại nhất của hệ thống Buk (Cây sồi), ra đời năm 2008, có khả năng ngắm bắn cùng lúc 4 mục tiêu trong khi đang theo dõi 24 mục tiêu khác. Nó sử dụng tên lửa 9M317 (Nato gọi là SA-17 Grizzly) có tầm bắn 3-50km, độ cao tối đa 25km với vận tốc đạt tới Mach4.
Lá chắn biển hỗn hợp: Trong cuộc diễn tập bảo vệ bờ biển tháng 7.2012, Syria đã trình làng một loạt các hệ thống tên lửa chống hạm tiên tiến của Nga và Trung Quốc như: SS-C-1B Sepal, C-802 Noor, SSC-3 Styx/SS-N-2, SS-C-5/SS-N-26 (P-800) Yakhont làm Mỹ và các nước phương Tây vô cùng bất ngờ và lo lắng. Hệ thống phòng thủ của Syria cực mạnh về các loại tên lửa đất đối hải, mà nòng cốt là bộ ba “lá chắn biển” tương tự như Việt Nam. Bộ 3 này bao gồm: Tổ hợp tên lửa đất đối hải 4K51 Rubezh, Tổ hợp tên lửa 4K44B REDUT-M và Tổ hợp tên lửa K-300P Bastion
Hệ thống phòng thủ tên lửa biển Bastion
Tổ hợp 4K51 được đặt trên các xe mang 3P51 (cải tiến dựa trên xe vận tải hạng nặng MAZ-543), sử dụng để đặt radar điều khiển hỏa lực cùng cụm ống phóng KT-161. KT-161 chứa hai tên lửa hành trình đối hạm tốc độ cận âm P-15 Temit (P-15M, Nato gọi là SS-N-2 styx), có tầm bắn tối đa 80km, tốc độ 0,9Mach, bay cách mặt nước 25-50m. Tổ hợp tên lửa đối hải 4K44B REDUT-M (NATO gọi là SS-C-1B Sepal) sử dụng tên lửa P-35 (phiên bản thứ 3 của P-5) được nâng cấp từ tổ hợp nguyên mẫu là 4K44B REDUT (NATO gọi là SS-C-1 Shaddock) sử dụng tên lửa bờ đối hạm P-5 Pyatyorka (Nayo gọi là SS-N-3), ra đời vào năm 1960. P-35 (Nato gọi là SS-N-3B) là tên lửa siêu âm được Liên Xô nghiên cứu có tầm bắn 460 km, tốc độ 1,4 Mach. Đây là loại tên lửa có đầu nổ công phá lớn, có thể phá hủy được các loại tàu chiến có lượng giãn nước lên tới 20.000 tấn.
Tổ hợp tên lửa đối hải K-300P Bastion trang bị tên lửa đối hạm siêu thanh P-800 Yakhont (phiên bản xuất khẩu của P-800 Onyx) có tầm bắn trên 300km, bay ở độ cao 5-15m so với mặt biển với vận tốc siêu thanh 750m/giây (tương đương Mach2) với đa chế độ dẫn bắn. Việc phát hiện, gây nhiễu hoặc đánh chặn đạn tên lửa này khi đã khai hỏa là điều cực kỳ khó khăn đối với chiến hạm của đối phương. Syria đã nhận được 2 tiểu đoàn Bastion với trang bị mỗi tiểu đoàn một tổ hợp khoảng 36 tên lửa Yakhont. Thời gian chuyển trạng thái chiến đấu của Bastion chỉ là 5 phút, thời gian chờ giữa mỗi lần bắn của tổ hợp là 2,5 giây. Mỗi tổ hợp Bastion sẽ cung cấp khả năng khống chế một vùng diện tích rộng tới 600 km, đảm bảo bao quát toàn bộ vùng lãnh hải của phía tây Syria. Hơn nữa, do cùng tiêu chuẩn công nghệ Nga nên tổ hợp Bastion có thể dễ dàng liên kết với tổ hợp 4K51 Rubezh và 4K44B REDUT-M thông qua chia sẻ số liệu và sử dụng trực thăng chỉ thị mục tiêu chung để nâng cao hiệu quả dẫn bắn, kết hợp tạo thành mạng tên lửa phòng thủ chống hạm cực kỳ hiệu quả. “Kẻ lạc loài” duy nhất trong hệ thống tên lửa chống hạm theo mô hình Nga của Damacus là tên lửa C-802 (phiên bản xuất khẩu của tên lửa YJ-82 “Ưng Kích” của Trung Quốc) với số lượng không lớn.
Mỹ và phương Tây tin vào cú hích khiến Syria sụp đổ?
Việc Mỹ chưa thể giải quyết xong vấn đề Iraq, Afganistan cùng với sự phản đối của Nga, sự hậu thuẫn quyết liệt của Iran là lý do khiến Mỹ thận trọng. Thêm vào đó, việc chính quyền Basar Al Assad đứng vững đến thời điểm này cũng là lý do Mỹ chưa dám can thiệp quân sự mạnh mẽ vào quốc gia Trung đông này.
