Trong bối cảnh Biển Đỏ không ngừng “dậy sóng” vì các cuộc tấn công của phiến quân Houthi và những đòn đáp trả của phương Tây, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành một báo cáo phân tích tác động của những căng thẳng địa chính trị ở Biển Đỏ đối với thương mại của ASEAN.
Nếu nhìn sơ bộ, những gián đoạn ở Biển Đỏ có vẻ giống như một rủi ro đối với các nền kinh tế ở Đông Nam Á, vốn đang trông đợi thương mại toàn cầu tăng trở lại, báo cáo có tựa đề “ASEAN Perspectives: Biển Đỏ, cảnh báo đỏ?” của HSBC cho biết.
Tuy nhiên, đây chưa hẳn là trường hợp “cảnh báo đỏ” ngay lập tức đối với thương mại của ASEAN bởi hoạt động xuất nhập khẩu của khối này với châu Âu và Trung Đông cũng tương đối hạn chế, báo cáo cho biết, đồng thời lưu ý rằng, một số sản phẩm nhất định có thể dễ bị ảnh hưởng hơn các sản phẩm khác, chẳng hạn như dệt may và da giày từ Việt Nam và xuất khẩu ô tô của Thái Lan.
Ngoài ra, các chuyên gia của HSBC cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải để mắt tới lạm phát, vốn dễ lên xuống theo sự biến động của giá dầu. Theo phân tích của tập đoàn tài chính đa quốc gia có trụ sở tại Anh, ASEAN đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới.
“Mặc dù hoạt động thương mại với Trung Đông có hạn, một mặt hàng quan trọng không thể xem nhẹ chính là dầu. Ngoại trừ Indonesia, các nước còn lại trong ASEAN nhập khẩu ít nhất 50% dầu thô từ Trung Đông”, báo cáo của HSBC cho biết.
“Tuy nhiên, chúng ta có thể yên tâm khi xem xét kỹ hơn thông tin về các nước xuất khẩu: khoảng 70% dầu ASEAN nhập từ Trung Đông có nguồn gốc từ eo biển Hormuz nơi các dòng chảy thương mại không bị gián đoạn. Ngay cả với 30% còn lại nhập từ Ả Rập Xê-út, nhiều đơn vị vận chuyển dầu đã chuyển hướng khỏi Biển Đỏ. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa thấy tác động hữu hình nào lên giá dầu thế giới”, báo cáo cho biết thêm.
Xét đến tình hình thực tế là xung đột ở Biển Đỏ chưa biết sẽ kéo dài đến bao giờ, HSBC cảnh báo các nước Đông Nam Á cần theo dõi sát sao các diễn biến vì lạm phát năng lượng là không thể coi thường được.
“Suy cho cùng, ASEAN đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới. Còn nhớ hầu hết khu vực này đã chứng kiến lạm phát năng lượng tăng mạnh hồi năm 2022, khiến các Ngân hàng Ttrung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ ở mức độ khá gắt”, báo cáo cho biết. “Mặc dù chưa đủ cơ sở để lo lắng về khả năng lặp lại cú sốc năng lượng, cần thận trọng theo dõi tình hình có thể diễn biến tới đâu, đặc biệt khi các Ngân hàng Trung ương chuẩn bị bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ nhờ lạm phát dịu xuống”.
Về thương mại, trong báo cáo của mình, HSBC khuyến cáo Việt Nam nên lưu tâm tới việc xuất khẩu dệt may và da giày sang châu Âu.
Theo HSBC, mặc dù Mỹ mới là nước nhập mặt hàng này của Việt Nam nhiều nhất, thị phần 20% của châu Âu cũng có ý nghĩa nhất định. Những lô hàng xuất sang châu Âu này chưa bị ảnh hưởng bởi gián đoạn ở Biển Đỏ, minh chứng là tháng 1 ghi nhận mức tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các hiệp hội thương mại cũng cảnh báo tình hình khó khăn gia tăng trong việc nhận đơn hàng từ Quý 2/2024 nếu căng thẳng còn kéo dài, báo cáo cho biết.
"Trên thực tế, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã tìm kiếm giải pháp vận tải thay thế trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty vận tải tìm tới giữ chỗ bằng vận chuyển đường hàng không. Điều đó khiến lượng hàng vận chuyển qua đường hàng không trên tuyến Việt Nam-châu Âu trong tháng 1 tăng lên, thậm chí vượt mức 6% là ngưỡng đỉnh của năm 2023", HSBC lưu ý.
Tương tự như dệt may và da giày, báo cáo của HSBC chỉ rõ, tác động của xung đột ở Biển Đỏ lên xuất khẩu nông sản của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cũng hạn chế.
Nhìn vào 2 nước xuất khẩu nông nghiệp lớn, cả Việt Nam (17% thị phần) và Thái Lan (13% thị phần) đều không xuất nhiều sang EU và Trung Đông. Xét cho cùng, khoảng 60-70% xuất khẩu nông sản của 2 nước này là để phục vụ khách hàng châu Á, theo báo cáo của ngân hàng này. Đặc biệt là trường hợp của hàng hóa thiết yếu như gạo, trong đó 50%-80% nhập khẩu gạo của các quốc gia trong khu vực đếu đến từ Việt Nam và Thái Lan.
Tuy nhiên, HSBC cho rằng những sản phẩm khác có thể dễ bị ảnh hưởng hơn. Chẳng hạn, gần 50% xuất khẩu cà phê của Việt Nam có điểm đến là châu Âu. Nhưng may mắn là nhu cầu của Trung Quốc gần đây gia tăng đối với nhiều loại nông sản của Việt Nam có thể dư sức bù đắp cho bất kỳ gián đoạn thương mại tiềm ẩn nào.
Minh Đức