Cả chiều qua, tôi và Bui Sim Sim "nín thở" nghe ngóng tin tức về tình hình sức khỏe của anh. Biết anh đã vào cơn hấp hối tuyệt vọng mà chúng tôi, cũng như bao bạn bè khác, cứ nhất tâm không chịu tin. Đến 19h50 thì anh buông tay rời cõi nhân gian nhiều chuyện.... để tiếp tục chuyến ngao du của một hoàng tử bé.
Ba người đàn ông - ba người nghệ sĩ: Trịnh Công Sơn, Phạm Tiến Duật và Nguyễn Trọng Tạo - ba người anh mà tôi thương mến và trân trọng, ngưỡng mộ về tài, thán phục sự thông minh... tuy mỗi người một vẻ, nhưng họ đều có những ảnh hưởng lớn đến tôi... và, khi họ ra đi, đều để lại trong tôi nỗi buồn lớn.
Từ khi nghe tin anh mất, dù đã biết điều đó rồi xảy ra... nhưng tôi không lường trước rằng tôi lại buồn và mất ngủ trọn đêm qua, chỉ để nghe lại những bài hát của anh, đọc lại những bài thơ anh viết và xem lại những tấm hình của hai anh em cùng bạn bè, ngẫm lại những dòng tin nhắn anh nhắn cho tôi những ngày gần đây.
Ngổn ngang bao kỷ niệm, ngổn ngang bao xúc cảm về anh - một nghệ sĩ tài danh mà nhiều rắc rối, thị phi.
Ngày tôi 22 tuổi, về làm việc tại sân 51 Trần Hưng Đạo (liên hiệp Văn học Nghệ thuật VN) thì anh làm việc tại tạp chí Âm nhạc cũng trong sân đó. Cái sân 51 thật kỳ lạ, nơi ấy hội tụ vào ra của biết bao anh tài nổi tiếng như Hoàng Cầm, Huy Cận, và các anh thế hệ sau như Hồng Đăng, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, vv...
Nhiều anh tài, nghệ sĩ văn sĩ nổi tiếng, khiến một cô gái 22 tuổi vừa tò te tốt nghiệp đại học cảm thấy choáng ngợp. Đó thực sự là cú sốc, choáng váng đầu đời của tôi, bởi từ giảng đường đại học, chân ướt chân ráo ra đời đã đối diện với toàn những cây đa cây đề danh tiếng trong cả nước - bóng họ quá lớn, khiến tôi thấy hoang mang.
Ngày ấy, anh Tạo tầm 40 - 41 tuổi. Một lần, ngồi quán nước vỉa hè ngoài cổng tòa 51, anh Phạm Tiến Duật thuyết minh khi tôi tò mò hỏi: "Cái anh tóc xoăn xoăn dáng phủi phủi kia là ai?" rằng đó là Nguyễn Trọng Tạo - một nhà thơ, một nhạc sĩ rất nổi tiếng.
Tôi cũng gật gật à lên tỏ ra đầy kinh ngạc như thể đã hiểu, nhưng thực sự là những vần thơ mà bọn sinh viên con gái tuổi yêu nào cũng thuộc nằm lòng "Anh trót để ngôi sao bay khỏi cát/Biếc xanh em mãi chớp sáng vòm trời/ Điều có thể đã hóa thành không thể/Biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi"..., tôi thuộc cả bài thơ ấy, chép vào sổ thơ của mình.... nhưng không cần biết tên tác giả.
Rồi bài hát "Làng quan họ quê tôi" rất đỗi quen thuộc và tôi đã thể hiện bài hát ấy rất tình cảm, trong trẻo với chất giọng khá tốt trong những buổi hội diễn văn nghệ của sinh viên khoa Văn... nhưng tôi cũng không biết tác giả phần nhạc bài đó là anh Tạo!
Tất nhiên là sau bữa được anh Duật giới thiệu, giảng giải thì tôi hiểu và đọc nhiều về anh Tạo. Nhưng hiện tượng độc giả hồn nhiên thuộc, hồn nhiên yêu những tác phẩm nghệ thuật coi đó như một "tài sản tâm hồn" của mình mà không hay biết đến tên tuổi tác giả, thì thực ra đó là thành công vĩ đại nhất của người nghệ sĩ, là phần thưởng cao quý nhất mà người sáng tác có được.
Thế rồi, dần dần tôi coi anh như một người anh lớn của mình. Có lẽ, bởi cái bản tính xuề xòa dung dị dễ gần của anh, không "bắt nạt, làm le" với con em bé nhỏ, nhát như cáy. Cũng bởi anh rất thông minh hóm hỉnh trong mọi câu chuyện, tình huống cuộc đời. Cũng bởi anh và tôi cùng có chung gốc gác "nhà quê" xứ Nghệ... Chắc còn nhiều lý do nữa, nên tôi rất thương mến anh - một người anh "luộm thuộm" trong cuộc sống.
