PV báo Người đưa tin đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn, nhà biên kịch của Làng ế vợ, Nguyễn Mai Long.
Chào anh, có lẽ rất nhiều khán giả sẽ bất ngờ khi tác giả Làng ế vợ 1 lại là một doanh nhân. Anh có thể cho khán giả biết một chút về mình?
Thật ra tôi là dân nghệ thuật gốc, tốt nghiệp trường Sân khấu điện ảnh với tấm bằng loại giỏi. Tuy nhiên, bên cạnh tình yêu nghệ thuật tôi cũng có tình yêu với kinh doanh. Cũng trong quá trình đi học, đi làm, tôi nhận ra việc kinh doanh và nghệ thuật có thể tượng trợ cho nhau. Vì vậy, tôi luôn thực hiện song hành hai công việc. Tuy nhiên, với nghệ thuật thì cần ấp ủ và thai nghén nên đa phần thời gian của tôi vẫn dành cho kinh doanh là nhiều.
Mục đích đầu tiên khi anh viêt Làng ế vợ 1?
Tôi sinh ra và lớn lên một vùng quê thuộc Phú Thọ và ở quê, thanh niên choai choai đã thích đi tán gái rồi. Ngày đó tôi đi theo các anh ở trong xóm sang làng bên tán gái. Ở quê thì cách tán gái ngày xưa rất buồn cười. Trước khi thành đôi, kiếm được một nửa của mình thì hầu hết các anh đều trải qua những câu chuyện dở khóc dở cười.
Thông thường một cô gái đẹp thì nhiều người để ý. Do vậy ở làng thì vẫn có những đội thanh niên chặn trai làng khác lại theo kiểu “trai làng giữ gái làng”. Để có thể tiếp cận "đối tượng" là một công cuộc rất gian nan, đôi khi phải nhảy xuống mương làng. Để tán được gái đẹp những chàng trai phải có trí thông minh, khôn khéo. Không chỉ lấy lòng cô gái mà còn phải lấy lòng cả các vị phụ huynh, các cháu, hàng xóm, thậm chí cả vật nuôi trong nhà!
Chính từ những tình huống dở khóc dở cười ấy đã trở thành chất liệu để tôi viết Làng ế vợ 1.
Cũng vì cuộc sống ngày nay nhiều áp lực nên tôi muốn mọi người được nhìn lại câu chuyện mà ít nhiều đã từng chứng kiến khi ở làng quê dưới góc độ hài hước.
Cơ duyên nào đưa Làng ế vợ 1 đến với đạo diễn Trần Bình Trọng để trở thành series phim hài hấp dẫn?
Thật ra khi viết Làng ế vợ 1 tôi cũng viết theo tâm trạng “nhớ nghề” là chính. Trong một lần gặp đạo diễn Trần Bình Trọng, anh ấy có ngỏ lời xem có “cái gì hay” không, lúc đó tôi nói mình đang hoàn thiện một kịch bản. Cũng nói thêm rằng lúc đầu, Làng ế vợ 1 được thai nghén với cái tên Tán gái. Bởi mọi chuyện chỉ xoay quanh chuyện tán gái ở làng quê là chính chứ không phải là chuyện ế vợ. Cũng trong kịch bản ban đầu thì cũng có rất nhiều anh chàng đã có vợ nhưng vẫn đi tán gái rồi.. . tán nhau. Những chuyện quay quanh hôn nhân gia đình đã tạo thành những nhân vật trong câu chuyện của tôi ban đầu. Sau đó, khi trải qua quá trình thẩm định kịch bản, tiêu đề được anh Trọng đặt lại thành Làng ế vợ.
Sau thành công của Làng ế vợ 1, anh có dự định gì cho các tác phẩm của mình? Những tác phẩm mới có bị cái bóng quá lớn của Làng ế vợ 1 che khuất?
Hiện nay Làng ế vợ ra đến phần 3 rồi, tuy nhiên, những phần này tôi không phát triển thêm nữa mà do anh Trọng đảm trách. Sắp tới tôi cũng có một số dự định về các dự án phim ảnh và nghệ thuật, trong số đó hài Tết tỏ tình được đầu tư nhiều hơn. Với Làng ế vợ 1, sự thành công đó cũng coi được là một động lực để tôi làm tiếp những tác phẩm mới phục vụ khán giả. Tôi không lo thành công của Làng ế vợ 1 sẽ làm các tác phẩm sau này của mình bị che mờ mà coi đó là động lực để tìm những cái mới cho các kịch bản hài phục vụ khán giả dịp Tết.
Anh cảm nhận thế nào khi không ít người cho rằng kịch bản của Làng ế vợ 1 có sự nhàm chán và phản cảm?
Sau Làng ế vợ 1 có nhiều ý kiến trái chiều, người thì thích thú, người thì cho rằng nó hơi “trẻ trâu”, nhố nhăng và nhàm. Tất nhiên đã làm hài thì cũng phải có cái gì trái quy luật một chút thì sẽ hấp dẫn. Thế nhưng khi nhận được những ý kiến khen chê trái chiều, tôi nghĩ rằng cần phải chuyển đổi cho phù hợp thị hiếu hơn. Khán giả có ý kiến cũng là lúc họ không còn thích món hài nhảm nữa mà cần phải đi vào tiếng cười sâu sắc, có tính kịch, đấu tranh tâm lý nhiều hơn.
Sau những trăn trở đó anh đã có đứa con tinh thần nào mới?
Sau khi ghi nhận những góp ý của khán giả tôi đang thai nghén và dự định cho ra mắt một số tác phẩm mới là Tết tỏ tình và Tam nam bất bần. Chất liệu trong các tác phẩm này vẫn là hài hước hóa tình yêu. Sau Làng ế vợ 1 độ hài hước tình yêu sẽ được chuyển lên một giai đoạn mới. Tết tỏ tình không chỉ là câu chuyện của những cậu thanh niên choai choai nữa mà được chuyển thành những tình huống, nhân vật mang tính kịch hơn.
Đây là câu chuyện hài xuất phát từ chính trong gia đình. Nó không còn là việc đi tìm vợ nữa mà thành câu chuyện làm cách nào để giữ gia đình. Cuộc sống hôn nhân sẽ rất khó thành nếu thiếu đi một chút hài hước.
Bên cạnh đó tôi cũng viết thêm Tam nam bất bần. Đây là một tác phẩm có nội dung lật lại quan điểm của các cụ ngày xưa về “Tam nam bất phú”, về quan niệm hạnh phúc.
Tất nhiên, đây là tác phẩm hài chứ không cổ súy cho việc sinh nhiều con. Điều quan trọng là phải biết giáo dục con cái thế nào cho đúng để chúng thành công trong cuộc sống. Mọi việc được nhìn theo một phong cách hài mới.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. Chúc anh thành công trong những tác phẩm sắp tới!
Mai Thu - Trần Phương