Những năm trở lại đây, thực trạng nhiều người tự sản xuất video đăng tải lên các trang mạng xã hội như YouTube, Facebook, Twitter... nhằm câu view (lượt xem), like (yêu thích), từ đó thu về các khoản lợi nhuận từ quảng cáo đang trở nên phổ biến.
Bên cạnh các clip được đầu tư công phu, nội dung lành mạnh thì đáng buồn là lại đang xuất hiện ngày càng nhiều video mang nội dung xấu, nhảm nhí, giật gân, thậm chí độc hại. Điều này gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho người xem, đặc biệt là trẻ em, trẻ vị thành niên - lứa tuổi còn hiếu động, ham khám phá.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển bền vững và Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế, tại Việt Nam, hơn 66% trẻ em có thể tiếp cận kết nối internet và 43% trẻ em tiếp cận mạng internet từ 30 phút đến 1 tiếng/ngày.
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày Youtube, Facebook đăng tải hơn 500 giờ clip, video, điều này cho thấy luồng thông tin khổng lồ đang tiếp cận tới trẻ em. “Trẻ em xem video hàng ngày sẽ tác động đến suy nghĩ, phát ngôn và làm theo là điều xem nghe. Những điều phản cảm lặp đi lặp lại sẽ được trẻ em coi là bình thường nên nhiều bạn cùng bắt chước. Do đó, video trên mạng đang tác động đến định hướng của giới trẻ", Phó GS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết trên TTXVN.
Một trong những minh chứng về tác hại của các video độc hại là thời gian qua Khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ dùng mạng xã hội quá mức, xem các video không phù hợp lứa tuổi,… dẫn đến các rối loạn khá trầm trọng.
Cụ thể là trường hợp bé gái 15 tuổi ở Hà Nội nhập viện điều trị chứng trầm cảm từ tháng 10/2020. Mẹ cháu bé chia sẻ, trước đó, P. thường xuyên mệt mỏi, cáu gắt, không tập trung, không kiểm soát được cảm xúc. Đi học, P. tỏ ra không hòa đồng, ít chia sẻ, tâm sự với những người thân trong gia đình, thỉnh thoảng còn có những hành động, lời nói nhạy cảm.
“Ở nhà cháu thường xuyên xem các video trên mạng xã hội. Khi thấy cháu có biểu hiện trầm cảm, gia đình đã quan tâm, chú ý đến cháu nhiều hơn. Tôi rất lo vì nhiều khi cháu không kiểm soát được hành động của mình khiến gia đình rất sợ”, mẹ P. cho hay.
Theo TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, trong thời đại công nghệ số bùng nổ, việc trẻ em, trẻ vị thành niên nghiện game, nghiện mạng, đặc biệt là truy cập vào các trang web, xem các video độc hại, không phù hợp với lứa tuổi… là vấn đề phổ biến và nguy hiểm trong xã hội, gây hậu quả khó lường. Trẻ rất dễ truy cập vào internet qua smartphone. Từ đây đứa trẻ có thể được tiếp xúc với rất nhiều loại thông tin. Trong khi đó, nội dung các thông tin này lại rất khó kiểm soát.
“Hiện nay các video độc hại rất nhiều trên mạng với các nội dung: Bạo lực, tình dục… mà trẻ chưa thể tiếp nhận gây ra những tác động rất tai hại, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ và có thể dẫn tới các rối loạn về tâm lý. Nếu trẻ tiếp nhận trong thời gian kéo dài có thể gây nên tình trạng rối loạn tâm lý, có thể ảnh hưởng đến các mối giao tiếp trong xã hội như: Trẻ hạn chế chơi với bạn bè, bố mẹ; ảnh hưởng đến học tập vì khi trẻ xem rất dễ bị cuốn vào, thậm chí nghiện xem các video độc hại, có thể khiến trẻ ảnh hưởng sức khoẻ, chán học, bỏ học…”, BS Vinh cho biết trên VOV.
Cũng theo BS Vinh, khi trẻ xem video độc hại quá lâu dễ dẫn đến mắc các bệnh lý tâm thần như: trầm cảm, kích động, rối loạn hành vi… Đặc biệt video có tính kích động bạo lực khiến trẻ học theo, dẫn đến hành vi tự huỷ hoại bản thân, thậm chí tự sát…
Do đó cần phát hiện trẻ khi có dấu hiệu sớm của nghiện mạng xã hội như: Đi học muộn, hay ngủ trong lớp, ít tham gia các sinh hoạt với gia đình như bình thường, gọi trẻ không dậy, mệt mỏi, mất ngủ, học kém, sử dụng tiền bất thường không giải thích được, một số trẻ bỗng thích tụ tập với các nhóm bạn khác… để kịp thời can thiệp.
Tuy nhiên, việc cấm tuyệt đối con cái tiếp xúc với mạng xã hội chưa phải cách hợp lý, bởi trẻ vẫn phải sử dụng để đáp ứng nhu cầu hàng ngày. Quan trọng là bố mẹ cần giám sát về thời gian cũng như định hướng nội dung các thông tin mà trẻ xem trên mạng. Việc giám sát này phải phù hợp với sự phát triển của trẻ về tâm lý, sinh lý. Nếu quan tâm không đúng cách thì đôi khi sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ với bố mẹ và sự giao tiếp giữa gia đình với trẻ.
Bên cạnh đó cha mẹ nên tổ chức các trò chơi lành mạnh xung quanh việc sử dụng công nghệ số, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường, quan tâm đến trẻ nhiều hơn, đặc biệt là trẻ vị thành niên.
Minh Hoa (t/h)