Bản tính tôi vốn nhát gan, dù tâm hồn tôi yêu khát sự tự do phóng khoáng song tôi lại tôn thờ sự cẩn trọng và chừng mực bởi vì tôi là người- đàn- bà- làm- mẹ... mà anh thì nổi tiếng lang bang, phóng túng, nổi tiếng tài hoa và... "sát gái" nên tôi chọn cho mình một vị thế luôn đứng xa quan sát và dõi theo anh.
Anh dạy tôi cách làm báo nghệ thuật, cách khai thác các vấn đề xã hội thông qua lăng kính nghệ thuật. Anh cũng hay bình luận về các bài viết của tôi một cách chân thành và tôn trọng... chính vì lẽ đó mà dù không thường xuyên lắm trong các cuộc gặp mặt, tôi và anh thường trao đổi qua thư và tin nhắn.
Bao nhiêu năm được làm bạn với các anh, những "tiên tửu" xuất thần thành nghệ thuật, nhưng "ngược đời" là tôi không biết uống rượu, bia. Ấy thế mà tôi lại luôn ý thức "kiếm rượu" ngon... để mang tới cho các anh. Thỉnh thoảng có chai rượu ngon tôi thường dành để biếu anh, mang đến tận căn hộ nhỏ của anh trên tầng 6 ở Phương Mai; hoặc mang tới chầu nhậu của các anh dịch giả Đoàn Tử Huyến, Giáo sư Văn Như Cương, Nguyễn Trọng Tạo, đạo diễn Trần Quốc Trọng....
Những dịp đó, tôi thật sự vui mừng vì được hầu rót rượu cho các bậc anh tài, lặng yên ngồi nghe các anh đàm đạo, tiếu lâm, làm thơ phác thảo chân dung nghệ sĩ, hát, rồi cả "chế" chính những tác phẩm của mình kiểu như "Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào bia hơi..." và bình luận mọi thứ trên đời... rồi cười ngả nghiêng hoan hỉ lắm.
Vâng, qua lăng kính của người nghệ sĩ - trí thức và men rượu, trong không khí thoải mái chân tình, tôi có dịp được thấy thế giới thật khác biệt và thú vị bởi những đột phá trong cách nhìn, cách phát hiện - cách tư duy khác biệt, độc đáo của các anh.
Có lần, anh nói với nhiều người bạn rằng "Thương con nhỏ này ghê (ý ám chỉ tôi), nó là đứa đàn bà có phẩm chất đàn bà, nhưng nó chung thủy một cách thống khổ! Nó là con em mà cả năm chả ai thèm nhớ là nó sống ra sao, nhưng nếu nghe tin nó rời xa Hà Nội... thì chắc chắn sẽ cảm thấy chống chếnh như thiếu vắng điều gì".
Lúc đó, và ngay cả bây giờ tôi cũng không hiểu hết nội hàm anh muốn ngụ ý, nhưng tôi tin anh nói rất chân thành và tôi thấy cay cay sống mũi mỗi khi nhớ tới. "Điều gì" mà anh Tạo vẽ về tôi chắc hẳn đó là vẻ ngốc dại dễ tin của một người luôn được anh coi như em gái.
Một trong những ngày hệ trọng nhất cuộc đời tôi, đó là buổi ra mắt cuốn sách "Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu" cách đây hơn 3 năm. Và, ngày đó, anh Tạo là người dẫn chương trình cho tôi. Đã quá 15 phút so với giờ khai mạc lúc 14h, hơn 500 độc giả và khách mời đã yên vị... vậy mà tôi chưa thấy bóng dáng anh đâu.
Đứng trước sảnh khách sạn Bảo Sơn ruột gan tôi nóng hôi hổi, gọi điện thoại thì anh không nghe máy, tôi bèn gọi cho chị Huyền Lê - người bạn gái gần gũi ân cần của anh- thì được biết họ đang trên đường đến! Và rồi anh đến nơi, bước chơi vơi như chân không bén đất. Tôi tự nhủ, "Xong rồi, ông anh hình như xỉn thì phải!" Tôi những muốn hét lên "Trời ạ, sự kiện hệ trọng của tui mà ông anh cứ như chơi giỡn vậy sao?".
