Trong bộ Ỷ thiên đồ long ký, Tạ Tốn được mô tả là con người võ công rất cao cường, song lại nuôi trong mình một nỗi đau khủng khiếp và làm những việc làm kinh thiên động địa - tất cả những điều đó đã tạo nên một trong những nhân vật kỳ vĩ nhất trong các tác phẩm của Kim Dung.
Tất cả các xung đột lớn trong truyện đều xoay quanh ông, tuy ông xuất hiện không nhiều. Những nhà phân tích sau khi xem bộ truyện này, thường coi Tạ Tốn như là nhân vật chính yếu, cùng với Trương Vô Kỵ.
Tác phẩm Ỷ thiên đồ long ký được chuyển thể nhiều lần, các diễn viên từng đóng vai Tạ Tốn thành công là: Tăng Giang, Diêm Hoài Lễ, Doãn Dương Minh, Lạc Ứng Quân,… thế nhưng người hâm mộ ấn tượng chính là diễn viên Từ Cẩm Giang trong Ỷ thiên đồ long ký phiên bản 2003 - đa số đều cho rằng không ai có thể vượt qua vai diễn kinh điển này.
Từ Cẩm Giang là một diễn viên quen mặt với nhiều phim chuyển thể từ tác phẩm của Kim Dung, ông từng đảm nhận nhân vật Ngao Bái trong bản điện ảnh Lộc Đỉnh Ký của Châu Tinh Trì và để lại ấn tượng khó phai trong lòng khán giả.
Nhờ ngoại hình cao to lực lưỡng và vẻ mặt dữ dằn, Từ Cẩm Giang đã hoá thân thành một Kim Mao Sư Vương rất thành công.
Khác với các diễn viên khác, để thể hiện nhân vật Tạ Tốn bị mù một cách khách quan, Từ Cẩm Giang không sử dụng kính áp tròng như những diễn viên khác mà chọn việc trợn ngược mắt khiến tròng mắt trắng dã để trông thật nhất có thể.
Việc này rất có hại cho mắt nhưng ông vẫn chấp nhận để hoàn thành thật tốt vai của mình. Khi biết tin này, có nhiều khán giả để lại bình luận khen ngợi nam diễn viên như: "Tôi đã thử làm như ông ấy, nhưng mà đau mắt quá!", "Tinh thần hết mình vì vai diễn của tiền bối Từ Cẩm Giang thật đáng ngưỡng mộ", "Ông ấy thật yêu nghề, việc này đau mắt lắm đấy",...
Trước đó, diễn viên Lạc Ứng Quân lại thể hiện một Tạ Tốn khác đầy nhân văn, nội tâm giàu lòng trắc ẩn trong phiên bản Ỷ thiên đồ long ký năm 2000 của đài.
Có thể xem đây là phiên bản Kim Mao Sư Vương hiền hòa nhất và đậm Phật tính nhất.
Có lẽ trong truyện Kim Dung chỉ có nhân vật Tạ Tốn - Kim Mao Sư Vương mới ngang tàng gọi ông trời là "lão tặc thiên". Tạ Tốn từng hét lên rằng: "Cái gì mà ông trời, đồ chó trời, đồ giặc trời, đồ ăn cướp trời thì có".
Trong thời kỳ Tạ Tốn điên loạn trên biển khơi, ông đã nói ra hết cái phẫn uất to lớn mà bao năm phải kìm nén trong người.
Ở đoạn này, Kim Dung đã dùng bút pháp ấn tượng, nhưng cũng hoạt kê, để thể hiện tính khí ngang tàng, và cũng thể hiện mối thù sâu xa của Tạ Tốn đối với cuộc đời, nơi đã dành cho ông những bi kịch nhân sinh quá lớn:
"Chỉ nghe Tạ Tốn luôn mồm chửi bới, từ trời đổ xuống, kế đến Tây Phương Phật tổ, Đông Hải Quan Âm, Ngọc hoàng trên trời, Diêm vương dưới đất. Sau đó y lại chửi đến Tam Hoàng, Ngũ Đế, Nghiêu Thuấn Vũ Thang, Tần hoàng, Đường Tông, văn thì cả Khổng Mạnh, võ thì đến Quan Nhạc bất kể thánh hiền anh hùng nào cũng đều bị y chửi không còn sót một ai. Tạ Tốn là một người tương đối có học, cho nên khi y chửi bới, Trương Thúy Sơn nghe cũng có chiều văn vẻ...".
