Trước việc nhiều bà mẹ Việt đang quá “o ép” con mình từ khi mới lọt lòng để con nhanh chóng thành “thiên tài”, trao đổi PV báo điện tử Người Đưa Tin, chị Dương Thanh Nga, tác giả cuốn sách Mẹ sẽ không để con ở lại chia sẻ về quan điểm nuôi và dạy con của mình.
Chị nghĩ sao khi hiện nay nhiều bà mẹ Việt đang quá “o ép” con mình, bắt con học từ khi mới được vài tuổi?
Tôi cũng “o ép”, nhưng vẫn giữ quan điểm định hướng để con có thể phát triển một cách tốt nhất tất cả những khả năng mà con có. Thật ra con nít dễ bị dụ nhất, việc của mẹ là làm sao “o ép” trong khuôn khổ mà con vẫn cảm thấy mình có quyền quyết định, con vẫn cảm thấy mình có tự do.
Chẳng hạn bé ngần ngại ăn rau, thay vì ép con, tôi bày ra trước mặt bé 3 loại rau củ, quả khác nhau và thật hấp dẫn để bé chọn lựa. Muốn bé khoẻ mạnh, thay vì ép con tập một loại hình thể thao tôi nói: "Đó, bây giờ có 3 môn bơi lội, chạy bộ, bóng rổ, con thích cái nào?".
Tôi không muốn là người mẹ ép con đến mức phải hối hận khóc thương con nhảy lầu tự tử, vì con đã cố gắng học, nhưng không đủ điểm vào trường đại học mẹ mong muốn. Ngược lại, tôi muốn con làm những điều tôi biết sẽ tốt cho con, vì con cần và yêu thích việc đó, chứ không phải vì con bị áp lực bởi việc đó.
Theo chị, một bà mẹ trong thời buổi hiện đại cần phải có trách nhiệm gì với con, từ khi bé chào đời?
Tôi nghĩ trong thời buổi hiện đại, người mẹ có hai trách nhiệm to lớn Nhìn xa trông rộng và gieo trồng đam mê. Dù dạy con theo cách này cách kia, nhưng người mẹ phải tỉnh táo, yêu con bằng cái đầu chứ không phải bằng trái tim. Ai cũng muốn con lớn lên mạnh khoẻ, nhưng có bao nhiêu mẹ mỗi ngày dẫn bé cùng đi chạy bộ, bơi lội, đá bóng?
Ai cũng muốn con thông thái biết tuốt, nhưng có bao nhiêu mẹ mỗi tuần dẫn con ghé thăm thư viện, nhà sách? Muốn con dạn dĩ, am tường thế giới và phong phú góc nhìn, có bao nhiêu mẹ dẫn con cùng đi? Con có thể không làm được và chưa hiểu được ngay lúc này tất cả những mong ước xa xôi đó mà mẹ ấp ủ, nhưng không bao giờ quá sớm để mẹ ươm trong hồn bé những đam mê.
Đưa con đi vòng quanh thế giới khi con mới 7 tuần tuổi, đó có phải cách chị giúp con học chứ không bó buộc con trong nhà trẻ không thưa chị?
Nhiều phụ huynh mang tâm lý con quá nhỏ, nói chưa to, đi chưa vững mà học làm gì. Tôi nghĩ thay vì đánh giá thấp khả năng của con, hãy tạo điều kiện cho con phát triển. Nếu gửi con cho cô giúp việc, hay cho ông bà, dù ai cũng rất thương con nhưng khả năng con học được rất ít.
Đến lớp, con học được rất nhiều từ các cô và bạn bè xung quanh. Nhưng việc học chỉ đạt hiệu quả nếu xây dựng trên nền tảng của sự thoải mái và niềm yêu thích. Với các bé, cách học hiệu quả nhất là chơi. Cho con bộ trò chơi xếp chữ, tôi chẳng cần tốn công gì nhiều mà con đã học thuộc lòng bảng chữ cái từ khi 2 tuổi.
Câu nói của ông bà xưa: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, áp dụng đúng với cả trẻ con vài tháng, vài tuổi. Trong những chuyến đi, tôi luôn giảng giải với con về mọi thứ đang hoạt động trên đường. Đừng nghĩ trẻ con không biết gì, chúng đang quan sát và học hỏi đó.
Con học đếm “một, hai, ba” bằng cách chỉ bò và ôm dê trong trang trại, ngắm nai thơ thẩn bên vệ đường. Cứ xe dừng chờ đèn đỏ là con đếm, thấy cái gì trên đường cậu ấy cũng hỏi: “Cái gì”. Tôi chưa kịp giải thích “cái gì” thì cậu ấy đã chỉ sang thứ khác và nói: “Cái gì nữa kia mẹ?”.
Từ những quan điểm nuôi dạy con của mình, chị có “bí kíp” gì để tận hưởng những giây phút bên cậu con trai?
Trước đây, khi mới sinh con, tôi hay sợ nhìn thẳng vào sự thật. Hay nói nôm na là tôi bị “lạc quan ảo”, nên lờ đi không dám nhìn thẳng vào các rắc rối tiềm năng. Trong khi chồng tôi thì khác, anh gặm nhấm phân tích những trục trặc trong quá khứ và tưởng tượng ra trong đầu đủ thứ trở ngại của tương lai.
Chính vì vậy, tôi dễ bị sụp đổ hơn khi một điều gì đó xảy ra không như ý. Chẳng hạn đi đâu đó, chắc chắn con sẽ khóc ầm ĩ trên xe. Khả năng cao là con sẽ làm tôi bỏ dở miếng ăn trong nhà hàng để chạy đuổi theo con ra sân. Con sẽ khiến tôi phải nổi khùng và nói với chồng, nhưng một thời điểm sau trong tương lai bảo đảm là tôi sẽ vô cùng hối hận.
Chính vì thế, tôi đặt ra một “bí kíp” rằng, hãy nhìn thẳng vào những trục trặc đó, và trông đợi những tình huống rắc rối đó sẽ xảy đến. Khi đó, tôi mới bớt thất vọng và sẵn sàng cảm xúc để đón nhận, giải quyết chúng, để rồi tiếp tục trải nghiệm, tận hưởng giây phút khi ở bên con. Tôi luôn cầu mong điều tốt đẹp nhất đến với con và luôn trong tư thế chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong mỗi chuyến đi và là "nguyên tắc vàng" của tôi.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Cùng chủ đề:
Bà mẹ trẻ Việt đi ngược lại quan điểm "gái đẻ phải kiêng cữ"
M.Thu