Nhưng rồi, buổi ra mắt sách cũng hết sức thú vị, vui vẻ và cuốn hút, khiến lượng người nghe càng về cuối càng đông hơn. Tôi chợt phát hiện ra, anh chẳng hề đọc trước cuốn sách của tôi, nhưng tung hứng rất "xuất thần", sau này anh bảo, cần gì đọc sách anh hiểu mày mà. Buổi ra mắt sách đang lúc cao trào, thì anh ghé tai tôi bảo, "Xong chưa, nhanh để anh về nghỉ cái, buồn ngủ rồi!".
Đến giờ, cuốn sách của tôi đã phát hành trên 2 vạn bản, không hiểu thành công đó có bao nhiêu phần trăm bởi cái duyên "khó tả, khó chịu" của anh Tạo mang lại, nhưng kỷ niệm buồn vui lẫn lộn trong buổi ra mắt sách ấy mãi theo tôi như một phần cuộc đời.
Hôm qua, 7/1/2019, anh đã buông bỏ tất cả và ra đi trên hành trình miên viễn vô thủy vô chung của mình. Để lại một nhân gian vẫn luôn nhiều sự. Thuở sinh thời, có đôi khi tôi vẫn hay đùa, nhân gian nhiều sự và anh là người nghệ sĩ tài danh, cũng đồng thời là người tích cực góp thêm vào nhân gian này nhiều giai thoại được thêu dệt, khó quên.
Có thể nhiều người không biết về anh, thậm chí không thích anh vì lý do nào đó, nhưng mấy ai không thuộc hai bài hát được bình chọn là 2 trong số 70 bài hát hay nhất về làng quê Việt Nam trong 70 năm qua, đó là bài "Làng quan họ quê tôi" và "Khúc hát sông quê" mà anh là tác giả. Nhưng với riêng tôi, bài thơ - nhạc gắn liền với tên tuổi của anh mà tôi thường ngân lên trong tâm hồn mình đó lại là bài "Một dại khờ một tôi".
Vâng, Một dại khờ một tôi... dường như anh nói hộ nhiều, rất nhiều cho những tâm hồn nhạy cảm, mong manh, khao khát, rạn vỡ trong mọi va chạm với dòng đời. Lời thơ day dứt:
"chia cho em một đời tôi
một cay đắng
một niềm vui
một buồn
tôi còn cái xác không hồn
cái chai không rượu tôi còn vỏ chai
chia cho em một đời say
một cây si
với một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô
chia cho em một đời thơ
một lênh đênh
một dại khờ
một tôi
chỉ còn cỏ mọc bên trời
một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm..."
Lạ thế, Nguyễn Trọng Tạo - người thơ với những câu thơ lấp lánh, ẩn hiện ngụ ý tầng tầng lớp lớp; một dạng thi túy ma mị, thấm và ngấm như có men trong đó. Cách tôi đọc thơ anh như này: cứ đọc và cảm nhận bằng một cái hít thở sâu tận gốc rễ của mỗi tế bào, rồi thốt lên "Đã quá! Tuyệt quá! Lão Tạo quá kinh khủng!" Trong thơ anh tràn đầy nhạc điệu, dù có cảm giác như anh chẳng cố gắng gì, nhạc cứ tự tuôn ra mê đắm, khó lường:
"...Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
Có thương có nhớ có khóc có cười
Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi...."
(Đồng dao cho người lớn)
Thế rồi, trong nhạc của anh lại dạt dào chất dân ca dân vũ, có sự đắm say, có nét đa tình bốc lửa của sức trẻ, khiến người nghe, nghe hoài mà không dứt ra được.
Vâng, "Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi...."- những bước đi trên nhân gian chỉ là một thoáng, quá nhanh. Bức ảnh ghi lại dịp tôi và Bui Sim Sim đến thăm anh mới ít lâu. Sau đó, tôi gửi ảnh cho anh và bảo, trông anh còn phong độ lắm. Anh nhắn lại: "Em bận rộn và xa anh. Nhưng với anh, luôn nhớ những chi tiết thân thiết với nhau, những tin yêu của em với anh...".
Tôi đọc và ứa nước mắt, tự hỏi "Mình bận đến mức ít có thời gian để ghé thăm anh hay vì mình ngần ngại điều gì?" và thầm hứa sẽ trở lại thăm anh nhiều hơn, chưa kịp ... vậy mà hôm qua anh đã bỏ cuộc chơi thật rồi...
Mấy dòng ngổn ngang, không mạch lạc... nhưng là tấm chân tình thay một nén nhang tôi tiễn anh theo cách của mình, để nguyện cầu anh bình an hoan hỉ, tiếp tục chuyến viễn du tới cõi vô cùng.
Tạm biệt Nguyễn Trọng Tạo - người thơ - người nhạc tài danh- người tình si của bao bóng hồng. Chỉ là tạm biệt thôi, anh ạ!
Nhà văn Hồ Thị Hải Âu