Vừa qua, bộ truyện tranh Địa Ngục Môn của tác giả Phan Cao Hà My (bút danh là Can Tiểu Hy) do nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành đã giành giải Bạc tại Cuộc thi Truyện tranh Quốc tế (International Manga Award) lần thứ 10 ở Nhật Bản. Được biết, Địa Ngục Môn đã vượt qua 296 tác phẩm từ 55 quốc gia và vùng lãnh thổ để giành giải Bạc.
Cuộc thi Truyện tranh Quốc tế là một trong những giải thưởng truyện tranh quốc tế uy tín, ra đời từ năm 2007 và đây là năm thứ 2 Việt Nam có tác phẩm truyện tranh giành giải Bạc của cuộc thi này. Mới đây, tác giả Phan Cao Hà My đã có những chia sẻ với báo Người Đưa Tin về những khó khăn đã trải qua và niềm vui vừa nhận được.
Cảm xúc của Hà My như thế nào khi Địa Ngục Môn nhận được giải thưởng lớn mang tầm cỡ quốc tế?
Địa Ngục Môn nhận được giải Bạc tại Cuộc thi Truyện tranh Quốc tế lần thứ 10 là một điều vô cùng bất ngờ đối với bản thân tôi. Khi biết tin mình nhận được giải thưởng này, cảm xúc trong tôi thật khó tả nhưng có lẽ tất cả những cảm xúc đó có thể tóm gọn lại trong một từ … vui. Đây thực sự là động lực lớn để tôi tiếp tục hoàn thiện bộ truyện cũng như sáng tác những bộ truyện tiếp theo trong tương lai.
Hà My đã dựa vào nguồn cảm hứng nào để viết ra Địa Ngục Môn?
Để viết Địa Ngục Môn, cảm hứng đầu tiên xuất hiện trong mình là khi mình đi viếng mộ. Khi đến thăm một người đã khuất, mình cảm nhận được cảm giác đi về cõi chết. Những suy nghĩ, cảm nhận đó là những hạt giống đầu tiên giúp tôi hình thành nên ý tưởng của Địa Ngục Môn và đó cũng chính là tình tiết mở đầu của bộ truyện.
Được biết, trước khi giành giải Bạc tại Cuộc thi Truyện tranh Quốc tế, Địa Ngục Môn đã từng bị nhiều nhà xuất bản từ chối. Trước những khó khăn đó, đã bao giờ Hà My có ý nghĩ buông bỏ? Và, động lực nào giúp Hà My tiếp tục để đi đến thành công như ngày hôm nay?
Đúng vậy, Địa Ngục Môn đã từng bị rất nhiều nhà xuất bản từ chối. Tuy nhiên, từ đầu tôi đã xác định tư tưởng, biết truyện này khó xin giấy phép xuất bản, thế nên mỗi lần bị từ chối tôi cũng không quá bất ngờ, chỉ gạt bỏ thất vọng rồi lại tiếp tục cố gắng thôi. Cũng may, mỗi lần như vậy mọi người bên cạnh lại động viên tôi cố gắng, mọi người trong công ty cũng hỗ trợ tôi rất nhiều, vừa tạo điều kiện cho tôi tập trung sáng tác vừa cổ vũ mỗi khi tôi cảm thấy nản lòng.
Có thể nhận thấy thị trường truyện tranh của Việt Nam dường như còn bị “lép vế” và chưa có nhiều cơ hội để phát triển. Vậy theo Hà My, thách thức lớn nhất đối với một người theo đuổi niềm đam mê với truyện tranh ở Việt Nam là gì?
Thực sự, tôi không quan tâm nhiều đến thị trường bên ngoài mà chỉ tập trung vào sáng tác. Còn đối với tôi, thách thức lớn nhất chính là bản thân chúng ta, để vượt qua chính bản thân mình là một điều cực kì khó, không phải ai cũng có thể làm được. Ngoài ra, một điều quan trọng mà một người theo đuổi niềm đam mê với truyện tranh cần phải có chính là sự kiên trì, bền bỉ và dám theo đuổi nghề. Tôi nghĩ, cứ kiên trì sáng tác rồi điều gì đến cũng sẽ đến.
Sau thành công của Địa Ngục Môn, kế hoạch tiếp theo của Hà My sẽ là gì?
Trước mắt, tôi sẽ bắt tay vào sáng tác cho tập 2 của Địa Ngục Môn, tôi dự định Địa Ngục Môn sẽ có 4 tập, ra mắt vào mỗi năm. Mỗi phần của Địa Ngục Môn sẽ là một câu chuyện khác nhau và mất khá nhiều thời gian để thực hiện. Song song với Địa Ngục Môn, tôi cũng tham gia một vào dự án khác.
Hà My có thể chia sẻ một chút về kế hoạch sang Nhật Bản để nhận giải?
Lần sang Nhật Bản để nhận giải thưởng này tôi đi với tâm thế vô cùng thoái mái. Điều tôi quan tâm nhất là được tham quan các nhà xuất bản nước ngoài, quan sát cách họ làm việc và lắng nghe họ chia sẻ kinh nghiệm, từ đó tôi hi vọng có thể học hỏi nhiều điều từ họ.
Cảm ơn Hà My về những chia sẻ thú vị!
Hải Dương