Xét về tương quan lực lượng, Syria không dễ xơi đối với Mỹ. Trái với kịch bản Lybia hay Nam tư trước đây, bên cạnh việc tấn công tên lửa, Mỹ và phương Tây còn tiến hành các đợt oanh kích với cường độ lớn, ở Syria nếu theo kịch bản hiện này thì Mỹ mới chỉ có kế hoạch sử dụng đợt tấn công tên lửa để thăm dò.
Bởi tiến hành các đợt không kích đường không, các phi cơ sẽ đối diện với nhiều nguy cơ từ hệ thống phòng không dày đặc và hiện đại của đối phương. Đặc biệt, nếu như Syria rút được kinh nghiệm từ Nam Tư và Lybia là cơ động và phân tán lực lượng để tránh các cú đánh phủ đầu mãnh liệt của đối phương.
Tấn công trên bộ - Bất khả thi. Xét về lí thuyết, quân đồng minh có thể tiến công trên bộ vào Syria từ 4 hướng: ở phía Bắc, sử dụng bàn đạp từ Thổ Nhĩ Kỳ để tiến xuống, phía tây - tây bắc có thể đổ bộ quân từ biển Địa Trung Hải, phía tây nam có thể vượt cao nguyên Golan với các bàn đạp ở Israel, còn ở phía đông thì tiến vào từ phía Iraq, đặt Syria vào tình thế “tứ diện thụ địch”. Thế nhưng trên thực tế mọi việc không hề đơn giản như vậy. Với địa hình đặc biệt của mình, khu vực trung tâm kinh tế, chính trị Syria ở phía nam với thủ đô Damacus được “bảo vệ tự nhiên” nhờ biên giới giáp với Jordan và Lebanon, chỉ có duy nhất mũi tấn công ở giữa 2 nước này từ Israel qua cao nguyên Golan với bình diện tấn công nhỏ, hẹp, địa hình phức tạp, khó cơ động và triển khai hỏa lực hạng nặng.
Mũi tấn công từ Iraq (tính theo điểm giáp biên giới gần nhất) xa gấp hơn 3 lần, còn từ hướng Thổ Nhĩ Kỳ xuống lên tới hàng chục lần tính theo đường thẳng. Khi đó, Syria chỉ cần cố gắng cầm chân các mũi tấn công từ xa, rồi tập trung lực lượng quân sự rất mạnh ở phía nam đối phó với mũi tấn công của Isael. Đồng thời họ chỉ cần cung cấp vũ khí và tiền bạc cho các tổ chức hồi giáo Hecbollah ở Jordan và Lebanon đẩy mạnh hoạt động tiến công 2 bên sườn phía sau lưng cách quân của Israel.
Còn hướng tấn công từ phía bắc và phía đông thì vấp phải trở ngại rất lớn từ Iran. Việc có chung đường biên giới với Tehran làm cho Ancara và Baghda luôn có cảm giác bất an. Hơn nữa, ở thời điểm hiện tại, Iraq đang quá đau đầu để giải quyết vấn đề xung đột sắc tộc, giáo phái, khủng bố, hầu như không có ngày nào đất nước này im tiếng súng, tiếng bom. Thổ Nhĩ Kỳ tuy bề ngoài có vẻ yên ổn nhưng thượng tầng của họ luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn chính trị kéo dài. Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq tự lo cho mình cũng chẳng xong, nói gì đến phối hợp với Mỹ đánh Syria.
Với lá chắn biển hoàn chỉnh cũng như hệ thống phòng không hiện đại của Syria, Mỹ chọn giải pháp lan toàn là tấn công tên lửa. Các tên lửa Tomahawk có tầm bắn tới 2.700 km giúp tàu chiến Mỹ có thể tác chiến ở cự li an toàn, ngoài tầm với của cả ba loại tên lửa đất đối hạm Syria.
Với số lượng tên lửa Tomahawk trên bốn tàu chiến này, nếu như Syria chủ động phân tán lực lượng, cơ động và né tránh, thì thiệt hại với Syria sẽ rất nhỏ. Vấn đề rằng, Mỹ tin rằng thời cơ đã chín muồi, trải qua nhiều năm căng thẳng và lục đục nội bộ, Syria đã không còn là một khối thống nhất: Các lực lượng đối lập được phương Tây hậu thuẫn đang lớn dần lên, người dân đã quá mệt mỏi, khốn khổ với tình hình hiện tại và chỉ mong cuộc xung đột nội bộ sớm kết thúc để trở về cuộc sống thanh bình trước kia. Các lực lượng ủng hộ ông Basar Al Assad cũng đã mệt mỏi, phân tâm.
Và một đợt tấn công tên lửa có thể không gây thiệt hại nhiều về vật chất nhưng Mỹ hy vọng nó sẽ là cơn gió quét qua tổ mối sắp sụp!
Tường Bách