Người bạn thân luôn bảo tôi: Cậu đừng nghĩ về quá khứ nhiều quá, cái gì qua rồi thì cho qua đi, lo cho hiện tại và tương lai, sẽ tốt hơn. Tôi vẫn biết lời bạn nói là đúng, nhưng đôi khi, tôi mãi hoài niệm về dĩ vãng. Có khi nào bạn giống như tôi?
Thời gian đã mất thì ta không thể nào lấy lại được. Nhưng bản thân thời gian thì không có khái niệm mất hay còn. Vì thời gian luôn là chính nó. Chỉ có sự hiện hữu của cá nhân mới là có mất hay còn. Nên ta thường gán định cho sự mất hay còn của ta, đó là sự mất hay còn của thời gian. Vì lẽ đó, ta nên biết trân trọng từng khoảnh khắc. Ở đây, là khoảnh khắc hiện hữu của cá nhân.
Ai đó từng nói: Tuổi trẻ luôn nghĩ về tương lai, người già thường nghĩ về quá khứ. Có lẽ, khi tâm trí một người trải qua quá nhiều vết khứa, quá nhiều kỷ niệm, quá nhiều nỗi đau, quá nhiều ký ức, thì như một lẽ tất nhiên, thường nghĩ về dĩ vãng. Vậy nên, khi một ai đó hay hoài tưởng về quá khứ, thì những người bên cạnh thường bảo già.
Tuổi trẻ là lứa tuổi dành cho tương lai, ước mơ, và những hoài vọng lớn lao. Nếu có đôi lần vấp ngã, cũng không nên để quá khứ trì kéo, làm chậm bước tiến, trên con đường kiến tạo một tương lai tươi đẹp.
Nhưng đó là một người không có quá nhiều trải nghiệm đau khổ ở thời tuổi trẻ. Nếu một người không trải qua nhiều mất mát lớn, nhiều lỗi lầm lớn, nhiều tổn thương lớn, thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Còn một người, khi trải qua nhiều vết thương lòng, dù là tuổi trẻ với nhiều sức mạnh lớn lao, cũng khó lòng không hoài niệm về dĩ vãng.
Tôi từng quen một chàng trai trẻ, ở tuổi đôi mươi. Cậu ấy và tôi là đồng niên. Ngày tôi gặp, nhìn cậu ấy với ánh mắt buồn bã, vô định, gần như không có nhiều năng lượng cho một tuổi trẻ đầy xông xáo. Hình ảnh đó, khác hẳn với tôi, một người mang nhiều ước mơ, và tràn đầy khát vọng về một tương lai tươi sáng.
Ban đầu, tôi cũng có một phần định kiến, như sự xét nét chung chung, rằng trông trẻ trung đẹp trai thế, mà sao nhìn dáng dấp ủ rũ vậy. Người trẻ thì phải mạnh mẽ lên chứ?
Nhưng rồi tôi lại thấy mình thật tệ, khi vội phán xét anh ấy.
Chúng tôi đều là những con người tha phương cầu thực, lạc trôi vào Sài Gòn tìm công việc mưu sinh. Cả hai đều đang ở trung tâm môi giới việc làm, chờ kết quả sau hồi phỏng vấn. Trong thời gian chờ đợi đó, tôi mới bắt chuyện cùng anh.
Anh người ngoài Bắc. Bố mẹ đều trẻ. Ngoài anh ra thì còn một đứa em, nhỏ hơn anh hai tuổi. Kinh tế gia đình ở mức không khó khăn lắm. Nếu không vì một biến cố lớn xảy đến, thì anh không đến nổi phải lưu lạc miền Nam.
Năm anh học đại học năm nhất, bố anh bị tai nạn giao thông, qua đời đột ngột. Cũng trong năm đó, mẹ anh bị phát hiện ung thư giai đoạn cuối, và qua đời luôn sau đó. Nghĩa là gia đình anh bị trùng tang. Đứa em gái bị đau buồn, bị ngất xỉu, phải đưa vào bệnh viện.
Nhờ sự giúp đỡ của bà con họ hàng, mọi việc rồi cũng xong đâu vào đấy. Nhưng cuộc sống của hai anh em thì không còn như xưa nữa. Đứa em gái đang lớp mười hai, sắp vào chuyên nghiệp.
Hoàn cảnh như vậy, anh quyết định vào Nam tìm công ăn việc làm, nhằm đỡ đần đôi phần cuộc sống khó khăn trước mắt. Em gái ở nhà lo nhang khói bố mẹ. Nhà bố có anh em ở gần, nên cũng nương nhờ được chút ít.
Tôi không thể nào ngờ, một người trẻ mà chịu nhiều tổn thương và mất mát quá. Và tôi động viên anh: Cố gắng thôi, đồng chí.
Thời gian chờ kết quả giới thiệu việc làm cũng hết, và tôi phải đi. Câu chuyện về anh, tôi chỉ biết vậy. Đó là câu chuyện thật của đời anh, hay là một câu chuyện anh cố gắng kể để lấy lòng thương của người khác, có thể tôi không biết được chính xác. Nhưng tôi tin, rằng chẳng ai tự kể một câu chuyện như vậy, về mình cả.
Kể từ đó, tôi không bao giờ có cơ hội gặp lại anh, một lần nào nữa. Cái hình ảnh ánh mắt trĩu nặng đó, vẫn còn trong trí cảm của tôi, khi tôi hoài nghĩ về một cuộc đời mang nhiều tổn thương và bất hạnh.
Nhưng phải lâu sau này, tôi mới cảm nhận được nỗi đau, điều mà anh đã gánh chịu từ năm hai mươi tuổi. Năm đó, ba tôi ra đi, vì bệnh. Và tôi, một người con chưa chăm lo được nhiều cho ba, vì lòng mang nhiều ước mơ về văn chương, nghệ thuật, cảm thấy mình thật có lỗi.
Ba ra đi, để lại trong tôi một khoảng trống mênh mông. Và tôi, từ một người luôn tích cực hướng về ngày mai, luôn khao khát kiến tạo một con đường, cái viễn cảnh mà tôi vẽ ra trong tâm trí mình, bị chùn lại, khi ba không còn trên đời này nữa.
Cuộc đời là vậy, đôi khi chúng ta hay dễ dàng phán xét người khác, nhưng khi chính mình trải nghiệm những nỗi đau, những mất mát, những tổn thương, thì ta mới hiểu rằng, với một số người, việc cố gắng cho hiện tại và tương lai, sao thật khó khăn.
Dù biết rằng, quá khứ là cái đã qua, ta không nên mãi hoài niệm về nó. Nhưng cuộc sống có đôi khi, ta phải hoài niệm về quá khứ, ta mới gặp được người thân của mình.
Sự hoài niệm về quá khứ, không phải là việc xấu, nếu sự hoài niệm đó làm cho bản thân mình biết trân quý thời gian hiện hữu hơn, biết yêu thương cái mình đang có hơn, biết sống tử tế hơn.
Trong cuộc sống đầy bận rộn và lắm toan tính này, đôi khi, ta nên chững lại một chút, để biết hoài niệm về những gì tốt đẹp, thì cuộc sống sẽ trọn đầy hơn.
Tại sao không? Như ai đó từng nói: Biết nhìn về quá khứ, để hướng đến tương lai!...
Hà Hương Sơn