Ở Kim Mao Sư Vương, đó là cuộc đời bi thảm, số phận giằng xé, lẫn lộn giữa người anh hùng khí phách và kẻ sát nhân điên loạn, kẻ đọc sách văn võ toàn tài và một đại ma đầu khát máu.
Trong truyện, Tạ Tốn là người văn võ toàn tài. Không chỉ là một trong tứ đại hộ pháp Tử - Bạch - Kim - Thanh (Tử Sam Long Vương, Bạch Mi Ưng Vương, Kim Mao Sư Vương và Thanh Dực Bức Vương), Tạ Tốn còn tinh thông văn chương, kinh sử không thua kém gì một bậc đại khoa.
Vóc dáng cao lớn, tướng mạo oai phong, mái tóc màu vàng rực như lửa của Tạ Tốn khiến người trên giang hồ gọi ông bằng cái tên "sư tử lông vàng".
Kim Mao Sư Vương - Tạ Tốn có xuất thân từ đệ tử Minh Giáo. Phí Đa Diên chính là thuỷ tổ của Minh Giáo – người khai sáng môn võ công tâm pháp Càn khôn đại na di.
Kỳ thực số phận của Tạ Tốn quá bi đát và mọi căm phẫn dồn nén khiến ông trở nên loạn tính, bất cần. Mọi thứ xuất phát từ việc Thành Côn - người sư phụ mà Tạ Tốn kính trọng như cha nuôi, đã cưỡng bức vợ và giết hại cả gia đình Tạ Tốn.
Mỗi ngày, mỗi giờ, con sư tử lông vàng tội nghiệp ấy lại phải đối diện với những nỗi đau và chẳng ngạc nhiên khi ông trở nên điên loạn, mất đi thần trí.
Không ai hiểu, võ lâm sợ hãi và căm giận Tạ Tốn vì ông là một con quỷ khát máu, Tạ Tốn chỉ thực sự có những giây phút yên bình ngắn ngủi khi ở trên Băng Hỏa Đảo với đứa con của Ân Tố Tố - Trương Vô Kỵ - cái tên trùng với người con đã mất của ông.
Nhưng bi kịch của Tạ Tốn không dừng lại ở đó. Thanh bảo đao Đồ long ông mang theo trên người lại khiến không biết bao nhiêu kẻ dòm ngó. Tới cả người từng một thời thân thiết, tình nghĩa với ông như Tử Sam Long Vương cũng phản bội.
Vô số những âm mưu ngụy kế lại một lần nữa bày ra trước mắt con hùng sư đã mù lòa. Để rồi lại thêm một lần nữa, Tạ Tốn lại phải bước chân vào thế giới của đao kiếm, cạm bẫy giang hồ.
Trả thù Thành Côn bằng cú Thất Thương Quyền, khán giả đã không còn sự hả hê khi nhìn thấy vị hùng sư đã trả được mối thù truyền kiếp.
Cái người ta thấy được chỉ là một nỗi đau được khơi lại, là tiếng gầm đau thương cuối cùng của một con sư tử bất hạnh.
Người xem không thấy ghê sợ trước tính toán của Tạ Tốn mà ngược lại, có thể còn nhìn ông với một cặp mắt kính nể hơn, tôn trọng hơn, bởi khí phách anh hùng và sự can đảm đối mặt với cái chết.
Tự trả đời bằng hành động hành xác tự phế võ công, Tạ Tốn cứ dần gặm nhấm nỗi đau của mình. Gạt bỏ thanh danh một thời, ông tự chọn cho mình mình kết cục ấy, như một sự trả giá đầy đau đớn và tủi nhục. Từ đó, Tạ Tốn quy y cửa Phật, chấm dứt một quãng đời đầy những cơn cuồng nộ mà không có lối thoát.
Sam