“Ngoại trưởng (Mỹ) đã xác nhận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ (Mevlut Cavusoglu) về thỏa thuận hướng đi chung, tôi muốn nói rõ rằng nó được xây dựng dựa trên các điều kiện. Điều đó có nghĩa rằng mọi thứ có thể thay đổi theo thời gian khi những điều kiện trên thực địa thay đổi”, bà Nauert nói với các phóng viên vào hôm qua 5/6.
Bà Nauert cũng cho biết, Chính phủ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một thỏa thuận trong việc thiết lập ổn định và quyền tự chủ cho vùng Manbij.
Chính phủ Mỹ tin rằng thỏa thuận sẽ nằm trong khả năng chấp nhận của tất cả các bên và phù hợp với người dân Manbij, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm.
Bà Nauert lưu ý rằng các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd tại Syria (YPG) đã đồng ý thỏa thuận việc rời về phía Đông sông Euphrates từ Manbij. YPG đứng sau nhóm quân sự Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn, hiện đang kiểm soát Manbij. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại coi YPG là khủng bố và muốn các tay súng người Kurd này rời khỏi khu vực bởi nó nằm sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, hôm 5/6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu nói rằng thỏa thuận trên có thể bao gồm 3 giai đoạn khác nhau, trong đó có việc các binh sĩ người Kurd phải hạ vũ khí. Ông Cavusoglu nhấn mạnh thêm rằng khung thỏa thuận giữa Washington và Ankara tại Manbij có thể được áp dụng tại các vùng khác ở phía Bắc Syria.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ thời gian qua vấp phải nhiều sóng gió khi Ankara quan ngại về sự hỗ trợ của Washington đối với người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhiều lần tố Washington không thực hiện những cam kết về việc rút lực lượng YPG ra khỏi khu vực phía Bắc Syria, làm xấu đi trầm trọng quan hệ 2 bên.
Tuy nhiên, thỏa thuận Mỹ-Thổ lần này có thể là một chiến lược lớn hơn giữa hai bên nhằm chống lại chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, theo nhận định của cựu Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ James F. Jeffrey.
Ngoài vấn đề Manbij và người Kurd thì Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng đang phải đối mặt với nhiều bất đồng đáng kể, trong đó có việc Ankara tính mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga và việc nước này bắt giữ mục sư Mỹ Andrew Brunson làm “con tin ngoại giao”, động thái khiến Quốc hội Mỹ cấm bán vũ khí cho Thổ.
Nhưng nếu tạm thời gạt qua những bất đồng đó thì hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ dường như đang “chung tay gây sức ép cho chính quyền Assad, Iran và sau cùng là Nga, nhằm chấp nhận một giải pháp chính trị thông qua tiến trình hòa giải do Liên Hợp Quốc tổ chức tại Geneva” chứ không phải một lộ trình do Moscow và đồng minh tự thực hiện.
Để làm được điều đó, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ phải “chiếm được gần như toàn bộ vùng phía Bắc Syria, tức 40% lãnh thổ Syria, nơi có hàng chục ngàn các chiến binh địa phương đồng minh vốn được vũ trang kỹ lưỡng, nơi có hàng triệu người dân Syria”.
Nhưng kế hoạch này chắc chắn không dễ thực hiện vì Mỹ không thể cùng lúc làm việc với cả Thổ Nhĩ Kỳ và YPG, vốn là đối thủ “không đội trời chung”. Nó cũng không khả thi bởi trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng tuyên bố sẽ rút khỏi Syria trong năm nay, một khẳng định dù còn mập mờ song cũng phần nào phản ánh ý chí của nhà lãnh đạo Mỹ về lựa chọn đi hay ở Syria.
Xem thêm: Nga sẽ không giúp Syria nếu Iran không rút khỏi chiến trường phía Nam?