Cuộc cạnh tranh bá chủ đại dương
Theo các chuyên gia quân sự, Trung Quốc đã sớm trở thành cường quốc tàu sân bay số 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ, mặc dù vậy, tổ đội vận hành của nước này vẫn chưa chạm ngưỡng tiêu chuẩn quốc tế.
"Một tàu sân bay cần được bảo trì thường xuyên trên quy mô lớn. Trung Quốc cần có nhiều hơn bốn nhóm tác chiến tàu sân bay nếu muốn thực hiện các sứ mệnh hộ tống trên biển cả và bảo vệ lợi ích quốc gia ở ngoài khơi", chuyên gia hải quân Bắc Kinh Li Jie cho biết.
"Một tàu sân bay duy nhất không thể trở thành một lực lượng chiến đấu, bởi nó cần sự có mặt của các tàu chiến khác để thành lập một nhóm tác chiến, cũng như nhận được sự bảo vệ từ các tàu đi cùng", Li nói.
Hải quân Mỹ hiện duy trì 10 nhóm tấn công tàu sân bay đang hoạt động tại các căn cứ trong nước và nước ngoài. Nhóm thứ 11 sẽ đi vào hoạt động khi tàu sân bay USS Gerald R. Ford được đưa vào sử dụng.
Trong khi đó Trung Quốc chỉ có một tàu sân bay đang hoạt động mang tên Liêu Ninh, vốn là tàu sân bay loại cũ được nước này mua lại và nâng cấp. Cuối tháng 4 vừa qua nước này mới bắt đầu cho hạ thủy tàu sân bay thứ hai được sản xuất trong nước. Nhưng ít nhất cần 3 năm con tàu này mới có thể đi vào hoạt động.
Chuyên gia Li cho biết một nhóm tấn công tàu sân bay chính thức cần 4.500 đến 5.000 người, bao gồm phi công chiến đấu, nhân viên điều phối trên không, kỹ sư và thủy thủ trên các tàu chiến đi kèm.
Do đó, hai tàu sân bay của Trung Quốc sẽ cần khoảng 10.000 thủy thủ đoàn khi đi vào hoạt động hết công suất.
Khi một viên chức hải quân bắt đầu công việc về tàu sân bay Liêu Ninh, họ đã phải đối mặt với một thách thức lớn - chỉ huy hơn 2.000 thủy thủ đoàn đến từ 19 dân tộc, theo tiết lộ từ một chương trình phát sóng trên kênh truyền hình trung ương Trung Quốc hồi tháng 3.
"Chúng tôi đang gặp rắc rối khi quản lý thủy thủ đoàn. Khi chuông báo động reo, mọi hàng lang đều chật kín người. Mỗi khi đến giờ ăn, mọi thứ trở nên hỗn loạn dù con tàu có đến 10 căn tin”, Chen Yueqi, chỉ huy Liêu Ninh nói với CCTV.
Lãnh đạo trên tàu sau đó phải lên kế hoạch luân phiên thời gian cụ thể giữa ăn uống và làm việc cho đội ngũ trên tàu.
"So với các đồng nghiệp Mỹ, những người đang làm việc với 10 nhóm tấn công tàu sân bay và có kinh nghiệm hơn 100 năm, các đội tàu của Trung Quốc chỉ là học sinh mẫu giáo", chuyên gia Li so sánh.
Hải quân Mỹ được biết đến là một tổ hợp tác chiến tàu sân bay trơn tru, toàn diện, có khả năng hoạt động cường độ cao trong mọi thời điểm, điều kiện thời tiết, và có sự phối hợp giữa các tàu chiến một cách nhuần nhuyễn.
Để đi tắt đón đầu, Trung Quốc đã sao chép nhiều đặc trưng trong hệ thống vận hành đội bay của Hải quân Mỹ, bao gồm các đồng phục màu cầu vồng được thiết kế cho đội bay và ngôn ngữ cử chỉ của các sĩ quan phát tín hiệu hạ cánh (LSO), các sĩ quan thiết bị thu máy bay (AGO) và các nhóm chuyên môn khác.
"Huấn luyện một đội phi công chiến đấu có trình độ trên tàu sân bay cùng với LSO, AGO và các nhóm chuyên môn khác khó khăn hơn nhiều so với việc huấn luyện các phi công chiến đấu và lực lượng vận hành bay trên mặt đất do chiều dài của đường băng trên boong tàu sân bay chỉ bằng 1/10 trên bộ”, Li nói.
"Phần cứng tàu sân bay có thể được xây dựng nhanh chóng một khi đã có đủ công nghệ chế tạo. Tuy nhiên, đào tạo một đội ngũ có kinh nghiệm chỉ có thể đạt được bằng cách tích lũy theo thời gian".
Hải quân Trung Quốc đã có các chuyến đi thử nghiệm tàu Liêu Ninh kể từ khi nó được đưa vào biên chế vào tháng 9/2012. Tuy nhiên, cuộc tập trận đầu tiên "trên biển xa" tại Tây Thái Bình Dương mới chỉ được tiến hành vào thời điểm Giáng sinh năm ngoái, hơn 4 năm sau đợt thử nghiệm đầu tiên.
Trung Quốc còn phải chạy dài...
Tàu sân bay Liêu Ninh là một phần của hạm đội bao gồm 10 tàu chiến, 1 tàu khu trục 052D, 2 tàu khu trục 052C, 2 tàu hộ vệ lớp 054, 2 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Type 094A, 1 tàu hộ vệ và 1 tàu hậu cần. Theo CCTV, với sự tham gia của hơn 20 máy bay cánh cố định và các loại máy bay khác trên tàu, tổ hợp này đã đủ tạo thành một cụm tàu sân bay tấn công quy mô toàn diện.
Trong cuộc diễn tập khi ấy, các phi công trên tàu sân bay phải trải qua các bài tập cất cánh và hạ cánh trên boong tàu lắc lư trên biển. Họ phải hạ cánh thông qua các dữ liệu do thiết bị bay cung cấp, thay vì sử dụng các tham số trực quan.
"Mây rất thấp trên biển đến mức chúng tôi không thể hình thấy tàu Liêu Ninh ở đâu. Trong những trường hợp như vậy, chúng tôi phải tin vào các thiết bị bay và để chúng dẫn đường đến tàu sân bay", Zhang Ye, chỉ huy lực lượng không quân và là phi công của chiến đấu cơ J-15, nói với CCTV.
Chuyên gia Li Jie cho rằng, số lượng các phi công trên tàu sân bay cần phải nhiều hơn số lượng máy bay J-15. Một tàu sân bay của Mỹ với 80 máy bay thì có hơn 120 phi công. Tuy nhiên Trung Quốc hiện mới có 37 phi công chỉ vừa đủ để phục vụ cho phi đội 24 máy bay J-15 trên tàu Liêu Ninh.
Theo nhà quan sát quân sự Macau. Antony Wong Dong, hệ thống vận hành của hải quân Trung Quốc vẫn không đáp ứng được yêu cầu của một đội tàu chiến đấu đại dương bởi đang trong quá trình chuyển đổi từ hải quân ven biển sang hải quân biển xa.
"Còn một chặng đường dài để đội tàu sân bay tấn công của Trung Quốc bắt kịp các đồng nghiệp nước Mỹ", Dong kết luận.
Đọc thêm>>> Căng thẳng Triều Tiên: TT Donald Trump cần lời giải từ TT Putin
Quốc Vinh