Thực trạng đáng lo ngại
Trên thực tế vào dịp Tết các nhà xe, chủ hàng yêu cầu tài xế tăng chuyến, tăng ca để đảm bảo yêu cầu lưu thông hàng hoá. Với chế độ đãi ngộ khá tốt, nhiều lái xe chấp nhận làm việc để tăng thu nhập.
Trước áp lực công việc, phải lái xe chạy đường trường, chạy ban đêm, chuyện tài xế mệt mỏi, quá sức là điều dễ hiểu. Để đáp ứng yêu cầu phải tỉnh táo trong quá trình điều khiển phương tiện, một bộ phận lái xe đã sử dụng ma túy tổng hợp, các chất kích thích, vì cho rằng việc làm này sẽ giúp họ có sức khỏe, bền bỉ, sự tỉnh táo trên đường.
Hiện tượng này từ trước đến nay vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối, và vẫn chưa có một cách giải quyết triệt để. Một trong những nguyên nhân dễ thấy là do người dân chủ quan coi nhẹ những ảnh hưởng của rượu bia và các chất gây nghiện đối với cơ thể người.
Việc sử dụng ma túy khi lái xe tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thực tế cũng đã chứng minh với hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc.
Ma túy và bia rượu có ảnh hưởng như thế nào đối với cơ thể người?
Trao đổi với báo Người Đưa Tin, Trung tá Đào Quang Hiếu giải thích về những tác động của các chất kích thích.
Theo đó, ma túy gồm nhiều loại khác nhau, nhưng nói chung được xếp vào 2 nhóm là ức chế và kích thích thần kinh trung ương (não bộ). Heroin thuộc nhóm ức chế thần kinh trong khi hầu hết các ma túy còn lại thuộc nhóm kích thích (đá, lắc, cỏ Mỹ, tem giấy, cocain…).
“Người nghiện heroin nếu không có heroin trong vòng 4-6 tiếng sẽ có hội chứng cai rất khó chịu, lúc đó họ mất khả năng làm chủ bản thân và có những hành vi nguy hiểm”, Trung tá Hiếu cho hay.
Một điều đáng chú ý khác là đa số người nghiện heroin khi lên cơn thường dùng rượu để khỏa lấp sự khó chịu này bằng cách uống thật say. Và sẽ là rất nguy hiểm khi lái xe mà sử dụng 1 trong 2 chất này, sự nguy hiểm tăng lên gấp bội phần nếu sử dụng đồng thời cả 2 loại.
Do rượu gây ức chế thần kinh nên nếu sử dụng đồng thời rượu và heroin sẽ có tác động hiệp đồng, gây ức chế thần kinh quá đáng, làm buồn ngủ và chậm các phản xạ hoặc đưa ra các quyết định xử lý tình huống sai lầm (thay vì đạp chân thắng thì đạp nhầm chân ga) và gây ra các hậu quả thảm khốc.
Trung tá Hiếu đưa ra ví dụ cụ thể: “Giả sử, 1 xe ô tô đang lưu thông với tốc độ 50km/h và chỉ cần phản ứng chậm 1 giây (chậm rời chân ga để đạp chân phanh trong 1 giây) thì xe đã trôi về phía trước được 13,8m (50.000m/3.600 giây) và tai nạn đã có thể xảy ra”.
Nếu lái xe sử dụng ma túy đá, ma tuý tổng hợp sẽ bị ảo giác và không làm chủ được quá trình điều khiển phương tiện giao thông trên đường, từ đó dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông khôn lường.
Ma túy và bia rượu đều gây nên những tác động tiêu cực đối với cơ thể người. Việc tham gia giao thông dưới ảnh hưởng của các chất kích thích không chỉ đặt bản thân vào nguy hiểm mà còn đe dọa đến an nguy của những người tham gia giao thông khác.
Vì một cái Tết yên ấm, an toàn, hãy là một người tham gia giao thông có ý thức. Hạn chế uống bia rượu, không sử dụng các chất kích thích.