Bạn bảo: Trời sinh voi sinh cỏ, việc gì đến sẽ đến, lo gì.
Tôi cứ băn khoăn mãi về cách tư duy của bạn. Có thể quan điểm của bạn không sai, nhưng có một điều gì đó lấn cấn trong tâm trí, làm cho tôi không dễ dàng gì buông lơi được lời nói ấy. Tôi vẫn đồng ý, rằng mỗi người có một quan điểm, một lối sống riêng, nhưng sống trong thời đại ngày nay mà vẫn cố khư khư ôm lấy những quan niệm xưa cũ của những thời đại trước, liệu có tốt chăng?
Năm năm là khoảng thời gian tương đối thích hợp (không ngắn, nhưng cũng không quá dài) để một người nhìn nhận lại một chặng đường mình đã đi qua. Sống trong xã hội đầy biến động chóng vánh như ngày nay, năm năm là khoảng thời gian có rất nhiều thay đổi trong đời sống của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia, và toàn nhân loại.
Năm năm trong thế kỷ 21, là một chặng đường mà sự thay đổi trong đời sống của nhân loại diễn ra tương đương với hàng trăm năm của những thế kỷ trước, nhất là về thông tin, khoa học, công nghệ.
Xã hội Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn chuyển mình lớn, đi từ thời cổ xưa săn bắt hái lượm, rồi định cư hình thành nên một cộng đồng phát triển văn minh nông nghiệp, cho đến sự tiếp thu và hòa nhập vào nền văn hóa châu Á...
Đó là giai đoạn chuyển tiếp từ hệ hình tư duy mang tính nguyên bản, trực quan sinh động (mắt thấy tai nghe), sang hệ hình tư duy mang tính giáo thuyết, luận thuyết, trừu tượng (những người có học trong xã hội phong kiến). Nhưng nhìn chung, diễn tiến xã hội (ở đây là sự biến đổi trạng thái sinh tồn của xã hội) không có nhiều thay đổi, dù trải qua hàng ngàn năm. Và cuộc đời (cá nhân) một người, tồn tại trong xã hội đó, đa phần là không có gì đổi thay, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đến giai đoạn tiếp nhập nền văn hóa và kỹ nghệ phương Tây vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thì xã hội Việt Nam có rất nhiều thay đổi. Nhất là thay đổi về tư tưởng, và hình thái phát triển của xã hội. Và một cá nhân, tồn tại trong bối cảnh đó, cũng có nhiều thay đổi. Nhưng nhìn chung, đó là một giai đoạn mà đa phần người Việt đều mất tự do, không làm chủ được cuộc sống cá nhân. Đất nước đầy biến động về chính trị, chiến tranh triền miên, sống chết khó lường. Sự phát triển đầy thăng trầm đó, cá nhân phát triển cũng chịu nhiều tác động ngoại cảnh, làm cho mất quyền tự chủ. Đương nhiên, giai đoạn thế kỷ 20, là giai đoạn đặc biệt trong sự hiện hữu của mỗi người dân Việt.
Dù thế nào, thì trên bình diện toàn xã hội, đa phần người Việt vẫn sống trong một “môi trường tinh thần” mang tính làng quê, và chịu nhiều dấu ấn tư tưởng cũ. Đó là tư tưởng an phận. Người Việt có thói quen không đề cao cá tính, cá nhân, và ít có “văn hóa phát triển cá nhân”. Đi kèm với đó, là ít có “những mục tiêu cá nhân”.
Bước vào giai đoạn chuyển biến thứ ba, là thời điểm thế giới cùng chuyển mình (sự ra đời của công nghệ thông tin, phát triển công nghệ mang tính toàn cầu), mỗi người Việt đều ít nhiều được tiếp nhận/cận tư tưởng “phát triển cá nhân”, đề ra những kế hoạch, những mục tiêu, những chiến lược, để xây dựng cuộc sống cá nhân hạnh phúc.
Đương nhiên, trong dòng chảy của hiện thực tồn tại, thì vẫn còn tồn đọng những tư tưởng mang tính mặc định (cái hiện thực tư tưởng đã bám rễ sâu vào trong tâm thức của người nông dân Việt mấy ngàn năm). Nhưng theo xu hướng phát triển chung của xã hội, cán cân đề cao sự phát triển cá nhân, cá tính, ngày càng rõ ràng, và chiếm tỉ lệ lớn trong xã hội.
Đặc biệt là ở thế hệ trẻ (có thể tính là các bạn vào đời cuối 8X trở về sau). Sự phát triển tính cá nhân, tư duy phát triển cá nhân, ngày càng được lan rộng. Giới trẻ ngày nay, ngày càng ý thức rõ hơn về chính mình!...
Và một hiện thực, là trong bối cảnh thời đại ngày nay, chứng kiến một sự phát triển mạnh mẽ của những bạn trẻ biết vươn lên, và tạo ra những “cú hích” phát triển lớn, tạo nên một chuẩn mực mới trên con đường hòa nhập quốc tế. Và chặng đường năm năm, là một khoảng thời gian để nhiều điều có thể xảy ra, với cuộc đời (cá nhân) mỗi người.
Sống trong thời đại ngày nay, nếu một người chọn lựa sự thay đổi, thì trong vòng năm năm, đủ để tạo nên một diễn biến tích cực (thấy rõ). Năm năm, là một chặng đường đủ để một người nhìn nhận lại quá trình phát triển đã qua, và định hướng cho một lộ trình sắp tới.
Dù biết rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Bên cạnh việc nỗ lực mang tính cá nhân, việc thành hay bại, còn tùy thuộc vào yếu tố ngoại cảnh. Nhưng nếu một người không ý thức rõ về chính mình, mục tiêu của chính mình, không có lộ trình phát triển và sự nỗ lực mang tính cá nhân, thì rất khó có được thành tựu vậy. Như người xưa cũng từng bảo: Việc có định trước mới thành.
Bạn tôi, cũng như bao nhiêu người Việt khác, sống trong thời đại ngày nay mà còn giữ trong mình một lối tư duy mang tính mặc định, thụ động, chờ thời, mà tự bản thân không có ý thức vươn lên làm chủ số phận, có chăng chính là lực cản cho sự phát triển chung của toàn xã hội.
Không phải điều gì của phương Tây cũng hay, cũng tốt với người Việt. Nhưng ý thức về tính tự chủ, tự kiến tạo, tinh thần quý trọng thời gian, cũng như việc sống luôn có định hướng phát triển cá nhân, là điều tốt, ta nên học hỏi vậy.
Tôi vẫn quan niệm, rằng: Những ai hòa nhập được với xu hướng chung của xã hội thì phát triển, còn những ai làm ngược lại, sẽ tự làm trì trệ chính bản thân mình.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả