Qua câu chuyện thành công của chính mình, tác giả chia sẻ nhiều điều về khởi nghiệp. Tạ Minh Tuấn nhấn mạnh đừng để khởi nghiệp Việt Nam dừng lại ở mức “phong trào khởi nghiệp”, mà phải phát triển nó đến mức “văn hóa khởi nghiệp” thì sẽ bền vững.
Theo doanh nhân 8X Tạ Minh Tuấn, mối quan hệ giữa start-up và nhà đầu tư là quan hệ đối tác, không phải quan hệ xin-cho hay quan hệ ơn-nghĩa. Vì vậy, không chỉ nhà đầu tư chọn start-up, mà cả start-up cũng phải chọn nhà đầu tư.
Chia sẻ về start-up tiên phong với ý tưởng mới lạ, Tạ Minh Tuấn cho hay: “Trong khó khăn có thuận lợi và trong thuận lợi lại có khó khăn. Với kinh nghiệm của cá nhân tôi, khi làm người tiên phong, start-up sẽ phải đối diện với khó khăn là mô hình kinh doanh của mình còn tương đối "khó hiểu" với số đông trên thị trường mục tiêu. Cho nên để thay đổi từ "khó hiểu" sang "dễ hiểu" đòi hỏi start-up phải thực hiện động tác là "giáo dục thị trường"".
Anh Tuấn phân tích: "Việc giáo dục thị trường thông thường là công đoạn rất khó, đòi hỏi rất nhiều vốn. Vì thay đổi một người đã khó, ở đây lại cần thay đổi cả thị trường và cả thời gian, cũng như sự kiên trì của bản thân, cộng thêm cách làm rất chuẩn và thông minh”.
Anh còn cho biết thêm: “Đôi khi mình đã "gần" giáo dục được thị trường thì mình lại hết vốn rồi chết. Và như thế, người theo sau mình hưởng lợi hoàn toàn từ quá trình trước đó, bước qua "xác" mình và vào thị trường rồi chỉ mất chút ít vốn và thời gian để thành công.
Ngược lại, cơ hội nằm ở chỗ nếu start-up tiên phong và giáo dục thị trường thành công, thì thị trường sẽ xem thương hiệu của start-up đó như thương hiệu đầu tiên được nhớ đến mỗi khi nhắc về nhu cầu cần được đáp ứng đó. Đây là bài học thành công của một số thương hiệu đã có trên thị trường kể cả thương hiệu Việt Nam”.
“Mấu chốt là hiểu rõ cuộc chơi mình đang chuẩn bị tham gia vào, có những chuẩn bị cần thiết theo đúng loại hình của cuộc chơi đó và chọn thời điểm chính xác để hành động”, doanh nhân trẻ Tạ Minh Tuấn đúc kết.