Bùa hộ mệnh là "lá bài tâm thần"?
Trung tá Nguyễn Văn Mậu, Phụ trách phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội (PC45, công an tỉnh Tuyên Quang) cho biết, cách đây khá lâu trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra một vụ án chống người thi hành công vụ. Cơ quan công an tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng để điều tra theo quy định của pháp luật.
Khi cơ quan điều tra kết luận vụ án, chuyển hồ sơ sang VKS cùng cấp truy tố bị can. Đến khi ra toà, gia đình bị cáo mang đến nộp cho HĐXX giấy chứng nhận tâm thần.
HĐXX đã trả hồ sơ để cơ quan điều tra bổ sung xem bị can có bị tâm thần hay không. Theo quy định, nếu bị can có dấu hiệu tâm thần thì cơ quan điều tra căn cứ vào tài liệu hồ sơ và có thể đưa bị can đi giám định tâm thần để xác định bị can có tâm thần thật hay không.
Trong vụ án trên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định giấy chứng nhận tâm thần kia không có giá trị và đối tượng gây ra vụ án đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với bản án thích đáng, đúng người đúng tội.
Theo Trung tá Mậu, dẫn chứng vụ án trên để cho thấy những tác hại khôn lường khi những kẻ phạm tội lại không phải chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình gây ra do có “bùa hộ mệnh” là những tờ giấy chứng nhận tâm thần không đúng. Nếu xảy ra những vụ việc đáng tiếc như trên thì liệu rằng pháp luật có còn tính nghiêm minh, đủ sứ răn đe đối với các đối tượng phạm pháp.
Cần nghiêm trị
Cũng theo vị lãnh đạo PC45, qua theo dõi các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, thi thoảng chúng ta lại thấy có những vụ việc đối tượng lợi dụng bị bệnh tâm thần để “chạy tội”, “chạy án. Điều này không những gây ra tình trạng “nhờn luật”, coi thường pháp luật của những kẻ phạm tội, mà cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm, tạo kẽ hở để “chạy án”, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Theo các chuyên gia pháp lý, cơ quan chức năng cần có biện pháp nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng bệnh tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự. Hiện tại, bộ Y tế chỉ làm công tác giám định xác minh bệnh nhân đó bị bệnh tâm thần. Bộ LĐTB-XH thì dựa vào kết quả đó để thực hiện trợ cấp xã hội. Bộ Công an dựa vào tờ giấy chứng nhận để không điều tra, khởi tố... Điều đó vô tình tạo tâm lý cho nhiều người rằng giấy chứng nhận tâm thần là bảo bối, tạo điều kiện cho những kẻ đứng đằng sau giật dây người bị bệnh tâm thần để gây án.
Công an rà soát 94 trường hợp nghi vấn khác Cuối giờ chiều 10/8, lãnh đạo bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ cùng một số bệnh viện Tâm thần trên địa bàn Hà Nội. Tại cuộc họp, đại diện bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, ngày 12/6/2018, Bệnh viện (BV) nhận thông báo số 53 và 54 của cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.Hà Nội về việc khởi tố bắt bị can tạm giam phục vụ điều tra với 2 viên chức của BV này là: BSCKII Thân Thái Phong, Phó Trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi; ông Nguyễn Tuấn Sơn – kỹ thuật viên, Trưởng khoa Dinh dưỡng. Trong đó, ông Sơn có trách nhiệm phân công công việc hàng ngày tại khoa Dinh dưỡng. Đại diện BV Tâm thần Trung ương 1 cho biết, sau khi nhận được thông báo 1 ngày, BV đã có quyết định tạm hoãn hợp đồng làm việc 3 tháng đối với ông Sơn và ông Phong. Qua 2 tháng, Công an TP.Hà Nội đang tiếp tục điều tra. Đến nay, BV vẫn chưa nhận được thông báo của cơ quan công an về kết quả điều tra đối với 2 viên chức trên. Ngoài ra, ngày 26/7 vừa qua, BV Tâm thần Trung ương 1 nhận được công văn của cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.Hà Nội về việc cung cấp thông tin, tài liệu kiểm tra lại 94 hồ sơ của bệnh nhân đã điều trị tại BV. Sau khi nhận được công văn, BV đã kiểm tra kỹ số lượng hồ sơ bệnh án yêu cầu, và cung cấp thông tin cho Công an TP.Hà Nội. BV cũng đang phối hợp với Công an TP.Hà Nội rà soát lại 94 hồ sơ bệnh án để xem có bệnh án giả mạo hay không. |