PGS Vũ Chí Nguyện, nguyên Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia, đồng thời là trưởng nam của nhạc sĩ Văn Ký đã xác nhận với VietNamNet thông tin trên. Được biết, nhạc sĩ Văn Ký nằm cấp cứu ở bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội 10 ngày qua và trút hơi thở cuối cùng vào lúc 9h20 sáng 26/10. Tang lễ của cố nhạc sĩ dự kiến được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng.
Những năm cuối đời, nhạc sĩ Văn Ký vẫn giữ được tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống. Xuất hiện trong một chương trình truyền hình hồi tháng 5, ông bộc bạch: “Tôi vẫn yêu cuộc sống, vẫn muốn mọi người hát lên những âm điệu tươi trẻ". Trước diễn biến Covid-19, ông còn phổ nhạc bài thơ Covid phải lùi xa của tác giả Lê Chín.
Nhạc sĩ Văn Ký, tên đầy đủ là Vũ Văn Ký, sinh ngày 1/8/1928 ở Vụ Bản, Nam Định. Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nho học. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, khi mới 15 tuổi. Với những đóng góp của mình, ông từng được trao Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Độc Lập hạng ba và được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2001.
Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Văn Ký đã cho ra đời khoảng 400 nhạc phẩm cách mạng như: Tình hậu phương, Chiến thắng hòa bình, Dân công lên đường, Lúa thoái tô... trong đó nổi tiếng nhất là Bài ca hy vọng, gắn với tên tuổi nhiều giọng ca Trung Kiên, Lê Dung, Quang Thọ,...
Nói về kỷ niệm sáng tác ca khúc này, cố nhạc sĩ từng chia sẻ: "Mùa xuân năm 1958, từng ca từ của bài Bài ca hy vọng được bật ra trong tôi một cách tự nhiên. Tình hình đất nước thời điểm đó nhiều khó khăn. Dù vậy, tôi cũng như nhiều người cùng thời có một niềm tin mãnh liệt, chắc chắn vào ngay mai tốt đẹp, tương lai đón chờ”.
Minh Hoa (t/h)