Sau cuốn sách nhận phải khá nhiều ý kiến trái chiều – Xách balo lên và đi, chiều ngày 17/12 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), tác giả trẻ Huyền Chip đã cho ra mắt tiếp cuốn sách tiếp theo của tôi.
Cuốn sách mới của Huyền Chip có tên Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford. Giấc mơ Mỹ - Đường sẽ là những câu chuyện của những cô bé, cậu bé với cuộc sống tưởng như hoàn hảo - thành công nắm chắc trong tầm tay - nhưng thực sự vẫn luôn nghi ngờ bản thân, phải đấu tranh với bệnh trầm cảm, gục ngã trước áp lực và phải tỏ ra hạnh phúc.
Trong buổi giao lưu ra mắt cuốn sách Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford, Huyền Chip cũng đã có những trải lòng về việc từng bị nhiều người “ném đá”.
Khi ngồi một mình, đọc những comment “ném đá” của nhiều người, tâm trạng của Huyền như thế nào?
Thực sự, đó là quãng thời gian khá khó khăn đối với bản thân tôi. Nhưng khó khăn lớn nhất tôi nghĩ đó chính là gia đình, người thân bởi họ luôn phải nghe những lời bàn tán, xì xào không hay về tôi. Nhìn thấy mọi người như vậy tôi cảm thấy rất là buồn. Mọi người thường hỏi tôi làm thế nào để vượt qua giai đoạn đó nhưng tôi chỉ nghĩ rằng, đó không phải là cái gì đó để vượt qua và dù có thế nào thì cuộc sống cũng vấn phải tiếp diễn, tôi cứ tập trung vào công việc của tôi rồi mọi chuyện cũng sẽ thành quà khứ.
Có nhiều người đã chỉ cho tôi thấy những điểm đúng sai, tôi rất trân trọng điều đó và cố gắng sửa chữa những sai lầm đó để sống tốt hơn. Và tôi nghĩ rằng, nếu tôi cứ nỗ lực thì một ngày nào công sức của mình cũng sẽ được mọi người công nhận.
Nhiều người nói Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford chỉ là một cuộc chạy trốn của Huyền Chip nhưng cũng không ít người cho rằng bạn đang cố thể hiện rằng bạn không phải chỉ biết "chém gió" mà còn là một người giỏi khi giành được học bổng của Stanford. Ngoài ra cũng có ý kiến nói, Stanford là điều quá bình thường bởi một năm nơi đó nhận không biết bao nhiêu sinh viên. Bạn nghĩ sao về điều này?
Những ai cho rằng tôi đang cố gắng thể hiện thì có lẽ họ chưa hiểu gì về tôi và đang hiểu lầm tôi rất nhiều. Bởi tôi là một người khá ích kỉ, tôi thường làm vì sở thích. Theo học tại Stanford cũng vậy, đó đơn giản là tôi muốn theo học, tôi đã từng nộp đơn vào đó nhưng bị từ chối và đến lần thứ 2 tôi mới được chấp nhận. Còn những người coi Stanford là thường thì tôi thực sự rất nể phục vì chắc chắn họ đã làm được những điều to lớn hơn mà tôi cần phải học hỏi.
Huyền sẽ tiếp tục ra mắt sách chứ? Liệu Huyền có viết tiếp cuốn Xách balô lên và đi thứ ba như đã hứa trước đây không?
Trong tương lai gần tôi chưa có kế hoạch bỏ ra 1-2 tháng để đi và viết về châu Phi. Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục ra sách, đó sẽ là một cuốn sách Tiếng Anh viết về văn hóa Việt Nam. Tôi nhận ra rằng khi tôi hỏi bạn bè tôi là người nước ngoài khi sang Việt Nam sẽ đọc sách gì về Việt Nam thì mọi người đều đọc sách về văn hóa Việt Nam. Và những cuốn về văn hóa Việt Nam thường bắt đầu kể từ sau khi chiến tranh và do người nước ngoài viết.
Tôi nghĩ rằng, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc rất lâu rồi, đã có rất nhiều chuyện đã xảy ra vậy vì sao người nước ngoài khi nhắc đến Việt Nam lại nói về chuyện này. Vì vậy tôi muốn có một cuốn sách về văn hóa Việt Nam do chính người Việt viết, về những chuyện không phải về sau chiến tranh. Trong đó, tôi sẽ giải thích cho những người nước ngoài hiểu về những điều mà họ luôn cảm thấy kì cục khi đến Việt Nam.
Huyền muốn nhắn gửi điều gì đến độc giả và những người đã mua sách, theo dõi hành trình của bạn hay không?
Tôi cảm ơn mọi người đã luôn bên cạnh và ủng hộ cho tôi suốt quãng thời gian qua. Hi vọng mọi người sau khi đọc sách sẽ cho tôi những đánh giá, nhận xét để tôi có thể ngày càng hoàn thiện hơn dù đó là lời khen hay chê thì tôi đều trân trọng tất cả.
Minh Trí